Hôm nay, Hội nghị lần thứ tư UBTƯ MTTQ Việt Nam thông qua tờ trình về việc bổ sung Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII. Theo đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam đồng ý bổ sung 20 vị tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam và 3 vị tham gia vào Đoàn Chủ tịch, tổng số Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là 384 vị, Ủy viên Đoàn Chủ tịch là 60 vị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các đại biểu về dự Hội nghị.
Sáng 30/12, tại Hà Nội, Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ IV khóa (VIII) đã chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các vị trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định năm 2015 đất nước có nhiều ngày lễ lớn đây là thời cơ để MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm các sự kiện quan trọng này góp phần cổ vũ niềm tự hào, tinh thần yêu nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, công tác truyền thông, tôn giáo được các cơ quan tổ chức và các tầng lớp nhân dân quan tâm, tin tưởng và ngày càng thể hiện sự ủng hộ cao với các chương trình hành động của Mặt trận.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh kỳ họp thứ 4 UBTƯ MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng nhằm đánh giá công tác Mặt trận năm 2015 và đề ra chương trình phối hợp thống nhất hành động trong năm 2016; Việc triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Báo cáo việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Báo cáo công tác Mặt trận tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định của pháp luật; Nghe tờ trình bổ sung Ủy viên Ủy ban Đoàn Chủ tịch, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, tờ trình việc công nhận và thôi làm thành viên của MTTQ Việt Nam…
“Hội nghị lần thứ 4 UBTƯ MTTQ Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan trọng kết thưc nhiệm kỳ 5 năm và bước vào nhiệm kỳ mới 2016-2020. Mong các cụ các vị trong Đoàn Chủ tịch, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát huy dân chủ tập trung trí tuệ đóng góp ý kiến để góp phần hoàn thành chương trình hội nghị”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2015 và chương trình phối hợp thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2016 do ông Vũ Trọng Kim, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày nêu rõ, năm 2015, những chủ trương đổi mới công tác theo 5 chương trình hành động của Đại hội VIII MTTQ Việt Nam và các nội dung Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Hội nghị lần thứ 2 UBTƯ MTTQ Việt Nam đề ra đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên hưởng ứng triển khai nghiêm túc, được cụ thể hóa thành các đề án đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, công tác vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo, đổi mới các phong trào, cuộc vận động và được phổ biến, quán triệt thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, đạt kết quả khá toàn diện, tạo tiền đề quan trọng cho việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, triển khai các nhiệm vụ của Mặt trận trong cả nhiệm kỳ.
Theo Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim, bám sát 5 chương trình hành động của Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động và tập trung thực hiện các trọng tâm: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân; Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Lựa chọn được cán bộ chủ chốt đủ đức đủ tài
Tại Hội nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng có báo cáo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng trong năm 2015
Báo cáo cho biết, trong năm 2015, tình hình tư tưởng, ý kiến của các tầng lớp nhân dân có cả mặt tích cực, xen lẫn tâm lý băn khoăn, lo lắng bức xúc. Trong đó mặt tích cực chiếm ưu thế chủ đạo, mặt tiêu cực chiếm số ít nhưng vẫn tiềm ẩn nhân tố phức tạp, khó lường dễ bị thế lực thù địch lôi kéo kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Một số lĩnh vực mà các tầng lớp nhân dân quan tâm là việc triển khai tổ chức Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đại bộ phận nhân dân rất vui mừng phấn khởi tin tưởng kỳ vọng vào Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên một bộ phận nhân dân còn băn khoăn mong muốn, việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp phải coi trọng chất lượng, tiết kiệm không phô trương, lãng phí. Nhân dân mong muốn, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XII nhất là công tác nhân sự chọn được những cán bộ đủ đức đủ tài giữ các chức vụ chủ chốt để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa về chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm để đưa đất nước bước vào gia đoạn phát triển mới.
Báo cáo cho biết, trong năm 2015, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái pháp luật quốc tế các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm tuyên bố chung về ứng xử giữa các nước ASAN và Trung Quốc (DOC).
Theo văn bản trả lời của Bộ Ngoại giao, từ tháng 9/2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa.
Những hoạt động này của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, vi phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc năm 2011.
Trước những hoạt động nêu trên của Trung Quốc, chúng ta đã và đang tiến hành các biện pháp đấu tranh kiên quyết ở nhiều cấp, kể cả cấp cao, thông qua nhiều hình thức (giao thiệp trực tiếp, phát biểu của lãnh đạo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao…) và tại nhiều diễn đàn (trong hội đàm, đàm phán với Trung Quốc và tại các diễn đàn đa phương).
Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đánh giá đúng để yên lòng dân
Ông Phạm Xuân Hằng - Phó chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII cho rằng, qua 30 năm Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước đã đạt được nhiều thành tựu, tạo được thế và lực trên trường quốc tế nhưng thực tế lòng dân vẫn chưa yên. Vẫn còn những vấn đề bức xúc trong các tầng lớp nhân dân như tình trạng trốn đóng BHXH vẫn trên 50%, đời sống của nông dân còn bấp bênh, ngư dân đánh bắt cá bị cản trở, đánh chìm tàu, nạn tham nhũng lãng phí…
Ông Phạm Xuân Hằng phát biểu.
Từ đó ông Hằng kiến nghị Mặt trận với vai trò vị trí của mình phải đánh giá đúng, nhận diện đúng thực trạng tình hình tư tưởng, ý kiến của các tầng lớp nhân dân để có những đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước.
Cô giáo Trương Thị Hà Giang - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam mang theo tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An gửi tới Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Theo cô giáo Giang để thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh” gắn với giảm nghèo bền vững thì việc nâng cao dân trí là rất quan trọng.
Hiện nay trên nhiều xã của Nghệ An, tỷ lệ trẻ em 3 tuổi chưa được đến trường vẫn còn cao, trong khi đó nhiều thầy cô giáo vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ đứng lớp khiến thầy cô rất tâm tư.
Cô giáo Trương Thị Hà Giang - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Cũng theo cô giáo Giang, đối với các xã miền núi việc giao thông đi lại rất khó khăn, mặc dù Nhà nước có nhiều hỗ trợ nhưng hiện tại vẫn có những công trình có sự đóng góp của nhân dân nhưng tiến độ thi công chậm khiến người dân gặp khó khăn trong đi lại. Từ thực tế trên, bà Giang đề nghị khi Nhà nước thực hiện các chương trình dự án nên có sự giám sát chặt chẽ để các công trình được thi công đúng tiến độ.
Đối với những dự án nhỏ có sự đóng góp của nhân dân nên giao cho nhân dân thực hiện để đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện. “Những công trình trung ương về làm rất tốn kém, nếu để dân địa phương làm chỉ tốn hết một nửa, dân họ phản ánh như vậy. Cá nhân tôi nói không thể có sức ảnh hưởng to lớn như các vị, nhưng đó là những vấn đề mà dân rất quan tâm, nếu giải quyết thì lòng dân sẽ yên.” Cô giáo Giang bày tỏ.
Học tập những điển hình tiên tiến để xây dựng NTM
Góp ý vào việc thực hiện Cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh mà Mặt trận mới phát động, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần phải học tập những điển hình tiên tiến để xây dựng NTM.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng.
Theo GS Lân Dũng, nông dân vẫn là bộ phận nghèo khó nhất so với mọi thành phần khác trong xã hội. Có một tổng kết không vui về thực trạng nông dân nước ta. Họ là những người cống hiến nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, hưởng thụ ít nhất, được giúp kém nhất, bì đè nén nhất, cam chịu lâu dài nhất nhưng cũng là những người thứ tha nhiều nhất, thích nghi tài giỏi nhất.
“Có tới 19 tiêu chí về nông thôn mới, nhưng theo tôi tiêu chí quan trọng nhất là mức sống, là hạnh phúc của từng gia đình nông dân trong nông thôn. Muốn vậy phải có những biện pháp cụ thể để giúp nông dân thoát nghèo và từng bước làm giàu bằng trí tuệ, sức lực của chính mình” GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định.
Dẫn chứng từ thực tế rất nhiều tấm gương nông dân sáng tạo, vận dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị cần phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến này trong xây dựng NTM.
Phối hợp trong phòng chống tham nhũng
Chia sẻ với những người làm công tác Mặt trận, Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ Võ Văn Dũng khẳng định, Mặt trận ngày càng làm được nhiều việc, có vị trí quan trọng hơn, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Đặc biệt, những chương trình giám sát vừa qua của Mặt trận đã chỉ ra những yếu kém, những gì chưa đúng để đề xuất với Đảng, Nhà nước có điều chỉnh về mặt chính sách, đồng thời những nơi làm đúng cũng có tác dụng động viên.
Ông Võ Văn Dũng.
Về nhiệm vụ giám sát 2016, ông Võ Văn Dũng cho rằng, Ban Nội chính hoàn toàn ủng hộ, đồng thời đề xuất phối hợp để tiếp tục giám sát về thủ tục thuế và hải quan. Hiện mới chỉ giám sát trong chương trình cải cách thủ tục hành chính, nhưng năm 2016 cần mở rộng hơn, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện chính sách pháp luật về thuế, hải quan. Bởi đây là vấn đề rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước.
Qua thanh tra giám sát hệ thống ngân hàng cũng cho thấy có nhiều sai sót. Năm 2016, nên tiếp tục giám sát thuế, hải quan để làm rõ thêm những mặt được, chưa được của lĩnh vực này.
Về vấn đề phòng chống tham nhũng, theo ông Dũng Ban Nội chính TƯ sẽ phối hợp với Mặt trận để nắm chắc dư luận trong nhân dân, có thêm cơ sở để đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách về phòng chống tham nhũng.
“Vừa qua, phát hiện nhiều tội phạm trong kinh tế, đề nghị Mặt trận phối hợp tuyên truyền vấn đề này để nhân dân tránh. Cùng với đó, tuyên truyền làm rõ về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Ban Nội chính TƯ cũng hy vọng sẽ nhận được tin tố giác phòng chống tham nhũng của nhân dân”, ông Dũng đề nghị.
GS Trần Đông A - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá trong năm 2015 hoạt động giám sát của Mặt trận đã đạt nhiều kết quả nổi bật qua đó tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân, kết nối được lòng dân.
Chương trình tổng rà soát chính sách đối với người có công trong năm 2014-2015 thành công là điểm nhấn khẳng định được lòng biết ơn với những người đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của đất nước vừa khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.
Trong lĩnh vực y tế, Mặt trận và các tổ chức thành viên các ngành chức năng đã phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật các cơ sở tư nhân. Đây là việc giám sát nhân dân khác với thanh tra kiểm tra, qua giám sát để vừa tìm hiểu vừa lắng nghe có vấn đề vướng mắc giải quyết ngay tại chỗ hoặc hướng dẫn khi sai. Đây là cách làm hay vừa giúp người hành nghề và luật pháp được thực hiện.
“Có người ở cơ sở y tế tư nhân chia sẻ khi có thông báo có đoàn giám sát họ lo mất ăn mất ngủ nhưng khi làm việc với đoàn giám sát được trình bày hướng dẫn cách làm giải đáp những vướng mắc, họ rất cảm ơn đoàn giám sát”, GS Đông A chia sẻ.
Trao đổi về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, GS Trần Đông A cho rằng xây dựng đô thị văn minh phải làm cho được vấn đề giao thông ở các đô thị để làm sao không còn cảnh mỗi ngày người Việt Nam ra đường để rồi mỗi ngày trung bình có 30 người không trở về nhà.
Ông Quản Trọng Ninh - Chủ tịch MTTQ tỉnh Bạc Liêu nhận định, trong năm 2015, vai trò vị thế của MTTQ Việt Nam được nâng nên rõ nét, tạo nên cơ sở pháp lý, để MTTQ các địa phương thực hiện các nhiệm vụ về giám sát phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. tổ chức cán bộ, kinh phí đặc thù hoạt động của Mặt trận…
Tuy nhiên theo ông Ninh nhiều người dân còn bày tỏ băn khoăn, những công việc hiệu quả mà Mặt trận đã làm được trong thời gian vừa qua, có tiếp tục được làm nổi bật, làm tốt trong thời gian tới hay không?
Từ thực tế trên ông Ninh đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam cân nhắc xem xét mức độ giám sát sao cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả sau giám sát, hiệu quả xử lý sau giám sát như thế nào để tạo niềm tin trong dân.
Về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ông Ninh cho rằng mặc dù UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có ban hành đề án nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức đề án thì rất khó cho địa phương trong tổ chức thực hiện. Từ đó ông Ninh kiến nghị phải có sự thống nhất trong các tiêu chí cụ thể, công nhận danh hiệu để có cơ sở triển khai đồng bộ.
Góp ý vào việc Mặt trận tham gia vào công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng Mặt trận có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đất nước có một hệ thống cơ quan dân cử có chất lượng.
Khẳng định các đại biểu dân cử phải có sự mạnh mẽ sắc bén để đưa những vấn đề, những ý kiến của người dân vào đến nghị trường, ông Khoa cho rằng vấn đề gốc rễ phải lựa chọn được các ứng cử viên toàn tâm toàn ý với công việc của mình trong cả nhiệm kỳ chứ không phải chỉ làm cho xong việc, được chăng hay chớ.
“Công tác hiệp thương, giới thiệu cần tính đến tính tự nguyện của các ứng cử viên. Đặc biệt Mặt trận có thể có khuyến khích động viên gợi mở những người tài đức trong dân ứng cử góp công góp sức cho đất nước.”, ông Khoa đề xuất.
Ông Trần Đình Long - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, để thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với giảm nghèo bền vững cần có những đột phá về KHCN trong nông nghiệp để tăng giá trị sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Theo ông Long, “chúng ta không thiếu KHCN mới, giống mới, mô hình mới những không thể nhân rộng. Nếu muốn đưa KHCN vào khu vực nông thôn thì phải có nguồn nhân lực”. Từ đó ông Long kiến nghị Mặt trận nên có đề án để huy động việc đưa các kỹ sư nông nghiệp về nông thôn để có thể tận dụng được nguồn nhân lực trẻ trong ứng dụng KHCN, có chính sách đào tạo nông dân chất lượng cao ngắn hạn để tạo cuộc cách mạng trong xây dựng thể chế nông thôn.
Chia sẻ về phương hướng nhiệm vụ xây dựng chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2016, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho rằng, phải hiểu được tâm trạng của nhân dân, lòng dân, những tâm tư nguyện vọng những bức xúc của nhân dân. Vì lòng dân chính là vận nước chính vì vậy Mặt trận sẽ tham gia tích cực để phản ánh đầy đủ lòng dân.
Về công tác bầu cử theo Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim cho rằng phải chú ý lựa chọn những đại biểu dân cử đảm bảo tự nguyện đảm bảo sự hiến dâng tâm sức, trí tuệ cho nước cho dân để lựa chọn chọn cho được những người có đức.
Biểu quyết công tác nhân sự.
Hội nghị lần thứ tư UBTƯ MTTQ Việt Nam thông qua tờ trình về việc bổ sung Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII. Theo đó nhân sự thôi tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam là 19 vị. Nhân sự bổ sung vào UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII theo quy định của điều lệ MTTQ Việt Nam là 20 vị. Nhân sự bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII là 3 vị.
Như vậy sau khi 17 vị thôi tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam theo quy định của Điều lệ và từ trần 2 vị, UBTƯ MTTQ Việt Nam đồng ý bổ sung 20 vị tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam và 3 vị tham gia vào Đoàn Chủ tịch, tổng số Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là 384 vị, Ủy viên Đoàn Chủ tịch là 60 vị.
Hội nghị cũng đã thông qua tờ trình về việc công nhận và cho thôi là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Theo đó công nhận Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Cùng với đó cho thôi là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam với Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức. Sau khi công nhận thêm 1 tổ chức thành viên và cho thôi 1 tổ chức thành viên tổng số thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương là 46 tổ chức.
Tại Hội nghị, thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã tặng quà chia tay các vị thôi không tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam; Trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc năm 2015 cho 39 cá nhân; tặng cờ thi đua cho 34 Ủy ban MTTQ tỉnh thành phố; tặng bằng khen cho 29 Ủy ban MTTQ tỉnh thành phố vì có những thành tích trong công tác Mặt trận năm 2015.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc.
Phó Chủ tịch- Tổng thư ký trao Cờ đơn vị xuất sắc toàn diện.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao kỷ niệm chương cho một số cá nhân có nhiều
đóng góp cho công tác mặt trận.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sau một ngày làm việc Hội nghị hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra. Năm 2015, MTTQ Việt Nam đã phát huy trách nhiệm chính trị đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân hoàn thành những nhiệm vụ đề ra.
Về nhiệm vụ trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ các cấp cần tập trung triển khai việc quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 hoàn thành trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức cho người ứng cử vận động bầu cử, giám sát việc bầu cử đúng luật pháp.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cần tiếp tục triển khai chương trình truyền thông để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phản ánh sâu sắc toàn diện ý kiến của nhân dân, triển khai hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với những nội dung đổi mới, đồng thời phối hợp với Chính phủ thực hiện phong trào "Đoàn kết, sáng tạo và tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần lấy những bài học rút ra từ giám sát năm 2015. Có ba đồng thuận. Một là Mặt trận thấy cần thiết phải làm. Hai là ít nhất một tổ chức đoàn thể nhân dân ở lĩnh vực liên quan cũng muốn thực hiện giám sát và ba là cơ quan quản lý nhà nước đồng ý phối hợp triển khai.
“Việc giám sát phải đảm bảo vừa sức, không giao chỉ tiêu cho địa phương nhưng phải đảm bảo mỗi tỉnh huyện phải đảm bảo giám sát một vấn đề”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị cần tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong đó tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận, tổ chức bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, đẩy mạnh việc ứng dụng tin học hóa trong công tác Mặt trận để nâng cao hiệu quả nhưng không tăng biên chế của đội ngũ cán bộ Mặt trận.
Anh Vũ