Ngày 4-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 63 sở Tài nguyên và Môi trường trong cả nước đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp qua kênh giao lưu trực tuyến nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong số hàng trăm câu hỏi gửi về, nóng nhất, nhiều nhất là những câu hỏi liên quan đến thủ tục hành chính trong vấn đề đất đai và những bức xúc về ô nhiễm môi trường.
Người dân vẫn bức xúc về xả thải của không ít doanh nghiệp
Ảnh:Lê Ngọc Bích
Trước thời điểm cuộc giao lưu trực tuyến bắt đầu, hệ thống trực tuyến đã nhận được khoảng 300 câu hỏi. Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang khẳng định: Đây là một kênh thông tin, cầu nối để người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước chia sẻ, phản hồi, đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn khi thực thi các thủ tục hành chính về tài nguyên - môi trường. Bộ trưởng cũng đã lưu ý các bộ phận chức năng của Bộ và 63 Sở TN&MT phải trả lời đầy đủ các câu hỏi của người dân.
Trong số hàng trăm những câu hỏi, nổi lên vẫn là những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực đất đai. Mặc dù, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, trong quá trình hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục Bộ đã rà soát để cắt giảm rất nhiều. Ví dụ giảm 30 thủ tục đối với việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai, nhiều thủ tục khác được bãi bỏ trong việc giao đất, cho thuê đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận… Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, còn có một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức trách, nhiệm vụ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục. Và giao lưu chính là để giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhân dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong số những bức xúc về vấn đề môi trường, có rất nhiều câu hỏi về những vụ việc cụ thể như hệ thống xả thải của doanh nghiệp ở các địa phương, về các bãi rác lẫn trong khu dân cư. Một doanh nghiệp ở Hà Nội đặt vấn đề vướng thủ tục hành chính cam kết bảo vệ môi trường nguyên nhân do Bộ TN&MT chậm trễ trong việc ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Và trong lúc chờ, các doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra và xử phạt. Trong phần trả lời ý kiến này, Bộ TN&MT thừa nhận “vì nhiều lý do” mãi đến ngày 29-5 vừa qua Bộ mới ban hành Thông tư 27 hướng dẫn thực hiện, đúng là chuyện tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và Bộ “sẽ cố gắng thực hiện tốt hơn trong thời gian tới đây”.
Một sinh viên ở TP.HCM gửi Bộ trưởng những lời tâm huyết: “Theo như những gì em nhận thức từ cuộc sống xung quanh đang diễn ra, thì vấn đề ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên là 1 vấn đề cấp bách cần tìm ra phương hướng giải quyết. Có lẽ Bộ TN&MT nghĩ rằng ai cũng biết cách giữ gìn môi trường nên chẳng cần phải tuyên truyền mọi người phải biết giữ gìn môi trường. Bằng chứng là em chẳng thấy 1 băng rôn, khẩu hiệu ở khu phố và cũng chưa bao giờ nghe họp khu phố nói về vấn đề này. Nhưng thay vào đó, em thấy những chương trình như thanh niên tình nguyện đi dọn rác, ngày chủ nhật xanh. Em nghĩ tại sao lại chỉ vận động đi dọn rác? Mọi người cứ tha hồ xả rác rồi có một chương trình đi dọn rác hay sao? Tại sao không phải là tuyên truyền mọi người không nên xả rác, từ đó sẽ chẳng còn rác để mà dọn”. Cô sinh viên 23 tuổi đưa ra lời khẩn thiết: “Khí hậu càng ngày càng khắc nghiệt, ô nhiễm ngày càng nhiều. Em đồng ý là em và mọi người dân sẽ chờ thời gian, nhưng khí hậu môi trường có đứng yên chờ chúng ta cứ bò như rùa để thay đổi từ từ không? Điều em và mọi người đang thiết tha mong chờ là Bộ có thể đưa ra những chính sách, chiến lược để thay đổi”.