Ngay khi cộng đồng ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina đã gửi công hàm đến các bệnh viện.
Hội Người Việt Nam và các nhóm Tương trợ Người Việt tại Ucraina cũng thiết lập các kênh liên lạc để hỗ trợ người bệnh. Nhiều bệnh nhân nặng được cấp cứu kịp thời nên qua cơn hiểm nghèo...
Bà con người Việt ở Ucraina sinh sống chủ yếu tại 3 thành phố: Kiev khoảng 3 nghìn người; Kharcov khoảng 5-6 nghìn người và Odessa khoảng gần 4 nghìn người. Ngoài ra ở các thành phố khác như Kherson (hơn 100 người), Mariupol (30 người), Cherkasy (50 người)…
Phần lớn mọi người kinh doanh ngoài chợ, bán hàng gia dụng. Do tình hình dịch Covid-19 có 2 đợt giãn cách xã hội, các chợ bán hàng gia dụng bị đóng cửa. Cộng với kinh tế Ucraine vẫn chưa qua được khủng hoảng nên từ đầu dịch (tháng 3/2020) đến nay tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi, nhiều cửa hàng cả ngày cũng không bán được hàng vì ít khách đi mua.
Bà con cũng mở rộng việc bán hàng trên mạng và bán hàng online nhưng cũng không cải thiện được mấy khi đồng tiền của Ucraine bị mất giá hoặc gửi hàng đi khách hàng thanh toán chậm. Hiện một số người chuyển hướng kinh doanh như mở quán ăn, sản xuất và trồng trọt nhưng vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tính đến thời điểm này tại 3 thành phố lớn của Ucraina có khoảng hơn 700 người Việt bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (trong đó Odessa 250, Kiev hơn 200, Kharcov gần 200). Ngoài ra các thành phố nhỏ cũng có một số người bị nhiễm. Con số chính thức có thể hơn do một số người tự liên hệ vào bệnh viện chữa trị. Theo quy định ở Ucraina khi người dân bị bệnh thì báo với bác sĩ gia đình, bác sĩ gia đình sẽ kê đơn và theo dõi. Nếu tình trạng bệnh tiến triển xấu thì sẽ được cho nhập bệnh viện chữa trị.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa, miền Nam Ucraina cho biết, đa số các bệnh nhân Covid-19 người Việt được các Hội người Việt Nam và các nhóm Tương trợ Người Việt tại Ucraina giúp liên hệ bác sĩ và bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân nặng được cấp cứu kịp thời nên đã qua được cơn hiểm nghèo. Như ở Odessa có bệnh nhân bị tổn thương phổi 80%, hay bệnh nhân bị xuất huyết toàn thân do Covid-19, bệnh nhân bị bão Cytokine…Còn ở Kiev có bệnh nhân mức oxy trong máu xuống đến 35 trong khi dưới 90 là được cấp cứu nhập viện.
Tâm lý bà con lúc đầu khá hoang mang và hoảng sợ do chưa có thông tin và kiến thức về bệnh này. Qua 3 đợt lây nhiễm và được chữa trị tốt thì nhìn chung bà con đã yên tâm hơn rất nhiều về việc phòng chống cũng như điều trị bệnh.
Ngay từ lúc bắt đầu có dịch tại Ucraina thì các Hội Người Việt Nam tại các thành phố đã lập Ban phòng chống dịch Covid-19. Các bác sĩ người Việt hoặc thân nhân cùng các sinh viên y khoa đã chung tay giúp đỡ bà con.
Đại sứ quán cũng kêu gọi và ủng hộ việc thành lập quỹ phòng chống Covid-19 tại các tỉnh thành. Nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp cũng lập ra nhóm Facebook Tương trợ người Việt tại Ucraina.
“Các nhóm, Hội đoàn đều làm việc dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Đại sứ quán. Chúng tôi hướng dẫn bà con cách ký hợp đồng với bác sĩ gia đình, hướng dẫn đi làm xét nghiệm khi nghi ngờ và liên hệ giúp đỡ bà con nhập viện. Các Hội đều lập nhóm Phản ứng nhanh để ghi chép, theo dõi các ca bị bệnh và thông báo để mọi người biết và phòng tránh. Trang Facebook giúp bà con thông tin về căn bệnh cũng như liên hệ giúp đỡ những người ở thành phố nhỏ khi bị bệnh. Hướng dẫn cách tự cách ly điều trị tại nhà. Hội Người Việt Nam và nhóm Facebook đã giúp đỡ, hỗ trợ các trường hợp khó khăn về kinh tế” - ông Hải Anh chia sẻ.
Theo ông Hải Anh, lúc dịch bùng phát, có rất nhiều thông tin trái chiều được phát ra, không ít lần làm cho bà con hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, sau đó được Ban phòng chống dịch thường xuyên thông tin đầy đủ chính xác về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo, cách xử lý... bà con cảm thấy yên tâm hơn. Ban phòng chống dịch cũng luôn có những phương án, chủ động cập nhật, tham khảo các khuyến cáo mới của Bộ Y tế Việt Nam, kết hợp với kinh nghiệm chống dịch để đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho cộng đồng.
Cũng nhờ Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa từ lâu đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Bệnh viện Truyền nhiễm của tỉnh, mà suốt đợt đại dịch này Hội có thể chủ động liên hệ để được các bác sĩ giỏi tư vấn, thăm khám cho bà con rất kịp thời.
Và nếu ở Odessa có Ban phòng chống dịch cộng đồng, thì ở thủ đô Kiev có Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn Kharkov lại có nhóm Tương trợ người Việt Ucraine và Tổ phiên dịch tình nguyện... Tất cả như những điểm tựa tinh thần vững chắc giúp bà con cộng đồng người Việt ở Ucraina vững vàng vượt qua đại dịch.
Qua đợt dịch này, chúng tôi thấy rõ, nếu có sức khỏe việc vượt qua Covid không quá khó khăn. Khi đã nhiễm virus SARS-CoV-2 rồi quan trọng là đảm bảo đủ oxy, tập thở sâu để oxy có thể vào được nhiều nhất, không nằm ngửa ảnh hưởng đến phổi; cố gắng nằm sấp; nếu không nằm sấp được thì ít nhất là nằm nghiêng. Các bác sĩ luôn nhắc tập thở, đi lại vận động. Các bệnh nhân có độ oxy dưới 94% mới dùng máy trợ thở.
Các bác sĩ Ucraina đều tiêm thuốc chống đông máu cho bệnh nhân vì đông máu là nguy hiểm lớn nhất đối với bệnh nhân Covid. Thường trong 7 ngày đầu bệnh nhân đều sốt như cảm cúm và được uống/tiêm thuốc giảm sốt khi sốt cao (trên 38 độ), khi qua đỉnh bệnh rồi bệnh nhân sẽ từ từ hồi phục và “đẩy” được virus SARS-CoV-2 ra khỏi cơ thể. Không thể chủ quan xem nhẹ Covid-19, cần tránh Covid, nhưng nếu bị Covid thì cũng không nên hoảng loạn, không kỳ thị người bị Covid, mà cần bình tĩnh vượt qua. (Ghi theo lời của Đại sứ Việt Nam tại Ucraina Nguyễn Hồng Thạch)