Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng, dù sự việc diễn ra ở đơn vị nhỏ ở trung tâm, không thể biết được. Nhưng có thể nói chậm nắm vấn đề và không biết.
Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời đối với Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao, và du lịch Nguyễn Văn Hùng. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng, ĐB Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) phản ánh, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm gì khi giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn.
Khi giải nghệ chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện, hoặc kinh doanh nhưng đây chỉ là số ít. Vì nỗi lo tương lai hậu thi đấu nhiều vận động viên từ bỏ đam mê thể thao. “Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ. Đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương”-ông Minh nói.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, để giải quyết được việc làm mang tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao sau khi thi đấu đỉnh cao cũng còn nhiều khó khăn. Các khó khăn nổi lên do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian, nghề nghiệp có thể chưa thích hợp với các vận động viên và từng loại hình mà họ đã được rèn luyện, đào tạo và thi đấu.
Do đó về lâu dài không phải tất cả các vận động viên đều được trở về các cơ quan để làm công tác huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý. Tiếp tục đổi mới hơn cách tiếp cận để có thể giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau. “Chúng tôi đang đề nghị với Chính phủ, sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tập trung đánh giá tổng thể chính sách tác động vừa qua. Sau đó, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung yên tâm thi đấu và sau đó phát triển ngành nghề đúng nguyện vọng sở trường của mình. Đó là cách về mặt lâu dài trong đó có chính sách tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhất là những chính sách mới trong kết luận 70 đã đề cập đó là nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu”-ông Hùng nói.
Theo ĐB Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình), thời gian qua dư luận xã hội xôn xao trước hàng loạt các vụ vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh của thể thao Việt Nam trong mắt công chúng. Bên cạnh câu chuyện đẹp đậm nghĩa thầy trò của thể thao Việt Nam thì những vụ việc bị phát hiện đã thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh rằng chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả, điều này còn kéo theo hậu quả là thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên, huấn luyện viên. “Vậy giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên?”-bà Tâm nêu rõ.
Về vấn đề này, ông Hùng thừa nhận những vụ việc tiêu cực trong thể thao là “nhức nhối của ngành”. Mặc dù chỉ là 2 vụ việc có tính chất cá biệt đó là tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn, và tiền của đội thể dục dụng cụ. Khi phát hiện ra, đã kiên quyết xử lý thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Qua đó đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính, và cung cấp cho các cơ quan chức năng khác để xem xét điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Hùng cũng cho rằng, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện. Việc này chúng tôi biết hơi chậm. Kiểm điểm lại thấy rằng là lãnh đạo cấp trên dù sự việc diễn ra ở đơn vị nhỏ ở trung tâm, không thể biết được. Nhưng có thể nói chậm nắm vấn đề và không biết.
“Trong thực tế ban đầu khi lập quỹ với mục đích tốt đẹp. Ví dụ đội tuyển góp nhau để đi thăm hỏi khi ốm đau, ma chay, hiếu hỷ, hỗ trợ thêm cho nhau. Mặc dù theo quy định của pháp luật là trái phép nhưng nếu trên tinh thần tự nguyện, tự quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực. Nhưng vừa rồi đã lạm dụng và dẫn đến có tiêu cực”-ông Hùng nói và cho biết đã cho rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy định bộ đã ban hành về quản lý đội tuyển. Trong đó có điều khoản, quy định từ tập luyện cho đến công tác quản lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm. Lâu nay có kiểm tra nhưng kiểm tra chất lượng đào tạo, còn ít kiểm tra về chế độ chính sách. Đồng thời công khai minh bạch, ngay từ đầu phải thông báo cho các em được bao nhiêu, chế độ tiền ăn là bao nhiêu 1 ngày, chế độ tiền thưởng là bao nhiêu để họ biết và quản lý, đặc biệt nghiêm cấm việc lập quỹ.
Ngay sau đó, tranh luận về các giải pháp cho vận động viên thành tích cao, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền có cơ chế chính sách cụ thể, ĐB Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) đề nghị, Bộ trưởng cho biết sẽ là bao giờ? Mỗi năm, ngân sách trung ương chi khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao thành tích cao, nhưng kinh tế thể thao vẫn chưa phát triển vậy cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
Theo ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang), Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp trên Bộ đã phối hợp tham mưu xây dựng được những cơ chế, chính sách gì và tình hình kết quả thực hiện ra sao. Đặc biệt là các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng?