Bộ tộc 'người cá'

Linh Chi 23/11/2018 08:00

Trên hòn đảo Borneo nằm giữa biển khơi mênh mông, cách không xa thị trấn Semporna, bang Sabah của Malaysia, có một bộ lạc tưởng chừng như đã biến mất nhưng thực chất vẫn tồn tại theo cách của riêng họ.

Bộ tộc 'người cá'

Người Bajau có thể ngụp lặn ở độ sâu 20m mà không cần thiết bị hỗ trợ. (Nguồn: Getty).

Đó chính là những người Bajau Laut, bộ tộc ngư dân lâu năm của vùng biển Sulawesi. Họ đã sống trên biển trong suốt nhiều thế kỷ qua nhưng lại là nhóm người ít được biết đến nhất trên thế giới. Theo truyền thuyết, người Bajau có nguồn gốc từ một Công chúa người Malaysia tên là Johor, bị cuốn trôi trong một trận lũ quét.

Nhà vua vì quá đau buồn nên đã lệnh cho một nhóm người ra ngoài khơi tìm kiếm, và họ chỉ được trở về khi nào tìm được công chúa. Cuộc tìm kiếm thất bại, nhóm người được lệnh không dám trở về đất liền nên đã tự hình thành một công đồng người du mục trên vùng biển Bajau.

Đa phần người Bajau là người Hồi giáo dòng Sunni, phần lớn đều tin vào thế giới tâm linh của biển cả. Dân làng tin rằng, biển cả là ngôi nhà chung của họ. Bộ tộc người Bajau có thể sống hàng tháng trời lênh đênh trên biển chỉ với một con xuồng dài, hẹp và cao tên là Lepa Lepa.

Sau này, cuộc sống du mục của họ gây ra sự tranh cãi về việc đi lại trên biển nên người Bajau di chuyển về đất liền. Họ chuyển lên ở các ngôi nhà sàn và tập trung thành một làng nổi trên biển nhưng vẫn duy trì những nếp sống cũ. Ngôi làng của người Bajau chỉ cách thế giới văn minh khoảng 1 giờ đi biển, thế nhưng cuộc sống của họ vẫn mang tính hoang dã và du mục.

Thức ăn của người Bajau đơn giản là cá và chuối. Họ trộn tinh bột sắn với nước, lá khô rồi bôi lên mặt giống như một loại kem chống nắng. Người Bajau được mệnh danh là “người cá” vì họ là những thợ lặn tài ba nhất thế giới. Họ có thể lặn xuống đáy biển để săn cá và bạch tuộc chỉ bằng những cây giáo tự chế.

Bộ tộc 'người cá' - 1

Trẻ em Bajau từ bé đã quen thuộc với biển cả. (Nguồn: Getty).

Với sự hỗ trợ của kính thợ lặn vành gỗ và không cần bình dưỡng khí, bộ tộc “người cá” có thể vô tư lặn sâu xuống 20m dưới đáy biển trong vòng 5 phút để bắt cá, ngọc trai hay hải sâm - những tài nguyên vô cùng quý hiếm của biển cả.

Những ngư dân chèo thuyền gỗ nhỏ và đánh cá để kiếm ăn. Do không lên đất liền nên họ không có quyền công dân và không được phép tiếp cận các cơ sở vật chất của Chính phủ. Những đứa trẻ ở đây không học chữ từ nhỏ mà được bố mẹ đưa cho tấm lưới để học cách bắt cá, bạch tuộc và tôm hùm.

Các nhà khoa học cho biết, do quen ở biển nên nếu lên đất liền, người Bajau cũng dễ bị “say đất liền”. Họ sử dụng thủy triều làm công cụ tự nhiên để tính toán thời gian.

Mỗi chiếc thuyền độc mộc của người Bajau chỉ cần 1 tuần là có thể hoàn thành. Họ làm nó mà không cần bất kì bản thiết kế nào.

Những đứa trẻ trong bộ tộc được huấn luyện bơi lội từ khi còn rất nhỏ. Để tai không bị nổ trước sức ép trọng lực của nước khi bơi lội, người Bajau phải chọc thủng màng nhĩ của mình. Phải mất một tuần nằm im bất động để vết thương ở tai lành lại, sau đó họ có thể bơi lội mà không cảm thấy đau đớn.

Bởi vậy mà tất cả những người dân trong bộ tộc đều bị nặng tai, thậm chí họ không còn khả năng nghe thấy âm thanh bên ngoài. Với đôi tai không còn nghe được âm thanh, đôi mắt của họ lại phát huy khả năng gấp 2 lần so với người bình thường, điều này giúp họ có thể nhìn mọi vật dưới nước một cách dễ dàng.

Bộ tộc 'người cá' - 2

Những ngôi nhà sàn dựng ngay trên biển của tộc “người cá”. (Nguồn: Getty).

Khu vực biển người Bajau sống là một phần của “Tam giác san hô” - một hệ sinh thái có giá trị, nằm giữa Papua New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon, Indonesia, Malaysia và Đông Timo. Đây là khu vực đầy ắp những sinh vật biển quý hiếm như cá, san hô, hải sâm, được công nhận là trung tâm đa dạng sinh học của thế giới và được ví như “rừng Amazon của biển cả”. Người Bajau dựa vào những sinh vật biển này để duy trì cuộc sống.

Tuy nhiên, rất nhiều người Bajau đã phải kết thúc cuộc sống du mục của mình trong tình trạng bị liệt hoặc chết đuối, do phần lớn cuộc đời ngụp lặn dưới đáy biển. Nhiều rạn san hô bị phá hủy và trở thành rạn san hô chết vì người Bajau đã học cách sử dụng một chất độc hòa tan được trong nước của những tàu đánh cá nước ngoài để bắt được nhiều cá hơn.

Chính phủ Malaysia, Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) và WWF ngày nay đã triển khai nhiều chương trình quản lý, khuyến khích người dân đánh bắt hải sản một cách bền vững, khuyến khích người dân tham gia vào việc nuôi cá theo hình thức công nghiệp. Việc này cũng có nghĩa rằng bộ tộc “người cá” Bajau chuẩn bị kết thúc cuộc sống du mục của mình để bước sang cuộc sống hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ tộc 'người cá'