Bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ, vẫn thu phí

Hà Linh 22/08/2019 07:00

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018. Qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB). Toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách nhà nước cấp hằng năm.

Bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ, vẫn thu phí

Quỹ Bảo trì đường bộ để sửa chữa, duy tu các tuyến đường.

Vẫn thu phí

Ngay sau thông tin trên được báo chí đăng tải, tại một số trung tâm đăng kiểm, chủ xe ô tô đi đăng kiểm thắc mắc về thu phí BTĐB. Thông tin trên khiến nhiều người lầm tưởng việc bỏ Quỹ BTĐB đồng nghĩa với việc sẽ không phải nộp phí sử dụng đường bộ đối với ô tô. Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi các trung tâm đăng kiểm để tuyên truyền, giải thích cho chủ phương tiện về nộp phí BTĐB. Theo đó, việc bỏ Quỹ BTĐB không làm thay đổi quy định của pháp luật hiện hành về nộp phí sử dụng đường bộ.

Cụ thể, theo Luật Phí và lệ phí, phí sử dụng đường bộ nằm trong danh mục thu và nộp vào ngân sách từ 1/1/2017, không nộp về tài khoản của Quỹ BTĐB Trung ương như giai đoạn năm 2013-2016. Sau đó, kinh phí sử dụng cho công tác bảo trì, duy tu hệ thống giao thông đường bộ được ngân sách Nhà nước cấp trở lại cho Quỹ BTĐB. Do Quỹ trở thành bên trung gian, nên Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội đã kiến nghị bỏ. Do đó, Cục Đăng kiểm khẳng định, phí sử dụng đường bộ là khoản thu của ngân sách nhà nước đã được quy định tại Luật Phí và lệ phí, là khoản thu cần thiết để tạo nguồn duy tu, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ quốc gia. Hiện, Nhà nước chưa có chủ trương và cũng chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước.

Quỹ BTĐB được quy định theo Luật Giao thông đường bộ 2008, chính thức hoạt động từ năm 2013, hình thành từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện ô tô qua đăng kiểm. Sau khi có khoản phí này, các trạm thu phí đường bộ thu nhập ngân sách nhà nước đã huỷ bỏ. Trước khi có Quỹ BTĐB, mỗi năm ngân sách cấp cho hoạt động BTĐB khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Từ ngày có quỹ, ngoài phần ngân sách nhà nước cấp bổ sung trên, có thêm nguồn thu từ chủ phương tiện, với mức thu tăng đều theo các năm, hiện trên 7.000 tỷ đồng/năm (tổng nguồn Quỹ khoảng 10.000 tỷ đồng/năm).

Chuẩn bị giải tán Hội đồng quản lý quỹ

Cũng do theo Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách, từ tháng 1/2017, kinh phí bảo trì đường bộ được Bộ Tài chính quyết định cấp theo nhiệm vụ chi hàng năm. Do đó, vai trò quyết định việc phân bổ Quỹ của Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB trung ương không còn như xưa. Hội đồng này trở thành 1 bộ phận trung gian, thậm chí còn làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn BTĐB. Đây cũng là lý do Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho giải thể Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB trung ương. Hiện Bộ GTVT đang sửa đổi Nghị định 18/2012, để giải thể Hội đồng và văn phòng của Quỹ trung ương.

Theo Dự thảo Nghị định về Quỹ BTĐB thay thế Nghị định 18/2012, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án. Phương án 1, bỏ Quỹ BTĐB và quy định nguồn tài chính cho công tác BTĐB được đảm bảo tù ngân sách nhà nước. Phương án 2, vẫn giữ Quỹ nhưng giải thể Hội đồng quản lý và Văn phòng Quỹ, chuyển cơ chế sang một thủ trưởng. Cơ quan soạn thảo chọn phương án vẫn giữ Quỹ và tổ chức lại bộ máy quản lý. Theo đó, Bộ trưởng GTVT kiêm Chủ tịch Quỹ BTĐB trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh quản lý, sử dụng Quỹ BTĐB địa phương. Bộ GTVT lý giải, sửa đổi trên nhằm phù hợp với chế độ quản lý 1 thủ trưởng, nguồn tài chính và quản lý quỹ. Đồng thời, giảm thủ tục hành chính đối với công tác quản lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn...

Quỹ Bảo trì đường bộ chính thức hoạt động từ năm 2013. Trong năm đầu tiên, quỹ thu được hơn 5.435 tỷ đồng từ xe ô tô, và tăng trưởng đều theo các năm, lên hơn 7.047 tỷ đồng năm 2017. Năm 2019, Quỹ dự kiến thu khoảng 7.500 tỷ đồng từ chủ xe ô tô. Về hoạt động bảo trì đường bộ, giai đoạn 2013-2017, Quỹ đã cấp vốn xử lý 1.031 cầu yếu, 614 điểm đen tai nạn; hơn 76 triệu m2 mặt đường; mở rộng 1.000 km mặt đường hẹp…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ, vẫn thu phí