Quốc hội đi xe chỉ 1.8, nhưng các bộ ngành toàn đi xe trên 2.0. Vậy tiền ở đâu? Điều đó phải làm cho rõ? Ai để cho việc này xảy ra? Chính phủ hàng năm chi vượt dự toán nhưng Quốc hội lại đề nghị chấp thuận.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại Hội trường.
Chiều 28/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Chiều cùng ngày, cùng với 92,11 % ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 -2016; và việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, thu ngân sách năm nào cũng vượt thu là điều đáng mừng nhưng có vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng là tại sao cứ vượt thu? Bởi theo ông Minh “có tình trạng cứ tháng 8, tháng 9, các địa phương ra Trung ương “bảo vệ kế hoạch”.
“Vậy đó là vấn đề gì? Dẫu biết rằng vượt thu theo luật thì “được thưởng” nhưng như thế cảm thấy bất công bằng với tỉnh địa phương nghèo khó khăn, muốn vượt cũng không vượt được”-ông Minh nêu quan điểm. Theo ông Minh, cứ nói chống thất thu, nhưng vẫn còn tình trạng nợ thuế, chưa kể lãng phí trong xây dựng cơ bản khi xây nhà văn hóa không có người đến, trường nghề không có ai học, chợ không có ai vào.
Cũng theo ông Minh, chi thường xuyên vượt, trong đó rất nhiều bộ ngành chi vượt. Đơn cử như mua sắm xe ô tô chẳng hạn. Quốc hội đi xe chỉ 1.8, nhưng các bộ ngành toàn đi xe trên 2. Vậy tiền ở đâu? Điều đó phải làm cho rõ? Ai để cho việc này xảy ra? Chính phủ hàng năm chi vượt dự toán nhưng Quốc hội lại đề nghị chấp thuận. “Đây là vấn đề không nghiêm. Năm nào, lần nào cũng rút kinh nghiệm” - ông Minh chỉ rõ.
Đặt vấn đề tại sao tăng thu nhưng bội chi vẫn cao hơn dự toán, tăng hơn 25.000 tỷ đồng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nói: “Báo cáo kiểm toán đã nêu ra rất nhiều tồn tại như chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, địa phương hụt thu vẫn lặp đi lặp lại trong nhiều năm”.
Nhắc lại phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sử dụng hiệu quả từng đồng tiền thuế của dân, ông Ngân đề nghị, kỷ cương, kỷ luật tài chính cần thực hiện nghiêm minh từ Trung ương cho đến địa phương, tích cực hơn nữa trong chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Trước báo cáo của Chính phủ nhận định luôn thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần xem lại đánh giá này. Bà chỉ rõ: “Báo cáo kiểm toán phát hiện thấy có nhiều sai sót, thậm chí sai cả quy định của pháp luật. Cho nên Chính phủ, Quốc hội cần nhìn nhận lại kỷ luật kỷ cương về ngân sách trong thời gian tới”.
Cũng theo bà Tâm, chúng ta cứ giữ bộ máy tổ chức như hiện nay thì vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng cồng kềnh, không rõ trách nhiệm vẫn còn xảy ra. Theo chương trình giám sát năm 2016-2017, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách hành chính. Do đó sau giám sát, Quốc hội cần có giải pháp mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm.
Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán và đưa vào sử dụng.