Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 37 về đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra.
Các nội dung của chính sách trong đề cương dự thảo nghị quyết được xây dựng theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể, bao gồm: nhóm 1 - chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng (8 chính sách); nhóm 2 - các chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách).
Dự thảo đề xuất chính sách tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng kể từ ngày 1/7/2026. Mục tiêu của chính sách là xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới. Đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại.
Đáng chú ý, dự thảo cũng đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 2/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 - 10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,5-3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5% (công nghiệp tăng 11,5-12%); dịch vụ tăng 9,5-10%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8-9%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000 - 8.500 USD.
Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, bao gồm: Tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng; Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; Phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao...