Ngày 9/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Trước các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có giải trình. Theo đó, về vấn đề liên quan đến đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, ông Thắng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật có 2 luồng ý kiến. Trong đó có những ý kiến cho rằng đã cần thiết phải đánh thuế lúc này chưa, nhưng cũng có luồng ý kiến lại yêu cầu phải đánh thuế càng nhanh, càng nhiều càng tốt.
Theo đó, vừa qua có những căn cứ rất rõ ràng để cân nhắc việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường theo hàm lượng là 5g/100ml như dự thảo Luật. Tổ chức Y tế thế giới đã có báo cáo rất chi tiết, cụ thể đối với các quốc gia trong đó có khuyến cáo đối với Việt Nam rằng chúng ta đang là một trong những quốc gia tiêu thụ nước đường ngày càng lớn và dẫn đến nguy cơ béo phì.
Ông Thắng dẫn chứng: Theo thống kê, hiện nay lượng đường mà chúng ta tiêu thụ đã lên 46,5% đường tự do/ngày và phần lớn đến từ nước giải khát có đường, đây chính là nguyên nhân dẫn đến béo phì và thừa cân. Chính vì thế, WHO đã khuyến nghị tất cả các nước, trong đó có Việt Nam phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu là 20%.
Hiện nay có 107 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, trong ASEAN có 7/11 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (tính cả Đông Timor). “Từ thực tiễn thế giới và thực trạng của Việt Nam, lẽ ra phải đánh thuế sớm hơn, đến giờ phút này chúng ta mới đánh thuế cũng đã muộn. Không thể để thế hệ con em của chúng ta béo phì, thành bệnh rồi mới bàn”, ông Thắng nêu quan điểm.
Đồng thời ông Thắng thông tin, cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra đã tiếp thu vấn đề mức thuế và thời gian theo hướng giãn thời hạn áp và giảm tỷ lệ theo mức năm 2027 là 8%, năm 2028 là 10%. Thời hạn đối với tất cả các mặt hàng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng sẽ rà soát để xem mặt hàng nào chúng ta sẽ áp thuế từ 1/1/2026 và những mặt hàng nào lùi sang 1/1/2027 để vừa thực hiện được mục tiêu của Quốc hội, nhưng đồng thời cũng tránh cú sốc đối với các doanh nghiệp.
“Theo tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát được chế biến từ nước và có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin và khoáng chất có ga hoặc không có ga. Theo theo khái niệm này những loại nước sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ bao gồm: sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao. Ví dụ như nước dừa sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Thắng cho biết.
Nghiên cứu đánh thuế điều hoà nhiệt độ từ 24.000 BTU trở lên đến dưới 90.000 BTU
Liên quan đến đánh thuế đối với điều hòa nhiệt độ, ông Thắng phân trần, hiện một số nước đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ với 2 lý do. Một là liên quan đến tiết kiệm năng lượng; hai là liên quan đến chất làm lạnh gây hại tới môi trường, gây hại đến tầng ozon.
Chúng ta cũng đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này từ trước và hiện nay luật cũng vẫn đang đánh thuế. Tuy nhiên, lần này sửa đổi, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo cũng đã đưa vào dự thảo sẽ đánh thuế đối với những mặt hàng điều hòa từ trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU.
“Hôm nay có đại biểu Quốc hội đề nghị có thể nâng công suất này lên này, chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến này để nghiên cứu, có thể nâng lên ở mức từ 24.000 BTU trở lên đến dưới 90.000 BTU sẽ đưa vào diện chịu thuế đặc biệt”, ông Thắng nêu và cho rằng, việc đánh thuế này không phải chỉ liên quan đến Việt Nam.
Với nước ta, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những quyết định rất cụ thể, ví dụ Quyết định 496 ngày 11/6/2024 đã yêu cầu tới năm 2045 chúng ta hạn chế và không sản xuất, không nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí nguyên cụm sử dụng các chất HCFC và chất CFC, tức là những chất làm lạnh ảnh hưởng đến tầng ozon.
Từ đó, theo ông Thắng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ cũng cần phải tiếp tục quan tâm.
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, ông Thắng cho hay, đánh thuế xăng đã áp dụng từ năm 1998. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP 26 về việc chúng ta giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết rất khó khăn đối với Việt Nam. Hiện nay, các nước châu Âu triển khai rất quyết liệt, rất nhiều biện pháp; còn chúng ta do điều kiện kinh tế khó khăn nên đã có chương trình hành động, đang triển khai; nhưng cần phải nỗ lực, cố gắng.
Từ cam kết về môi trường, ông Thẳng khẳng định, đối với mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu so sánh ngược về trước, chúng ta thấy ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, nếu chúng ta tiếp tục khuyến khích không đánh thuế xăng sẽ rất khó khăn trong vấn đề thay đổi hành vi.
Hiện trên thế giới hầu hết tất cả các nước lớn, các nước phát triển đều đánh thuế và phí, chỉ có tên gọi khác nhau. Thuế là thuế tiêu thụ đặc biệt, còn phí thì có quốc gia gọi là phí CO2, có quốc gia gọi là thuế CO2. Thuế tiêu thụ đặc biệt và phí có mục tiêu khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tập trung điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Còn, phí bảo vệ môi trường nhằm tạo ra quỹ cho các dự án về môi trường. Việc áp cả 2 loại thuế, phí là phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26 và mục tiêu giảm khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiện nay, ở nước ta cộng cả hai loại thuế và phí này, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia, đặc biệt là với Châu Âu (đánh thuế lên tới 17.000 - 18.000/1 lít xăng).
Về vấn đề thời hiệu áp dụng thuế đối với một số mặt hàng, ông Thắng xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để cân nhắc, tính toán cho phù hợp, một mặt để đảm bảo đạt được mục tiêu của Quốc hội đặt ra cũng như tránh gây sốc đối với các doanh nghiệp.