Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa đề nghị UBND 63 tỉnh thành trong cả nước đánh giá công tác quy hoạch, định hướng phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Trong đó có yêu cầu kịp thời ban hành các chính sách của địa phương để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, hỗ trợ cho người lao động các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non gặp khó khăn do ảnh hưởng của địch Covid-19.
Chỉ đạo rà soát số người lao động làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục và cơ sở giáo dục mầm non chưa được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục bảo đảm duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Đặc biệt là việc yêu cầu các địa phương chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở GDĐT rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố việc tuyển bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015 liên Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ; theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 với tinh thần “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm non diễn ra từ nhiều năm nay, gây áp lực cho đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT), để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non, các địa phương cần thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng giảm các điểm trường lẻ, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, thực hiện tuyển dụng viên chức đối với giáo viên mầm non, không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm và thiếu giáo viên mầm non trong khi vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển dụng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, chủ động ban hành và tham mưu với UBND tỉnh, thành phố có các chính sách ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp tích cực hoặc có thành tích đột xuất trong ngành giáo dục, có chính sách thu hút giáo viên mầm non.
Đáng lưu ý, thời gian vừa qua dịch bệnh Covid-19 kéo dài, trong khi các bậc học khác có thể chuyển đổi hình thức dạy và học trực tuyến thì bậc học mầm non đóng cửa hoàn toàn. Khi cánh cửa trường học đóng lại, hàng ngàn giáo viên đã buộc phải “gõ cửa” những nghề nghiệp mới. Bởi bàn ghế, đồ chơi còn có thể dồn kho chờ đợi chứ con người vì cuộc sống mà không thể đứng yên. Không ít giáo viên mầm non đã phải chuyển sang bán hàng online, nhận hàng gia công, chạy chợ…
Nhiều cơ sở mầm non tư thục đã phải dừng hoạt động, thậm chí đứng trước khả năng phải giải thể. Trước tình hình này, Bộ GDĐT đã đề xuất lên Chính phủ các giải pháp hỗ trợ để duy trì công việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên; đồng thời đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính sách hỗ trợ số hóa, chính sách ưu đãi tín dụng nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Trên trực tế, trong khi các cơ quan chức năng đang khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, thì mỗi ngày vẫn có thêm những trường học không thể trụ vững trước đại dịch.
Vì lẽ đó việc quan tâm tới đời sống giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non trong đại dịch nói riêng; quan tâm tới việc đầu tư cho bậc học mầm non nói chung là điều cần phải lưu tâm, không để chậm trễ.