Theo Bộ GTVT thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hệ thống định mức, tiến độ, chất lượng, công tác quản lý dự án và tại một số dự án có dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái quy định...
Theo Bộ GTVT thời gian qua, các cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao thực hiện các dự án đầu tư xây dựng (đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2017-2020, 2021-2025) đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai, thực hiện dự án, đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hệ thống định mức, tiến độ, chất lượng, công tác quản lý dự án và tại một số dự án có dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái quy định...
Theo đó, để nâng cao chất lượng và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, thực hiện các dự án tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 4/5/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ thi công và phòng, chống tham nhũng trong quá trình triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 23/5/2022 Bộ trưởng Bộ GTVT về việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT.
Đối với các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Doanh nghiệp dự án phải nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; phân công, bố trí nhân sự tham gia điều hành, quản lý, thực hiện dự án phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, số lượng nhân sự đảm bảo đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của dự án.
Cùng đó, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư và nhiệm vụ được Bộ GTVT phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác quản lý, giám sát nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án, tuyệt đối không lặp lại những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với các dự án.
Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; lập Hồ sơ mời thầu đầy đủ, rõ ràng về nội dung yêu cầu, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực đáp ứng được tiến độ, chất lượng công trình; thực hiện đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu đủ điều kiện theo quy định.
Thực hiện nghiêm túc đúng quy định, đúng thủ tục đối với việc lập, thương thảo và ký hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ và rõ ràng các điều khoản về quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan (đặc biệt đối với nội dung điều chỉnh giá); quản lý chặt chẽ việc thực hiện Hợp đồng đã ký kết, đặc biệt trong việc huy động nhân sự, máy móc, thiết bị; huy động các nhà thầu phụ, các hợp đồng cung cấp nhân sự, máy móc, thiết bị giữa Nhà thầu xây lắp với các nhà cung cấp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chuyển nhượng thầu” trái pháp luật...
"Thường xuyên kiểm tra, rà soát danh sách toàn bộ nhà thầu chính, thầu phụ, giá trị và nội dung hợp đồng, các hợp đồng thuê nhân công, thiết bị, các đơn vị, tổ đội đã và đang tham gia thực hiện các dự án trên công trường để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Hợp đồng, của pháp luật đối với các Nhà thầu vi phạm sử dụng nhà thầu phụ, chuyển nhượng thầu..."Bộ GTVT nhấn mạnh.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, gia hạn giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ vật liệu đảm bảo đúng quy định của pháp luật (giao mỏ cho nhà thầu thực hiện các thủ tục này theo các Nghị quyết của Chính phủ), rà soát các phương án tận dụng vật liệu trong quá trình thi công. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà thầu sử dụng các vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đưa vào thi công tại các dự án, công trình.
Công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán, đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phải đảm bảo đầy đủ, đúng với thực tế thi công. Lập, bàn giao đầy đủ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình cho đơn vị sở hữu, vận hành, quản lý sử dụng công trình.
Chủ động đề xuất, phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng để triển khai xây dựng, hoàn thiện định mức thi công xây dựng đối với các hạng mục công việc chưa phù hợp làm cơ sở cho công tác nghiệm thu, thanh toán.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung những bất cập trong Chỉ dẫn kỹ thuật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ chủ trì làm việc với Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch Đầu tư để làm rõ các căn cứ, quy định liên quan đến hành vi chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật (nếu cần) làm cơ sở kiểm tra, giám sát.
Mặt khác, rà soát, thống kê, tổng hợp đề xuất của các Chủ đầu tư về danh mục định mức cần xây dựng mới, điều chỉnh, làm việc, thỏa thuận, với Bộ Xây dựng làm cơ sở tổ chức xây dựng, điều chỉnh định mức để ban hành, áp dụng, đảm bảo tính hiệu quả, kinh tế, phù hợp điều kiện thực tế của các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc.
Trên cơ sở thông tin do các Chủ đầu tư, Ban QLDA, Doanh nghiệp dự án báo cáo, tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu Bộ xử lý hoặc chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các nhà thầu vi phạm nội dung hợp đồng đã ký kết, theo đúng quy định pháp luật; Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, Hồ sơ mời thầu (HSMT) của các Chủ đầu tư để lựa chọn các Nhà thầu có năng lực phù hợp với yêu cầu của công trình, dự án, bảo đảm dự toán tính đúng, tính đủ, giảm thiểu tối đa việc điều chỉnh, bổ sung, phát sinh trong quá trình thực hiện.
Chỉ đạo các Chủ đầu tư rà soát, kiểm tra chặt chẽ tính pháp lý, khối lượng các hạng mục điều chỉnh, bổ sung, phát sinh đảm bảo tuân thủ quy định; đẩy nhanh công tác lập, trình, phê duyệt các điều chỉnh, bổ sung, phát sinh làm cơ sở thi công, nghiệm thu và thanh toán.