Tham gia sản xuất, phát triển kinh tế là một trong ba chức năng cơ bản; đồng thời là một truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Baomoi.
Đây cũng là sự hiện thực hóa quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc, góp phần cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, ở những địa bàn trọng yếu, nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đoàn kinh tế-quốc phòng, các đơn vị quân đội đã có nhiều đóng góp tích cực, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng-an ninh, được người dân, chính quyền địa phương ghi nhận.
Để làm rõ hơn nội dung này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn TTXVN về việc kết hợp chặt chẽ kinh tế-quốc phòng và quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
PV:Thưa Thứ trưởng, liên quan đến vấn đề về sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất, vừa qua có thông tin Bộ Quốc phòng sẽ thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh, xin Thứ trưởng làm rõ hơn về nội dung này?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không có chuyện Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thanh tra toàn bộ đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác thanh tra cần tuân thủ đúng pháp luật, có đầy đủ lý do và kế hoạch cụ thể.
Bộ Quốc phòng có chỉ đạo cho tất cả các đơn vị trong toàn quân, các quân khu, các quân binh chủng kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và các nhiệm vụ khác trên tất cả các địa bàn của toàn quốc, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng vào các hoạt động kinh tế. Đơn vị nào có vấn đề sai phạm thì lúc đó mới tổ chức thanh tra.
Nếu đơn vị nào sử dụng không đúng mục đích phải kịp thời chấn chỉnh ngay. Đơn vị nào có vấn đề, có thiếu sót, thực hiện không đúng pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội thì phải khắc phục và sửa chữa. Đây là một nhiệm vụ chỉ đạo thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Vừa qua Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có kết quả ban đầu về việc kiểm tra toàn bộ đất đai của các đơn vị, các quân khu, quân chủng, các đơn vị trong toàn quân ở tất cả các địa bàn.
Về cơ bản, đất đai quốc phòng được quản lý theo đúng quy định của Nhà nước, sử dụng vào đúng mục đích sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sản xuất và trong đó có một phần làm kinh tế.
Về thông tin sẽ thu hồi sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất, quan điểm của Bộ Quốc phòng như thế nào về vấn đề này, thưa Thượng tướng?
Cách đây hơn 10 năm, đất sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất đã được Chính phủ cho phép sử dụng trong thời gian nhàn rỗi, chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng; với điều kiện khi có nhiệm vụ, nhu cầu quốc phòng hoặc có chỉ thị của cấp trên thì sẽ thu hồi vô điều kiện. Đây là thỏa thuận có tính nguyên tắc giữa Bộ Quốc phòng và chủ đầu tư.
Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra, mời nhiều cơ quan cùng với Bộ Quốc phòng, kể cả các Đại biểu Quốc hội, kiểm tra việc xây dựng và hoạt động của sân golf.
Qua kiểm tra cho thấy việc xây dựng và hoạt động sân golf hoàn toàn đúng luật pháp, đúng quy định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tạo ra một số dư luận trái chiều trong xã hội. Do đó, ngay từ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có chỉ thị dừng toàn bộ việc xây dựng các khu dịch vụ của sân golf này, gồm nhà hàng, khách sạn, biệt thự, căn hộ cho thuê... để chờ kiểm tra, kiểm soát và quyết định của cấp trên.
Bộ Quốc phòng sẵn sàng đàm phán với chủ đầu tư thu hồi đất sân golf và giao lại cho Chính phủ khi có nhu cầu phát triển sân bay Tân Sơn Nhất. Việc làm này theo quy hoạch của Chính phủ để vừa đảm bảo lợi ích chung của Nhà nước, lợi ích của Quân đội; vừa tính đến lợi ích chính đáng, phù hợp pháp luật của chủ đầu tư.
Quân đội luôn luôn quan tâm đến nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, của các địa phương, các ngành nói riêng. Không chỉ ở sân golf Tân Sơn Nhất mà ở tất cả các địa điểm khác, nếu khu vực đất đai nào Quân đội chưa sử dụng ngay, Quân đội sẵn sàng giao lại cho Chính phủ, cho các địa phương để tham gia góp phần phát triển kinh tế-xã hội; khi có tình huống cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ xin sử dụng lại những khu vực đó.
Thưa Thứ trưởng, vậy hiện nay công tác quy hoạch, quản lý đất quốc phòng được thực hiện như thế nào?
Đất quốc phòng là đất quốc gia, do đó phải thực hiện theo đúng luật pháp của đất nước, không có sự phân biệt đất quốc phòng hoặc đất không quốc phòng. Song đất quốc phòng có những đặc thù riêng, cũng như đặc thù của đất phục vụ nhiệm vụ kinh tế, đất phát triển đô thị, đất nông nghiệp...
Chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là đất quốc phòng chủ yếu sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, xây dựng các doanh trại. Chỉ có một phần đất nếu chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng thì có thể sử dụng vào mục đích kinh tế để nâng cao đời sống bộ đội, đóng góp vào xây dựng tiềm lực cho các đơn vị.
Đất quốc phòng sử dụng làm nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, hơn 90% đã được Quân đội giao cho các địa phương, các ngành, hoặc giao lại cho Chính phủ để giúp địa phương mở đường giao thông, làm các công trình về môi trường, các khu đô thị, giải phóng các khu vực ở các vùng bị ô nhiễm bom mìn, dioxin...
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương tạm dừng việc chuyển từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế; chỉ có những diện tích thực sự cần thiết, hết sức cần mới chuyển đổi. Việc chuyển sang đất làm kinh tế phải được tính toán kĩ càng, cẩn trọng, đúng luật pháp, đúng quy định, không có biệt lệ nào cho việc đất quốc phòng sử dụng làm kinh tế.
Thời gian tới, lãnh đạo Bộ Quốc phòng sẽ trực tiếp đi một số địa phương kiểm tra và chỉ đạo tại thực địa về vấn đề sử dụng đất quốc phòng đúng mục đích. Việc làm này nhằm góp phần giúp người dân hiểu đúng mục tiêu của Quân đội trong sử dụng đất quốc phòng, để người dân ủng hộ, tin tưởng hơn nữa vào Quân đội. Việc làm nào đi ngược lại lợi ích của nhân dân, làm hại đến môi trường phát triển của địa phương, Quân đội nhất định sẽ không làm.
Gần đây có ý kiến cho rằng Quân đội không nên làm kinh tế, điều này có trái với ba nhiệm vụ được quy định của Quân đội là: chiến đấu, công tác và lao động sản xuất hay không, thưa Thượng tướng?
Quân đội tham gia làm kinh tế phải là kinh tế quốc phòng, phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nói như vậy mới đầy đủ. Từ khi thành lập Quân đội, Bác Hồ đã dạy Quân đội phải đồng thời là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất. Mỗi thời kì có một hình thức, mô hình, mức độ khác nhau, tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và tình hình đất nước.
Từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp Quân đội đã ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội, đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp mẫu mực, đóng góp tích cực cho quốc phòng cũng có những doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn. Những đơn vị đó cần dứt khoát chấn chỉnh, loại bỏ.
Vừa qua, Quân ủy Trung ương đã thực hiện quy hoạch các doanh nghiệp trong Quân đội với một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp Quân đội phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế, không có doanh nghiệp nào chỉ làm kinh tế đơn thuần.
Thứ hai, doanh nghiệp Quân đội phải tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu mà Chính phủ quy định.
Thứ ba, doanh nghiệp Quân đội phải làm theo đúng luật, đúng quy định như một doanh nghiệp Nhà nước, không có biệt lệ.
Thứ tư, doanh nghiệp Quân đội không được lợi dụng vị thế Quân đội làm điều không đúng. Từ đầu năm 2016, Bộ Quốc phòng đã có chỉ thị thu hồi toàn bộ biển đỏ của các xe làm kinh tế, một doanh nghiệp Quân đội chỉ có một xe biển đỏ dành cho người chỉ huy để đi công tác. Xe biển đỏ tuyệt đối không được dùng vào hoạt động kinh tế, hoạt động có thu.
Quân đội chúng ta trước đây có gần 200 doanh nghiệp, vừa qua đã rút xuống còn hơn 80 doanh nghiệp, và trong đề án Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ chỉ còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, làm ăn đứng đắn, tuân thủ luật pháp mới được tiếp tục hoạt động.
Việc chọn lọc này không hề dễ dàng nhưng Quân đội vẫn quyết tâm làm và làm nhanh. Đây cũng là một nội dung trọng tâm của Quân ủy Trung ương trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về việc chống suy thoái, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, không để ảnh hưởng đến hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ.
Xin Thứ trưởng nêu ví dụ về một số đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng?
Có rất nhiều ví dụ, thứ nhất là sự đóng góp của các đoàn kinh tế quốc phòng khu vực biên giới. Các đoàn kinh tế quốc phòng khu vực biên giới là phên dậu, là lực lượng làm đường tuần tra biên giới. Họ giúp các địa phương thực hiện phân giới cắm mốc và tăng dày cột mốc, bảo vệ cột mốc đường biên; phối hợp với lực lượng biên phòng và các địa phương để giữ gìn an ninh biên giới; tạo ra những khu kinh tế tập trung ở biên giới...
Ngoài ra còn có các đơn vị Công binh xây dựng các hệ thống ngầm, các đường ngầm thủy điện… phục vụ phát triển kinh tế; các đồng chí Hải quân ở Tân Cảng đóng góp trong hoạt động phòng thủ ở Trường Sa, trong xây dựng hoạt động kinh tế trên Biển Đông, vận tải chiến lược Bắc-Nam, đảm bảo đất nước cân bằng về mặt quốc phòng...
Hiện nay, một mặt chúng ta phải phát triển, củng cố các doanh nghiệp kinh tế quốc phòng, mặt khác phải mạnh tay chấn chỉnh những sai sót, thiếu sót, sơ hở trong quản lý. Đây là việc Quân ủy Trung ương đang làm, để Nhân dân tin tưởng hơn nữa vào Quân đội.
Quân đội tuyệt đối không làm hỏng hình ảnh của mình trong mắt Nhân dân. Quân đội không được làm gánh nặng cho nền kinh tế đất nước, ngược lại vừa phải thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, vừa đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!