Bình tĩnh, kiên quyết chống dịch Covid-19: Nâng cao ý thức bảo vệ cộng đồng

LÊ ANH - ĐOÀN XÁ 04/12/2020 07:22

Trong những ngày này, trên mỗi tuyến đường, con phố, nhất là các khu dân cư đang tạm thời được phong tỏa để chống dịch Covid-19 của TP HCM, nhiều người dân thành phố đã thể hiện tinh thần sẻ chia, đoàn kết, cùng ý thức việc đeo khẩu trang, diệt khuẩn thường xuyên  theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19…

Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại bến xe miền Đông.

Đoàn kết trước dịch bệnh leo thang

Ghi nhận của chúng tôi tại một số khu dân cư tại Q.6, nơi bệnh nhân (BN) nam tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines có lịch sử di chuyển, mọi hoạt động của người dân đều diễn ra như thường lệ.

Ở khu dân cư 102 Trần Văn Kiểu (P.10, Q.6), cụ Hoàng Thị Trà (72 tuổi, ngụ P.10) cho biết khi có thông tin có BN nhiễm Covid-19 liên quan đến khu dân cư ở đây thì khu vực Trường THPT Bình Phú đã cho học sinh khối 12 nghỉ học.

Các cháu nghỉ học ở nhà đều hạn chế việc đi lại và sinh hoạt trong phạm vi gia đình. Cũng theo cụ Trà thì hàng ngày mọi thành viên trong đại gia đình 17 người của mình luôn giữ thói quen rửa tay bằng nước diệt khuẩn tự pha tay (để tiết kiệm) và đeo khẩu trang khi có việc cần thiết phải đi chợ hay khai báo y tế ở ủy ban phường.

Mọi hoạt động ở khu vực dân cư cách ly cạnh Trường Tiểu học Lê Văn Tám và quanh khu dân cư số 30/4 Nguyễn Đình Chi, phường 9, ông Vũ Văn Hội (68 tuổi), một người dân sống ở đường Hoàng Lê Kha (quận 6) cho biết từ ngày hôm trước, khi tuyến đường sát gần nhà ông bị lực lượng chức năng phong toả, mọi người đã tự mua một số vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho cách ly tạm thời.

Sau đó, Công an, dân phòng, cán bộ y tế địa phương tới rất đông, tuyên truyền mọi người ở nhà và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo dõi. Do đã có tâm lý từ hai đợt dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay nên về cơ bản khu dân cư này ít có xáo trộn. Ngoài một vài ngày đầu còn hoang mang nhưng cũng không ai tích trữ lương thực, hoặc tìm cách đến nhà người thân, hay về quê những nơi xa thành phố để tránh bị phong toả như trước đây.

Người dân tập trung mua sắm khẩu trang vào chiều 3/12.

Theo ông Hội, hiện nay gia đình ông có 7 người, gồm 2 vợ chồng ông, 2 vợ chồng con gái và 3 đứa cháu ngoại. Các con ông làm việc bên quận 5, vẫn đi lại bình thường. Riêng 3 đứa cháu thì ngoài một đứa lớn đã đi làm, hai người còn lại vẫn đi học bình thường. Gia đình ông chỉ hạn chế tới nơi công cộng, trong khi vẫn đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.

Ở các khu công cộng, theo ghi nhận của chúng tôi tuy người dân không hoang mang nhưng nhiều đơn vị, nhất là các khu vực tập trung đông người đều chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc. Ở khu vực Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), một trong những cửa ngõ có lưu lượng người ra/vào lớn nhất ở TP HCM, công tác phòng chống dịch được quyết liệt triển khai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Phú Đạt - Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, mấy ngày qua bến xe vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới dựa trên “thông điệp 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế”.

Đặc biệt, Bến xe đã thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện hiện có của bến như phát thanh, led, website, zalo, viber, tờ rơi, băng rôn… các thông tin về tình hình dịch bệnh; clip, sổ tay, hướng dẫn, biện pháp phòng, chống Covid-19 và các khuyến cáo của các cơ quan y tế.

Bên cạnh đó, các bến xe, nhà ga tại TP HCM yêu cầu bắt buộc hành khách đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Tại bến xe miền Đông, những ngày này trung bình có hơn 900 chuyến với khoảng hơn 15 ngàn hành khách qua lại bến xe miền Đông mỗi ngày nên áp lực đảm bảo an toàn là rất lớn. Dù vậy, tất cả các hoạt động đều được đảm bảo trong trạng thái bình thường, trong khi vẫn nâng cao các biện pháp phòng chống dịch chủ động.

Từ chiều 3/12, ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết ở các khu vực đón trả hành khách từ các tỉnh, thành tới địa bàn TP HCM đều không bị bắt buộc cách ly và ngược lại, tuy nhiên tất cả đều tuân thủ việc đeo khẩu trang và sử dụng chai diệt khuẩn được trang bị miễn phí tại các khu vực công cộng. Hiện nay cũng chưa có thông tin người dân TP HCM tới các địa phương khác bị buộc phải cách ly theo quy định.

Trong một diễn biến khác, theo ghi nhận vào sáng 3/12, nhiều trường ĐH,CĐ, trung cấp dạy nghề ở TPHCM tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học cũng như áp dụng những biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với lực lượng cán bộ, viên chức duy trì hoạt động ở trụ sở hoặc các cơ sở dạy học, dạy nghề.

Thạc sỹ Lê Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Á cho biết, theo lịch trường có một số lớp bắt đầu thi kết thúc môn từ ngày 8/12 đến ngày 18/12 nhưng do tình hình dịch bệnh, Ban Giám hiệu trường chuyển lịch học sang học online, yêu cầu học viên không đến trường.

Ngoài ra, lịch thi cũng đang bị tạm hoãn. Việc hoãn lịch học, lịch thi khiến nhiều kế hoạch của nhà trường bị xáo trộn đáng kể, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chung nhưng vì sự an toàn của học viên, cán bộ giáo viên nên trường chấp nhận.

Ghi nhận của PV ngày 3/12 cũng có thêm nhiều trường THPT khác, dù chưa có lịch nghỉ đồng loạt nhưng đã chủ động lên kế hoạch giảng dạy online một số môn học để hạn chế số lượng lớn học sinh tập trung tại trường. Tất cả các thay đổi này hầu hết đều khiến các trường tốn nhiều chi phí, khó khăn hơn.

Nhu cầu lớn về y tế

Ngày 3/12, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn kết, ngay khi dịch Covid - 19 có dấu hiệu phức tạp trên địa TP HCM, nhiều người dân đã đổ xô tới đường Nguyễn Giản Thanh (Quận 10, TP HCM). Đây là khu vực chợ buôn bán sỉ các loại thuốc, vật tư y tế lớn nhất ở khu vực phía Nam. Cách đây gần 1 năm, khi dịch Covid -19 xuất hiện, đây là nơi buôn bán khẩu trang lớn nhất ở TP HCM nên được nhiều người dân gọi là “chợ khẩu trang”.

Theo anh Nguyễn Văn Quyết, chủ một sạp bán vật tư y tế ở đây thì mấy ngày gần đây, lượng hàng bán ra tăng vọt. “Ngoài khẩu trang y tế, hầu hết người dân tới đây mua nước rửa tay, nước sát khuẩn, găng tay, đồ bảo hộ, máy thở đo nhiệt…

Tuy nhiên, khẩu trang là vật dụng được tìm mua nhiều nhất. “Hôm qua tiệm tôi bán được tới hơn 600 thùng khẩu trang (mỗi thùng 20 hộp). Hôm nay dự kiến sẽ còn bán nhiều hơn vì có một số tiệm thuốc, đại lý ở Long An, Đồng Nai họ cũng lên đây mua vì sợ dịch bùng phát mạnh, nhu cầu tăng”, anh Quyết cho biết.

Cũng theo nhiều tiểu thương ở khu vực Q.6, Q.10, dù lượng người mua hàng tăng vọt nhưng khác với mấy tháng trước, hiện nay giá của các loại vật tư y tế, khẩu trang không tăng so với những ngày chưa xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn hàng cung cấp khá dồi dào. Như khẩu trang y tế, hầu hết đều có mức giá từ 40 tới 80 ngàn đồng/hộp tuỳ theo thương hiệu nhà sản xuất.

Một số nơi cung cấp thiết bị, sản phẩm y tế còn thực hiện trợ giá để chia sẻ với người dân trong khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Khu vực này có khoảng 1.000 tiệm, sạp bán các loại thuốc, vật tư y tế. Hầu hết đều bán theo hình thức mua sỉ (khối lượng lớn) nhưng cũng có nhiều người dân lân cận tìm tới mua lẻ.

Nhiều tiệm thậm chí chỉ giao dịch trên giấy và có xe tải chở hàng tận nơi theo khách yêu cầu vì khu vực này đường khá nhỏ, chỉ vừa 2 xe ô-tô tránh nhau. Anh Nguyễn Thanh Hải, 38 tuổi, chủ một nhà thuốc tư nhân ở Quận 9 cho biết anh mới mua một số nước rửa tay, cồn khô, cồn nước và 30 thùng khẩu trang để về bán lại.

Do đây là chợ thuốc nên giá các mặt hàng luôn thấp hơn thị trường khá nhiều. Cũng theo anh Hải, đợt này dù dịch Covid-19 ở TP HCM có dấu hiệu phức tạp nhưng chưa mất kiểm soát nên người dân không quá hoang mang. Tâm lý tích trữ khẩu trang, nước rửa tay như ít tháng trước không còn nên chợ không chen lấn, xếp hàng dài cả trăm mét như ít tháng trước…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình tĩnh, kiên quyết chống dịch Covid-19: Nâng cao ý thức bảo vệ cộng đồng