Khi lần đầu được phát hiện vào năm 1974, bộ lạc người Korowai đã khiến thế giới bên ngoài hết sức ngạc nhiên bởi phong cách sống độc đáo, với những ngôi nhà dựng trên ngọn cây cùng lối sống phụ thuộc vào săn bắn và thu lượm.
Công đồng bộ lạc Korowai sinh sống biệt lập trong khu rừng Papua, Indonesia. (Nguồn: Independent).
Là một bộ lạc bán du cư với nền văn hóa cổ xưa, người Korowai sinh sống theo lối tự cung tự cấp trong khu rừng rậm Papua, Indonesia. Ngày nay, lối sống độc đáo của họ đang bị kéo theo xu hướng thay đổi nhanh chóng, dưới tác động của hiện đại hóa và những hoạt động của chính phủ.
Korowai là một bộ lạc chuyên săn bắn-thu lượm sinh sống trong một cộng đồng có quan hệ mật thiết. Những người trong bộ lạc cần phải chia sẻ tất cả những gì họ có và cùng làm việc với người khác trong làng để kiếm thức ăn, sống sót. Hiện số lượng người trong bộ lạc Korowai ở rừng Papua là khoảng 3.000 người.
Theo truyền thống, người Korowai sinh sống theo những nhóm nhỏ tách biệt với nhau, và mỗi nhóm người - hay thị tộc - cai quản một vùng lãnh thổ riêng. Trong một vùng lãnh thổ, một thị tộc không được xây dựng quá 5 ngôi nhà cây, và mỗi gia đình người Korowai phải xây dựng nhà của họ ở vị trí trên cao, cách mặt đất từ 8-12 m. Tuy nhiên, ở một số khu vực, nhiều ngôi nhà cây độc đáo có độ cao tới 45 m.
Cấu trúc nhà cây của người Korowai- ở trên cao so với mực nước lũ mỗi năm - là một hình thức tự vệ của họ. Người trong bộ lạc này xây nhà trên cao nhằm tránh các cuộc tấn công của các bộ tộc thù địch. Được biết, các bộ tộc thù địch thường tấn công, bắt giữ phụ nữ và trẻ em để làm nô lệ hoặc phục vụ các nghi lễ ăn thịt người. Ngôi nhà trên cao cũng là một hình thức bảo vệ người trong tộc trước các loại côn trùng và giúp họ tránh các linh hồn độc ác.
Oni - một vị trưởng tộc thuộc bộ lạc Korowai, nói rằng sinh sống trên một ngọn cây giúp họ tránh xa linh hồn quỷ dữ, bởi những linh hồn này luôn luôn đi sát mặt đất. Những ngôi nhà cây ở độ cao hạn chế thường được dựng trên những thân cây đề hoặc cây wambom đã chết có sẵn trong rừng nhiệt đới, trong khi những ngôi nhà cao nhất thường được dựng trên đỉnh những thân cây còn sống.
Tất cả nguyên vật liệu phục vụ việc dựng nhà trên cây đều được người Korowai thu lượm trong rừng Papua. Phần khung nhà được làm từ cành cây khô, vỏ của cây cọ sago được sử dụng làm nền và tường nhà. Phần mái nhà được dệt từ lá cây to và mọi thứ được kết nối với nhau nhờ sợi cây mây.
Mỗi ngôi nhà cây này sẽ được xây dựng trong khoảng 2 ngày, và có thể tồn tại trong vòng 3-5 năm. Khi đến thời điểm cần xây dựng một ngôi nhà cây mới, người Korowai sẽ dựng nhà mới trên chính khu vực ngôi nhà cũ, miễn là cánh rừng xung quanh vẫn cung cấp đủ thực phẩm và nguyên vật liệu cho các gia đình trong bộ lạc.
Khi số lượng thân cây cọ sago giảm đi, hoặc các nguồn nguyên liệu, thực phẩm xung quanh dần cạn kiệt, một thị tộc Korowai sẽ bắt đầu tìm kiếm một mảnh đất mới nằm bên trong phần lãnh thổ săn bắn của họ để dựng nhà mới. Tuổi thọ của những ngôi nhà cây đóng vai trò quan trọng trong cách tính ngày của người Korowai, trong khi số lượng nhà cây có người ở giúp họ đánh giá về sức sống của một thị tộc.
Họ sống trên những ngôi nhà cây độc đáo. (Nguồn: AP).
Trong cộng đồng người Korowai, trẻ em cả nam lẫn nữ đều phải sống cùng mẹ, chị hoặc bà của mình. Sau đó, khi những cậu bé lên 8-10 tuổi, chúng sẽ cùng với những người cha của mình tham gia vào các chuyến đi săn. Để làm được điều đó, những đứa trẻ cần phải luyện tập cách di chuyển một cách yên lặng hàng giờ liền trong khu rừng.
Đàn ông trong mỗi thị tộc đóng vai trò người bảo vệ thị tộc và các gia đình trong thị tộc, họ cũng là lực lượng tham gia chiến đấu mỗi khi có xung đột giữa các thị tộc. Đàn ông thường sử dụng những cây cung, tên và khiên được trang trí trong chiến trận. Các cuộc xung đột này giờ đã chính thức bị cấm đoán bởi lực lượng quân đội Indonesia, nhằm ngăn chặn các hoạt động nghi thức ăn thịt người. Nhiều thị tộc Korowai tin rằng nghi thức ăn thịt người sẽ giúp họ đánh tan các linh hồn tà ác.
Người Korowai sinh sống chủ yếu nhờ vào rau củ quả mà họ nuôi trồng ở các khu vườn quanh ngôi nhà cây và bất cứ thứ gì mà họ thu lượm được trong cánh rừng xung quanh. Họ thường trồng cọ sago trong vườn, đi bắt cá trên những dòng suối và săn bắn lợn hoang trong rừng.
Món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Korowai là bột cọ, triết xuất từ cây cọ sago, và mỗi hộ gia đình trong thị tộc chỉ được thu hoạch 1 cây cọ sago mỗi tuần. Sau khi phần thân cây nhiều sợi của cọ sago được thu hoạch và chẻ ra, phần trung tâm của nó - chứa rất nhiều tinh bột - được đem đi rửa sạch, sau đó những người phụ nữ bắt đầu đập bột và chế biến thành món ăn.
Ngay sau khi lọc được bột cọ sago từ thân cây, phụ nữ Korowai đem chúng phơi khô và thu được phần bột khô. Sau đó, họ cắt nó thành từng khối và đặt nó trực tiếp trên ngọn lửa hồng để nấu nướng. Ngay khi phần ngoài của khối bột này đủ chín, người Korowai trực tiếp ăn phần chín và giữ lấy phần chưa chín bên trong để giành cho những lần ăn sau đó.
Chăn nuôi lợn là hoạt động mang giá trị văn hóa trong cộng đồng người Korowai, và họ chỉ được ăn thịt lợn trong những nghi thức cúng tế hoặc trong các dịp lễ đặc biệt của một thị tộc. Loài chó cũng đóng vai trò không nhỏ trong văn hóa của người Korowai, bởi họ thường huấn luyện chúng để tham gia vào hoạt động săn bắn. Ngoài ra, răng của loài chó cũng được xem là thứ có giá trị đối với người Korowai.
Người Korowai sử dụng cung tên, khiên để săn bắn và chiến đấu. (Nguồn: AP).
Trong các chuyến săn bắn lợn rừng, người Korowai thường sử dụng cung và tên, trong khi lại sử dụng dây thừng trong các chuyến săn đà điểu. Đối với hoạt động đánh cá, người Korowai sử dụng cung và tên, thuốc độc, và những chiếc bẫy cá trông giống như chiếc rổ mà họ đặt ở các con đập nhân tạo. Trước kia, người Korowai còn tổ chức đánh bắt cá sấu, sử dụng thịt của chúng như một phần không thể thiếu trong khẩu phần ăn.