Bịt lỗ hổng chống dịch

Nhóm phóng viên 05/05/2021 06:36

Những tồn tại trong công tác quản lý trong khu cách ly và người cách ly ở địa phương trong dịch Covid-19 đang cho thấy những lỗ hổng quản lý cách ly và quản lý người sau khi hết cách ly.

Trong đó có trách nhiệm của ngành y tế và chính quyền địa phương khi xuất hiện nhiều nguy cơ dẫn đến lây nhiễm chéo và lan rộng ra cộng đồng.

Lực lượng chức năng phường Hàng Bông (Hà Nội) kiểm tra việc thực hiện phòng, chống Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: Quang Vinh.

Lỏng lẻo trong kiểm soát

Trong các ca bệnh được phát hiện tại cộng đồng cho thấy có 2 chùm ca bệnh ở Hà Nam và Vĩnh Phúc mới đây đều xuất phát từ những bệnh nhân đã hoàn thành cách ly y tế và có đủ xét nghiệm âm tính trước khi rời khu cách ly. Điều đáng nói là khi trở về địa phương đã lây lan ra cộng đồng.

Thừa nhận có kẽ hở khiến dịch lây lan ra cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết: Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã tạm đình chỉ công tác Trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý - nơi xuất phát ổ dịch, do chậm trễ xét nghiệm và khoanh vùng dịch, khi người nhà bệnh nhân 2899 đến khai báo y tế vào ngày 24/4 nhưng tận 4 ngày sau, ngày 28/4 mới cho lấy mẫu xét nghiệm. Không chỉ có Trạm y tế xã chậm trễ mà Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân cũng chậm trễ trong lấy mẫu xét nghiệm.

“Nếu các vị trí này thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm sớm, tình hình sẽ không phức tạp đến mức này. Chúng tôi đang thu thập hồ sơ để xử lý các cán bộ này theo đúng quy định của pháp luật”- ông Huy nói.

Để phòng chống dịch Covid-19, ông Huy cho biết, “cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch”. Tuy nhiên, để tránh tình trạng dịch có thể lây lan ra cộng đồng sau khi người dân rời khu cách ly về địa phương đại diện tỉnh Hà Nam cho rằng phải có sự phối hợp giữa nơi tổ chức cách ly và địa phương. Hiện phần này chưa được tốt.

“Có chuyện giữa giao - nhận người hoàn thành cách ly và giám sát, theo dõi y tế của địa phương vẫn... chưa ăn khớp. Nếu làm tốt phần này cộng với ý thức công dân tốt hơn, họ hiểu rằng việc khai báo sức khỏe của mình sẽ đảm bảo cho chính mình và cộng đồng thì việc phòng chống dịch sẽ tốt”- ông Huy nói.

Sự phối hợp còn khá lỏng lẻo trong việc giao - nhận bệnh nhân Covid-19 đã tạo ra những kẽ hở cho dịch bệnh có thể phát tán đó là thực tế. Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh: Quảng Ninh luôn chủ động thông tin cho các địa phương có người cách ly về các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung và đề nghị phối hợp giám sát tiếp 14 ngày tại gia đình.

Tuy nhiên, hiện Quảng Ninh không biết được trên địa bàn có bao nhiêu người hoàn thành cách ly tập trung ở các địa phương khác trở về. Bởi không có bất kỳ sự phối hợp, thông tin nào từ các địa phương khác. Sự việc này khiến cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Quảng Ninh nói chung và cả nước nói riêng tiềm ẩn những rủi ro, bất trắc khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có Công văn Số 425/CV-BCĐ, trong đó có hướng dẫn quản lý những người sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Quy định cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày. Sau đó họ cần tiếp tục thực hiện quy định giám sát chặt chẽ tại địa phương 14 ngày.

Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú và các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế trong 14 ngày tiếp theo. Người hoàn thành cách ly phải hạn chế một số việc như: không tiếp xúc với người xung quanh, không đến nơi đông người; thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Theo ông Phu, những người nhập cảnh, sau khi về nơi lưu trú họ phải theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Những trường hợp này chỉ tiếp xúc khi cần thiết. Như trường hợp bệnh nhân 2899 ở Hà Nam đi uống bia, đi đám cưới, ăn uống, tụ tập đông người là không đúng quy định.

“Những chuyên gia nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung vẫn có thể làm việc trong trường hợp cần thiết nhưng phải thực hiện các quy định về phòng bệnh và giãn cách trong thời gian làm việc cũng như tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, họ không được tụ tập đông người, tổ chức liên hoan, sinh nhật, ăn uống” - ông Phu chỉ rõ.

Kiểm soát ngăn chặn dịch Covid-19 tại Quảng Nam. Ảnh: Tấn Thành.

Lây chéo trong khu cách ly là một trong 3 nguồn lây bệnh nguy hiểm

Tại Yên Bái, lãnh đạo tỉnh này cho biết lỗ hổng thời gian qua là chưa thông báo bằng văn bản với nơi lưu trú sau cách ly, chưa giám sát sau cách ly.

Còn ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố đã xác định công tác phòng chống dịch tại khu cách ly rất quan trọng. Nếu lơ là chủ quan, sẽ gây nguy hiểm. Ông Dũng yêu cầu, các cơ sở cách ly phải thực hiện đúng quy trình, quy định mà thành phố đã đề ra.

Từ bài học ca bệnh ở Hà Nam, ông Dũng cho rằng việc lây chéo trong khu cách ly là một trong 3 nguồn lây bệnh nguy hiểm. Từ đó, việc tổ chức cách ly phải thực hiện đúng theo quy trình khép kín và tuyệt đối không được tiếp xúc trong khu cách ly. “Thời gian cách ly phải đảm bảo đúng, đủ và không có ngoại lệ. Phải tập huấn bài bản cho người phục vụ cách ly từ lái xe đến bảo vệ, thu gom rác thải y tế. Sai một li là đi rất xa chứ không phải 1 dặm thôi đâu. Ở trên thì rất sốt ruột lo lắng, ở dưới thì người dân vẫn còn thờ ơ là rất nguy hại”.

Tại cuộc họp Thường trực Thành ủy để nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội diễn ra sáng ngày 4/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, kết hợp với kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ động các biện pháp truy vết, khoanh vùng, thực hiện kiểm dịch chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ những trường hợp nhập cảnh trái phép. 15 đoàn kiểm tra của thành phố phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.

Để chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: Tất cả mọi quy trình cách ly, xét nghiệm, hết thời gian cách ly người dân trở về địa phương đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, không thể có kẽ hở nào. Chẳng hạn, với một chuyến bay có bệnh nhân dương tính, mặc dù những người khác trước đó cũng đã được cách ly, nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ cả chuyến bay đó. Khi cách ly tại khách sạn cũng phải tuân thủ các quy định về tiếp xúc, không để ra vào tự do, nhân viên khách sạn tiếp xúc sai quy định... là rất đáng lo ngại.

Chỉ rõ địa chỉ và xử lý nghiêm

Trước tình hình diễn biến phức tạp, có tình huống xấu hơn, khó dự báo, chưa lường hết, tại cuộc họp gần đây liên quan đến dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chủ tịch nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong việc phòng chống dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch. Phải sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch; thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không tập trung đông người, không nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 nhanh hơn nữa.

Theo đó, cần phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó là cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.

“Ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” - Thủ tướng đề nghị các địa phương thời gian qua để lọt ca bệnh dẫn đến lây lan trong cộng đồng cần căn cứ quy định, hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự. Từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chỗ nào chưa vào cuộc, chưa làm thì phải xử lý trách nhiệm. Tinh thần là phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân.

Từ những lỗ hổng trong quản lý người trong khu cách ly, và ra khỏi khu cách ly, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Dịch Covid-19 là đặc biệt nghiêm trọng, đang có sự lây lan do sự chủ quan trong quản lý đối với những người trong khu cách ly - là những người có thể đang mang mầm bệnh. Sự việc trên cho thấy quản lý trong khu cách ly của chúng ta đang có sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt sự quản lý đối với các chuyên gia nước ngoài còn lỏng lẻo, nhất là quản lý họ sau khi ra khỏi khu cách ly bởi thực tế họ có thể vẫn đang mang mầm bệnh trong người và có thể lây lan truyền bệnh cho người khác. Và thực tế đã có sự lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những người để xảy ra sai sót.

“Họ đã ra khỏi khu cách ly, về nhà vẫn phải tự cách ly, vậy trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với họ ra sao?”- ông Hòa nêu vấn đề, đồng thời cho rằng, việc tạm thời đình chỉ công tác cảnh cáo với Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái do có vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch là cần thiết. Đó chính là xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, và nếu ai vi phạm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Kiểm soát chặt các tuyến đường biên

Từ đầu tháng 2/2021, ngay sau khi xảy ra đợt dịch thứ ba ở nước ta, Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP đã có chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới trên bộ, đường biển. Đồng thời tăng cường lực lượng từ các học viện, nhà trường và các đơn vị tuyến biển cho tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.

Hiện nay, cả 3 tuyến biên giới trên bộ hình thành 1.613 chốt, gồm: 1.225 chốt lưu động, 388 chốt cố định với 7.548 cán bộ, chiến sĩ. Đối với tuyến biên giới Tây Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã cử 2 đoàn công tác vào Kiên Giang, Tây Ninh để kiểm tra, đôn đốc việc ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; điều động, tăng cường cán bộ, chiến sĩ từ các học viện, nhà trường và các đơn vị tuyến biển... để làm nhiệm vụ phòng chống dịch trên tuyến biên giới từ Kon Tum đến Kiên Giang. Đồng thời chỉ đạo các tỉnh rà soát, lập chuyên án đấu tranh với các các tổ chức, đối tượng tổ chức đưa dân người xuất nhập cảnh trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bịt lỗ hổng chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO