Ngày 7/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả thì xây dựng Luật thay thế Luật Cán bộ, công chức hiện hành là cần thiết.
Sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới. Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành).
Theo bà Trà, dự thảo Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã. Quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương nơi cán bộ, công chức công tác để sắp xếp, bố trí vào vị trí việc làm ở cấp xã mới theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó, chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự. Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, đồng thời tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Cũng theo bà Trà, dự thảo Luật bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”. Trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là bước thực hiện chủ trương nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước, thúc đẩy đội ngũ công chức không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm”, bà Trà cho hay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, dự thảo Luật lần này thể chế hóa chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo đúng chủ trương của Đảng; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ; bổ sung quy định xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức là một trong các nội dung quản lý cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý cán bộ, công chức trong môi trường điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong giai đoạn mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật – Tư pháp tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; đồng thời nhận thấy việc liên thông tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng bày tỏ quan điểm tán thành việc tiếp tục quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Các quy định này một mặt đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo tinh thần Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; mặt khác, góp phần bảo đảm tính ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Ông Tùng cũng nêu rằng, Uỷ ban Pháp luật – Tư pháp nhất trí việc bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để thực hiện chủ trương mới của Đảng tại Kết luận số 121-KL/TW; đồng thời tán thành quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về căn cứ xác định, nội dung và phân loại vị trí việc làm công chức; giao Chính phủ quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục xây dựng và thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.