Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời 5 vấn đề báo chí và dư luận quan tâm

02/06/2016 21:49

Liên quan đến những vấn đề mà báo chí, dư luận đặt ra trong thời gian qua, ngày 2/6 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng- Người phát ngôn của Chính phủ đã có những trả lời chính thức.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời 5 vấn đề báo chí và dư luận quan tâm

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo (Ảnh: Trần Ngọc Kha).

17 bộ, ngành quản lý về điều kiện kinh doanh đang đẩy nhanh tiến độ

Theo đó ngày 29/4, tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” ở TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu từ 1/7/2016 phải bỏ hết các quy định cũ trái với tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua.

Vậy các Bộ, cơ quan chức năng của Chính phủ đã triển khai chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ như thế nào để hai Luật được triển khai thực hiện đúng thời gian quy định?, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Trước hết phải khẳng định rằng, không phải bây giờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới quan tâm chỉ đạo việc thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Ngay sau khi hai Luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác thi hành luật, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành 2 Luật này.

Do vậy, đến nay, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm thi hành 2 Luật này kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2015.

Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện và hoàn thành trước ngày 1/7/2016 là phải rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 1/7/2015 không phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư để xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi các điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các văn bản này theo đúng thẩm quyền. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán, đồng bộ những cải cách của 2 Luật này, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, gây rủi ro, đình trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Với mục đích đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan theo lĩnh vực được phân công quản lý, rà soát các Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ ban hành trước ngày 1/7/2016, bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư.

Đây là hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, 17 Bộ, ngành quản lý về điều kiện kinh doanh đã chủ động đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong soạn thảo các văn bản, phối hợp, tổ chức lấy ý kiến tham gia, thẩm định, thẩm tra, trình dự thảo văn bản.

Hiện tại, một số Nghị định đã được ban hành, các Nghị định còn lại đang được gấp rút, tập trung nguồn lực để hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi trình Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan chủ trì soạn thảo, nghiên cứu và xử lý kịp thời các vướng mắc, tập trung nhân lực, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định, thẩm tra, chú trọng bảo đảm chất lượng văn bản.

Đồng thời, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã chủ động, thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các Bộ để giải quyết những khó khăn vướng mắc và các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cùng các Bộ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên.

Với quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, tin tưởng rằng, các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ được ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Có nên thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia?

Về đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA), hiện có hai luồng ý kiến: đồng tình bởi cho rằng giúp huy động nguồn lực vàng trong dân (dự tính khoảng 500 tấn); ý kiến khác lại đánh giá việc này là kém khả thi và rủi ro cao, lo ngại sàn vàng nếu hình thành sẽ chỉ như “cái chợ” mua bán trung gian, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, nguy cơ vàng hóa nền kinh tế, cho biết về quan điểm của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin: Sau 4 năm Ngân hàng Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu về vàng miếng đang ngày càng giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nề nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Xử phạt vi phạm môi trường chưa nghiêm

Đề cập đến vấn đề gần đây liên tiếp xảy ra các vụ thuỷ hải sản chết ở nhiều tỉnh trên cả nước do nguồn nước bị ô nhiễm nặng tại: Thanh Hoá, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, trong đó nhiều vụ có nguyên nhân xuất phát từ các nhà máy, cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường.

Vậy Chính phủ có giải pháp như thế nào để giải quyết các bất cập trong vấn đề xử lý môi trường của các nhà máy, dự án hiện nay?, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định rõ, tuy nhiên thực tế việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án đầu tư làm chưa tốt; ý thức bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn hạn chế, nhiều trường hợp còn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Hiện nay, công tác điều tra, nghiên cứu, xác định nguyên nhân thuỷ hải sản chết bất thường đang được triển khai quyết liệt; nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hỗ trợ thiệt hại cho người dân cũng đang được tiến hành khẩn trương.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các dự án, cơ sở sản xuất có xả thải ra môi trường, yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về xử lý nước thải, về quan trắc tự động môi trường nước thải; xử lý nghiêm các vi phạm; khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong tháng 6 Bộ Công thương sẽ báo cáo về bán xăng E5

Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay việc bán đại trà loại xăng này theo kế hoạch gần như không khả thi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí, góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay việc thực hiện lộ trình sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai lộ trình này cũng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ethanol và xăng E5 chưa cao, chưa khuyến khích thương nhân sản xuất, phân phối, công tác truyền thông về tiêu dùng xăng E5 chưa hiệu quả, người tiêu dùng chưa thực sự hưởng ứng.

Vì mục tiêu lâu dài bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, Chính phủ sẽ tiếp tục có các cơ chế, giải pháp phù hợp để khắc phục những khó khăn, tồn tại, đẩy mạnh thực hiện Lộ trình này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 6/2016, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Lộ trình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện; trong đó có các giải pháp để giá bán xăng E5 thấp hơn xăng khoáng; mở rộng hệ thống trạm pha chế, phối trộn và mạng lưới phân phối xăng E5; áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế, phương pháp tính giá cơ sở đối với xăng E5, cơ chế quản lý giá ethanol

Trước thông tin về khoản vốn vay ODA 22 tỷ USD đã ký kết nhưng chưa được giải ngân gây lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: Tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5 năm 2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.

Hiện còn khoảng 22 tỷ USD đã ký kết đang trong quá trình thực hiện trong đó có 2,15 tỷ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.

Việt Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời 5 vấn đề báo chí và dư luận quan tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO