Theo ĐBQH Ngô Sách Thực, cần bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới, nhất là các giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế, tái chế. Đặc biệt là các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, tái định cư, chống tác hại của sạt lở vùng núi, sông, biển đang thường xuyên đe dọa tính mạng, đời sống của nhiều hộ dân.
ĐBQH Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận chiều 31/10. Ảnh: Quang Vinh.
Chiều 31/10, phát biểu tại Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, ĐBQH Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lắng nghe, cầu thị trước những vấn đề nhân dân quan tâm
Bày tỏ sự đồng tình trước thành quả kinh tế - xã hội và các mặt đạt được năm 2019 là rất to lớn. Qua đó cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và hưởng ứng của nhân dân, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phấn khởi khi 7 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu vượt, khả năng hoàn thành vượt 12 mục tiêu đề ra là hiện thực. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, chiến tranh thương mại và dấu hiệu suy giảm của kinh tế thế giới là thành công có ý nghĩa lịch sử đối với nước ta.
Với mục tiêu phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đã đề xuất một số giải pháp sau về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, qua thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 4 năm thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Từ thực tế đó, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trên nhiều phương diện làm thay đổi nhận thức thái độ, hành vi, thói quen của nhiều người, tạo nên cảnh quan nhiều khu dân cư “sáng, xanh, sạch, đẹp”, góp phần quan trọng vào kết quả trên 57,2% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, vượt mục tiêu 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí, tiêu chí về môi trường là hết sức khó khăn.
Mới có 12,5% lượng nước thải ở đô thị loại IV được xử lý
Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, đây vẫn là lĩnh vực nhân dân rất quan tâm, khi năm 2018 điều tra có 74% nhân dân quan tâm về môi trường, và nhiều nơi để ô nhiễm nhân dân còn bức xúc.
“Về hạn chế, dù thời gian qua đã có chỉ đạo nhưng chậm được khắc phục như: nhiều nơi chưa hướng dẫn, khuyến khích các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân loại rác, chất thải rắn tại nguồn cũng như chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác đã được phân loại tại nguồn thích hợp. Nhiều nơi chính chỗ tập kết rác là nơi gây ô nhiễm. Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cao. Tổ chức thực hiện việc phân loại, thu gom, xử lý rác chưa đồng bộ, nhiều nơi đã phân loại từ hộ nhưng khi vận chuyển, xử lý lại đổ chung, là khó khăn không nhỏ cho công tác tuyên truyền vận động” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chỉ rõ.
Nhắc đến yếu tố công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tuy đã được tăng cường, chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm, còn vi phạm chưa được phát hiện, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá: Việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt, mới có 12,5% lượng nước thải ở đô thị loại IV được xử lý, và 46,5% địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đô thị, và tỷ lệ xả thải trực tiếp còn rất cao gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm còn đáng lo ngại. Sự cố môi trường đã xảy ra ở một số nơi nhưng việc cảnh báo, thông tin, phòng ngừa ô nhiễm chưa kịp thời, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
“Tôi đề nghị cần phải chỉ đạo tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường, tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2020 trong năm 2020. Bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới, nhất là các giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế, tái chế. Đặc biệt là các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, tái định cư, chống tác hại của sạt lở vùng núi, sông, biển đang thường xuyên đe dọa tính mạng, đời sống của nhiều hộ dân. Chỉ đạo xây dựng hoàn thiện, đồng bộ trong các Luật có liên quan để hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có sửa đổi một số điều của luật Bảo vệ môi trường” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiến nghị.
Người gây ô nhiễm phải bồi thường, truy tố trước pháp luật
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị, tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng đầu tư nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi nguồn lực cho việc bảo vệ môi trường rất cần và rất thiếu nhưng kinh phí 1% ngân sách chi dành cho sự nghiệp môi trường nhiều nơi không bố trí đủ, có nơi bố trí nhưng không tiêu được; việc phân bổ và thực hiện chi đầu tư phát triển cho tài nguyên môi trường năm 2019 đạt rất thấp. Có nguồn mà không tiêu được là thiếu sót cần khắc phục ngay.
Cùng với đó, cần tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường; kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm các qui định về đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chấp thuận dự án đầu tư; khuyến khích công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; kiểm soát xả thải, kiểm soát nhập khẩu công nghệ, chất cấm nhập khẩu.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng lưu ý cần bổ sung hoàn thiện các qui chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường; hoàn thiện cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm phải bồi thường, gây hậu quả nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật. Khuyến khích ứng dụng khoa học- công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải, cũng như biểu dương các sáng kiến, hoạt động, cách làm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhân dân hằng năm và định kỳ.
“Việc sát dân, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân sẽ có những cách làm hay trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành liên quan xây dựng các phương án xấu nhất xử lý nếu sự cố môi trường xảy ra. Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm để thông tin kịp thời cho người dân biết, có địa chỉ, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh của nhân dân về môi trường, trước hết là nước sạch và không khí sạch” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho hay.
Quy định chặt chẽ điều kiện doanh nghiệp được cung cấp nước sạch
Qua vụ việc ô nhiễm nguồn nước Sông Đà ảnh hưởng việc cấp nước sạch đến hàng vạn hộ dân, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng đang đặt ra nhiều nội dung cần quan tâm, sự vào cuộc của các cơ quan, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được việc cấp nước. Do đó cần qui định chặt chẽ hơn điều kiện, tiêu chuẩn doanh nghiệp cung cấp nước sạch, đây là lĩnh vực kinh doanh rất đặc thù, một người bán nhưng có hàng vạn người mua, người mua không có sự lựa chọn khác.
“Trong 12 chỉ tiêu kính tế - xã hội chủ yếu năm 2020, chi tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về môi trường đạt 90% cần cân nhắc thêm. Năm 2018 đạt 88%, năm 2019 dự kiến đạt 89%, năm 2020 đề ra 90%, như vậy cứ mỗi năm tăng được 1%, so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 kiểm soát môi trường có đạt được không?” -Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nêu câu hỏi.
Từ đó ĐBQH này đề nghị, cần có cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi đầu tư, về vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác thu gom và xử lý rác thải. Có cơ chế hỗ trợ các hình thức tự quản môi tường ở khu dân cư; hỗ trợ tiếp cận nước sạch, xây nhà nhà vệ sinh của các hộ dân, của cộng đồng, hỗ trợ hỏa táng, qui tập các mộ vào nghĩa trang sẽ giữ gìn vệ sinh và tiết kiệm sử dụng đất. Bởi như vậy có rất nhiều nội dung hữu ích, ích nước, lợi dân nếu chi 1 đồng hỗ trợ từ sự nghiệp môi trường có thể huy động được ngàn đồng trong dân, nguồn lực lớn trong xã hội tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị, các giải pháp trên phải xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về môi trường. Tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể và nhân dân giám sát thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của toàn dân bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.