Bộ Xây dựng vừa có Văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình.
Trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội ngày 6/4, Bộ Xây dựng giải thích lý do đưa ra đề nghị trên là dư luận, báo chí mong muốn xem xét lại phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú, bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ.
Bộ Xây dựng dẫn lại Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Chính trị Ba Đình tỷ lệ 1/2.000 được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào tháng 12/2013. Theo đó, Nhà máy Thiết bị Bưu điện tại lô G1 (số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm. Tuy nhiên, Bộ đánh giá khu vực này có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo minh bạch khi thực hiện dự án tại lô đất số 61 Trần Phú. Bộ cũng nêu rõ ngày 24/3/2016 từng lưu ý Hà Nội rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu Trung tâm Chính trị Ba Đình.
Trước đó ngày 6/4, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình chỉ đạo dừng triển khai dự án; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình số 61 Trần Phú. Kết quả kiểm điểm báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4.
Khu đất số 61 Trần Phú tiếp giáp 4 tuyến phố là Trần Phú, Lê Trực, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học, do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef) quản lý, sử dụng. Nơi đây vốn là nhà máy được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Dãy nhà xưởng còn gắn với bức phù điêu ghi lại dấu ấn dân quân tự vệ bắn rơi máy bay Mỹ ngày 19/5/1967.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, công trình này không nằm trong danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Hiện, các dãy nhà xưởng trên khu đất đã phá dỡ gần hết, chỉ còn dãy nhà giáp phố Hùng Vương. Dự kiến công trình thay thế gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm với chức năng tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp.