Thay vì nhận chìm một triệu mét khối chất nạo vét xuống biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Vũng quay tàu trước nhà máy Vĩnh Tân 1. (Ảnh: Phước Tuấn).
Nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đã trình Chính phủ phương án sử dụng gần một triệu mét khối vật chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vào khu vực thuộc dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đây cũng là đề xuất của tỉnh Bình Thuận.
Theo Bộ Tài nguyên, chất thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có các thông số cơ lý tốt, chịu được tải cao, có thể sử dụng để san lấp biển.
Dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141 ha mặt nước, trong đó khoảng 51 ha dùng để san lấp xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng và dịch vụ cảng; khoảng 90 ha để làm khu mặt nước của cảng (gồm công trình thủy công, khu quay trở tàu…). Đại diện Cảng cho biết khu vực lấn biển có thể tiếp nhận ngay một triệu mét khối vật chất nạo vét.
Trước đó, Bộ Tài nguyên đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là 31-36 m.
Đại diện Bộ khẳng định giấy phép nhận chìm mới là căn cứ để chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các khâu chuẩn bị khác, chưa phải giao biển cho doanh nghiệp.
Quyết định này vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học và tổ chức liên quan, vì cho rằng có thể xảy ra "thảm họa môi trường". Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá mức độ tác động môi trường nếu thực hiện phương án nhận chìm.
Tỉnh Bình Thuận sau đó có văn bản gửi một số cơ quan Trung ương và Bộ Tài nguyên đề xuất dùng chất nạo vét san lấp công trình kè biển chống sạt lở ở Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận cao của giới khoa học. Theo tiến sĩ Tô Văn Trường, chủ đầu tư cần chấp thuận giải pháp này dù tốn kém về kinh tế hơn rất nhiều so với phương án nhận chìm ra biển Bình Thuận.