Cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy ở thời đại công nghệ - công nghiệp 4.0 vừa lạc lõng vừa là hiện thân của trì trệ, gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống dân sinh vì thế nên Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ),trình bày tại chương trình làm việc ngày 23/5 (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV) về bãi bỏ hộ khẩu thay thế bằng mã số định danh cá nhân; được coi là bước ngoặt mang tính lịch sử trong quản lý xã hội, xóa bỏ phiền hà nhũng nhiễu, tạo niềm tin cho nhân dân.
Hộ khẩu song hành với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Khi đất nước chưa thống nhất, sổ hộ khẩu cùng với sổ gạo được coi như gia bảo của mọi gia đình ở miền Bắc. Người ta hay dùng cụm từ “buồn như mất sổ gạo” khi nhìn thấy ai đó đang rất…buồn!. Mất sổ gạo buồn, mất sổ hộ khẩu còn buồn hơn vì luôn có hàng chục, hàng trăm thứ thủ tục được mở lối, khai thông nhờ cuốn sổ.
Kể từ sau năm 1975 đến nay, cuốn sổ sớm sờn gáy gả màu mang tên hộ khẩu, vẫn là vật bất ly thân, là cứu cánh của từng gia đình trước một rừng thủ tục hành chính ăn theo.
Sổ hộ khẩu ghi rõ nơi cư trú (thôn, xóm, ấp, số nhà, tổ dân phố, phường, xã, quận, huyện, tỉnh, TP) cùng tên, giới tính, ngày tháng năm sinh của chủ hộ và các thành viên khác trong gia đình (có quan hệ với chủ hộ như cha, mẹ vợ, con, dâu, rể…) nên được cơ quan có trách nhiệm và người thực thi công vụ, coi là cuốn sổ ấn định tư pháp công dân, lấy đó làm căn cứ giải quyết các loại giấy tờ, thủ tục khác, trong đó có cả việc làm chứng minh nhân dân và cấp hộ chiếu.
Dưới bom đạn chiến tranh, qua thời bao cấp khó khăn và sau hơn 30 năm đất nước mở cửa đổi mới; không ít chuyện bi hài liên quan đến hộ khẩu đã xảy ra nhưng cuốn sổ cứ mặc nhiên tồn tại, trở thành nỗi ám ảnh thường trực của mọi người dân - từ chứng thực giấy tờ, xin học cho con, tạm trú cho cha mẹ, bắc điện, nước đến chuyển nhượng tài sản, làm nhà, lập doanh nghiệp…Hộ khẩu cùng với “thiên chức” của nó còn là cơ hội cho các ứng xử máy móc, vô cảm của bộ phận không nhỏ công chức, viên chức tại các cơ quan công quyền
Theo tờ trình Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc trước Quốc hội: Xuất phát từ chủ trương cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho công dân, Luật được sửa đổi nhằm loại bỏ quản lý cư trú thủ công (bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) sang quản lý bằng dữ liệu điện tử.
Mỗi công dân sẽ được cấp dãy số (gồm 12 số) là mã định danh cá nhân. Mã định danh cá nhân được chia sẻ, kết nối từ cấp quản lý địa phương đến các bộ - ngành liên quan.
Công chức, viên chức, người thực thi công vụ chỉ cần gõ dãy số định danh cá nhân trên máy tính, mọi thông tin liên quan đến công dân sẽ thể hiện đầy đủ. Quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, theo Bộ trưởng Tô Lâm, sẽ giúp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính về đăng ký thường trú, tạm trú trong thực hiện tách sổ hộ khẩu, điều chỉnh thay đổi sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú khi đăng ký nơi mới. Dự thảo Luật cũng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương
Có thể nói rằng rằng Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội lần này, khẳng định tính nhất quán về chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết (số 112/NQ-CP) về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Nghị quyết nêu rõ, ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, thay thế bằng cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các loại giấy tờ liên quan như chuyển hộ khẩu; chứng minh các mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh; đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. Nghị quyết cũng loại bỏ quản lý tạm trú theo hình thức sổ tạm trú để thay thế bằng cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thủ tục tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú; thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng bị bãi bỏ.
Nghị quyết số 112/NQ-CP của Chính phủ cũng loại bỏ việc yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân. Thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017 đến nay, đã có trên 18 triệu người được cấp mã số định danh cá nhân. Với tỷ lệ tăng dân số là 1,14%, năm 2020, dân số trung bình của Việt Nam là 97,3 triệu người. Bộ Công an cho biết, dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành cấp mã số định danh cá nhân cho tất cả công dân
Một số người cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý dân cư bằng dữ liệu điện tử, chỉ thay đổi về mặt hình thức vì cơ quan công an vẫn còn quản lý thủ tục đăng ký nơi cư trú của công dân. Đây chỉ là nhận xét phiến diện bởi tiện ích công nghệ thông tin của thời đại công nghệ - công nghiệp 4.0 cho phép người có trách nhiệm kiểm tra dữ liệu công dân chỉ bằng cú nhấp chuột trên máy tính hay điện thoại thông minh thay vì yêu cầu người dân trình ra cuốn sổ hộ khẩu ra đời từ gần 70 năm trước. Bỏ hộ khẩu giấy cũng đồng nghĩa với bỏ hàng loạt thủ tục ăn theo hộ khẩu phiền phức, giúp mọi người dân thở phào như trút đi gánh nặng mà họ mang trên vai ngay từ khi mới chào đời.