Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp xử lý các vụ sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc quản lý sử dụng đất công, đấu thầu, đã làm rõ những “lỗ hổng” trong thực thi chính sách, gây thất thoát tài sản nhà nước. Yêu cầu về công khai, minh bạch và cơ chế bảo đảm sự công khai minh bạch một cách thực chất trong việc thực hiện đấu thầu các dự án vẫn đang là vấn đề cấp bách hiện nay.
Vụ án có liên quan đến sai phạm của ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM và 5 đồng phạm khác là các lãnh đạo, cán bộ cấp sở ngành, quận, huyện đã bị cơ quan điều tra khởi tố, là một trong những điển hình cho thấy rõ “lỗ hổng” trong quản lý tài sản nhà nước. Các cá nhân giữ trọng trách dễ dàng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xuất phát từ nguyên nhân họ được trao quyền quá lớn, tỷ lệ nghịch với đạo đức và trách nhiệm công vụ của họ. Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài vào thời điểm là Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã ký quyết định giao lô đất vàng 8-12 Lê Duẩn cho Công ty CP ĐT Lavenue để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê.
Thế nhưng, Dự án này đã không được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, không thông qua đấu giá, đồng thời giao dự án cho doanh nghiệp không đủ năng lực, chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia hợp tác sai quy định. Điều đáng nói, khu đất vàng này có diện tích gần 5.000m2 thuộc sở hữu nhà nước, trước đây do 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương thuê sử dụng làm trụ sở. Từ 2007, UBND TP HCM có chủ trương thu hồi để đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, kinh nghiệm xây dựng khách sạn 5 sao. Chủ trương dù rõ ràng, thế nhưng đến khi “cờ đã nằm trong tay” thì ông Nguyễn Thành Tài và lãnh đạo sở ngành, quận, huyện đã chỉ định giao đất cho Công ty Lavenue không thông qua đấu giá, đấu thầu. Kế đến, Công ty Lavenue có 2/3 cổ đông (bao gồm Công ty TNHH Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH đầu tư Kinh Đô chiếm 80% vốn) bị phát hiện không thuộc diện đơn vị được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Quá trình tham mưu và ký quyết định giao đất cho Công ty Lavenue đã không hề có ý kiến thẩm định năng lực tài chính của Công ty này theo đúng quy định về đấu thầu và chỉ định giao đất thuộc sở hữu nhà nước. Việc thực hiện các hành vi khai thác “lỗ hổng” về quy định đấu giá của các cá nhân và doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước nêu trên là nhằm chuyển dịch quyền sử dụng các dự án từ Nhà nước sang tư nhân với giá rẻ mạt, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
Dư luận cũng sửng sốt trước các sai phạm khác trong đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, khiến 9 người thuộc Tập đoàn Yên Khánh và Tổng Công ty Cửu Long bị bắt tạm giam để điều tra. “Lỗ hổng” trong đấu thầu dự án này cũng xuất phát từ vai trò cá nhân ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”) khi là chủ Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh. Kết quả thẩm định đã phát hiện Công ty này hoàn toàn không có vốn, không có cơ cấu tổ chức, nhân lực, và việc lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ cho mục đích cá nhân, kiếm lời.
Trước bất cập nêu trên, mới đây một số địa phương đã kiến nghị với Chính phủ về đổi mới trong hoạt động đấu thầu dự án theo hướng công khai, minh bạch hơn, hạn chế tối đa việc lợi dụng các “lỗ hổng”, gây lãng phí, thất thoát ngân sách. Riêng TP HCM đã tổ chức hình thức đấu giá mới trực tuyến qua mạng để công khai hoạt động này, trong đó mới đây UBND TP HCM đã quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu về hình thức đấu giá trực tuyến, gồm 19 thành viên, do một Phó Chủ tịch UBND TP HCM làm Tổ trưởng. Hình thức mới có ưu điểm là hạn chế được quyền tập trung vào một cá nhân trong việc ký chỉ định thầu đối với các dự án.
Bên cạnh đó, việc đấu giá trực tuyến cũng mở rộng đấu giá cả về tài sản, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, an toàn và an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, cùng việc công khai hóa quy trình chi tiết về trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện cũng sẽ hạn chế vấn nạn hình thức kiểu “quân đỏ’ và “quân xanh” mà dư luận bức xúc lâu nay trong hoạt động đấu thầu, dẫn đến các hệ lụy tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách.
Việc minh bạch hóa, công khai hóa hoạt động đấu thầu là hết sức cần thiết, tuy nhiên không một hệ thống nào đủ an toàn tuyệt đối nếu đạo đức, trách nhiệm công vụ bị bỏ ngỏ. Do đó, thiết nghĩ công tác bổ nhiệm, luân chuyển lãnh đạo, cán bộ phụ trách lĩnh vực này cũng cần được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.