Ngày 29/3, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) chủ trì phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà khoa học… đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định về “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.
Dự thảo Nghị định mới sẽ gồm bao gồm 4 chương 18 điều được tập trung chủ yếu nhiều nhất vào các nhóm tiêu chí: Chất lượng các danh hiệu gia đình văn hóa, qua đó bắt buộc để xây dựng thang điểm, khuyến khích để cộng điểm hay điểm liệt...
Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng các mức thang điểm cho phù hợp với 100 điểm cho các tiêu chí được đề ra, nếu như đủ 90 điểm sẽ được đề nghị xét tặng. Ngoài ra, điểm mới trong nghị định lần này đã không đưa ra chỉ tiêu số lượng các gia đình cần đạt danh hiệu. Tuy nhiên, vẫn có hội đồng xét duyệt do Nhà nước quản lý nhằm công tâm trong vấn đề trao chứng nhận gia đình văn hóa cho các hộ và khu dân cư.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Văn hóa cơ sở cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều đi đến thống nhất với các định hướng chung như: Cần phải có một bộ tiêu chí mới cho việc bình xét trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, dựa vào những ý kiến đóng góp, tham mưu của các cấp để khắc phục hiện trạng: “bệnh thành tích” trong danh hiệu gia đình văn hóa. Để cụ thể hơn về vấn đề này, Dự thảo Nghị định đã nêu rõ thời hạn để xét danh hiệu cho các “Gia đình văn hóa” là 3 năm và sẽ là 5 năm đối với các danh hiệu “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.
Thêm vào đó, quy định mức tiền thưởng cho các gia đình bằng 0,3 lần lương cơ sở và đối với các bằng chứng nhận còn lại được xét theo Điều 69 Nghị định 91 năm 2017 do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, tiêu chí chỉ cần có trên 60% tổng số cử tri tại địa phương nhất trí tán thành thì các hộ gia đình sẽ được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” đang là mối băn khoăn lớn cho các tỉnh, thành phố.
Ông Hà Văn Tăng – Nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng nên đơn giản và tinh gọn lại những thủ tục hiện nay để tránh rườm rà, rắc rối trong việc thực hiện các trình tự và thủ tục xét công nhận danh hiệu. Chúng ta chỉ nên xét tặng danh hiệu, còn phong trào thi đua hay chứng nhận khu dân cư, gia đình văn hóa thì nên để cho địa phương làm hoặc hội đồng bình xét địa phương làm. Như vậy mới sát với thực tế, vừa chất lượng, vừa công tâm.
Bên cạnh đó, đại diện các sở văn hóa các tỉnh, thành phố cũng cho rằng, cần thiết trao danh hiệu văn hóa cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong khu vực. Bởi chính những tổ chức, doanh nghiệp đó có đóng góp không nhỏ trong việc động viên, khích lệ và là tấm gương cho quần chúng nhân dân trong việc thi đua phấn đấu trở thành những “Gia đình văn hóa” như hiện nay.