Bộ Công Thương giữ nguyên cấp phó các đơn vị sáp nhập và tiếp tục rà soát, đánh giá để sắp xếp lại theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 1 đơn vị chỉ có 3 cấp phó.
Ngày 18/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, thay thế cho Nghị định số 95/2012/NĐ-CP.
Theo Nghị định mới, cơ cấu tổ chức của Bộ có nhiều thay đổi, còn 30 đầu mối, giảm 5 đầu mối so với Nghị định cũ; số phòng trong Vụ, Cục cũng được quy định cụ thể và cắt giảm nhiều.
Nghị định 98 có hiệu lực ngay từ ngày ký, không có điều khoản chuyển tiếp (trừ quy định đối với Tổng cục Quản lý thị trường). Để tổ chức bộ máy mới của Bộ vận hành ngay, Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã họp thảo luận, trao đổi và thống nhất các nội dung công việc để triển khai Nghị định.
Để có thời gian rà soát chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị một cách kỹ lưỡng, đảm bảo được theo yêu cầu của Nghị định 98, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương thống nhất với đề xuất của Vụ Tổ chức cán bộ về chức năng nhiệm vụ tạm thời của các đơn vị.
Cụ thể, đối với cấp trưởng các đơn vị, Ban cán sự thống nhất để các đơn vị kịp thời thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Nghị định 98, trước mắt thực hiện như sau:
Đơn vị thay đổi tên, thành lập mới và điều chuyển cán bộ lãnh đạo từ đơn vị khác nhau thì tạm thời giao phụ trách đơn vị.
Đơn vị không thay đổi tên gọi thì giữ nguyên lãnh đạo cấp trưởng. Sau khi ổn định chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, giao Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện quy trình bổ nhiệm cấp trưởng các đơn vị theo quy định.
Đối với cấp phó đơn vị, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương thống nhất bước đầu điều động nhân sự cấp phó theo sự điều chuyển về chức năng nhiệm vụ. Sau đó sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá để sắp xếp lại theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 1 đơn vị chỉ có 3 cấp phó.
Ngày 21/8, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký các quyết định về nhân sự lãnh đạo các đơn vị mới. Cùng ngày, Bộ trưởng cũng đã ký văn bản gửi các đơn vị thuộc Bộ tạm thời phân công thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đảm bảo không gián đoạn công việc của đơn vị và của Bộ.
Cụ thể, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục năng lượng Đặng Huy Cường được giao phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững trong khi Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phương Hoàng Kim được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Sau khi chia tách khỏi Cục Quản lý cạnh tranh, Cục phó Trịnh Anh Tuấn được giao phụ trách Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tạm thời do bà Lại Việt Anh phụ trách cho đến khi bổ nhiệm Cục trưởng.
Cục Công nghiệp, được hình thành từ Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Công nghiệp nhẹ được giao cho nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài phụ trách. Vụ phát triển nguồn nhân lực do bà Nguyễn Thị Lâm Giang phụ trách. Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp do ông Vũ Quốc Anh phụ trách trong khi Cục Công Thương địa phương do ông Ngô Quang Trung phụ trách.
Các cục, vụ mới được thành lập sau hợp nhất các đơn vị cũng được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định điều động nhân sự phụ trách. Điển hình như Vụ Thị trường châu Á - châu Phi được hợp nhất từ Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương và Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á được giao cho bà Lê Hoàng Oanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương quản lý. Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu Đặng Hoàng Hải được giao nhiệm vụ quản lý Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ. Trong khi đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ Trần Duy Đông được giao phụ trách Vụ Thị trường trong nước.
Trong đợt sắp xếp lại nhân sự này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng ký quyết định điều động và bổ nhiệm ông Trần Quốc Toản, nguyên Vụ phó Vụ Thương mại biên giới và miền núi giữ chức Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.
Theo quyết định này, một số lãnh đạo vụ, cục quan trọng của Bộ Công Thương được bổ nhiệm trong thời gian gần đây và đang giữ chức vụ được bổ nhiệm trước đó vẫn tiếp tục được giữ nguyên.
Đó là các đơn vị: Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Điều tiết điện lực, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xúc tiến thương mại… Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Công tác phía Nam, Cục Điều tiết điện lực, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Hóa chất, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.
Lãnh đạo Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương và Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương cũng được giữ nguyên, không có sự xáo trộn về nhân sự.