Dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Bộ Y tế dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
“Nóng” tại nhiều tỉnh, thành
Theo cảnh báo của Bộ Y tế, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết (SXH), những tuần gần đây, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành. Tính đến ngày 11/6, thống kê của các địa phương cho thấy, so với cùng kì năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53%, số ca tử vong tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.
Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 9/6, số ca mắc SXH tại thành phố tích lũy là 13.520 ca, tăng 87,6% với cùng kỳ năm 2021. Các quận, huyện như 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất. Đặc biệt, huyện Cần Giờ và quận 1 là 2 quận, huyện có số ca tuyệt đối thấp nhưng tính trên 100.000 dân thì rất cao.
Đáng lo ngại, tính đến ngày 15/6, TPHCM có 9 ca tử vong do SXH, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 6 ca so với trung bình giai đoạn 2015-2020. Trước tình hình này, ngành Y tế thành phố đã triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết về dự phòng cũng như điều trị. Theo TS.BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, dự báo bệnh SXH sẽ tăng nhanh trong thời gian tới vì hiện nay mới bắt đầu chưa phải đỉnh điểm của mùa dịch. Thường đỉnh điểm mùa dịch xảy ra khoảng tháng 9-10.
“Do đó, cần phải chuẩn bị, dự phòng mạnh các biện pháp kìm lại đà tăng các ca bệnh. Nếu hoạt động dự phòng không hiệu quả, sẽ đe dọa quá tải cho hệ thống điều trị” – TS.BS Giang khuyến cáo.
Tại Bình Dương, SXH cũng đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca nhanh, nhất là trong những ngày hè nắng nóng này. Tích lũy từ đầu năm đến tháng 5 toàn tỉnh ghi nhận 2.237 ca, 5 ca tử vong, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Theo TS Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh SXH là do người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch và diệt lăng quăng, bọ gậy, nguồn truyền bệnh quan trọng ngay tại hộ gia đình. Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà dẫn đến biến chứng nhanh và tử vong.
Còn theo đại diện Sở Y tế An Giang, địa phương này có số ca mắc SXH từ đầu năm tăng 387% so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca SXH ở 10/11 huyện, thị xã, thành phố tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 5/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng trên 500% so với cùng kỳ, gồm: thị xã Tân Châu, huyện Châu Phú, Phú Tân, huyện An Phú, huyện Tịnh Biên và huyện Thoại Sơn. Toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do mắc SXH.
Bộ Y tế dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Sốt xuất huyết vẫn chưa đạt đỉnh
Thông tin tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH tại khu vực phía Nam tổ chức mới đây, cho thấy năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, nhận định, SXH trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. Cụ thể, qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo tuần, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc SXH chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay.
Đáng lo ngại, theo bác sĩ Lương Chấn Quang, mọi năm, khu vực miền Tây chiếm 10% số ca tử vong. Tuy nhiên, năm nay, dù mới 5 tháng đầu năm, số ca tử vong đã lên đến 25%. “Qua giám sát thường xuyên, chủng virus Dengue gây ra SXH năm nay là là DEN-1, type DEN-2. Chưa thể nói dịch gây điểm nóng là type nào, nhưng chúng tôi ghi nhận sự lưu hành 2 type DEN-1 và DEN-2", ông Quang cho hay.
Về công tác điều trị, TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với SHX. Các bệnh nhân mắc SXH thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân, cho đến khi chuyển nặng mới nhập viện.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, ngành y tế các tỉnh thành phía Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất các tỉnh, thành phía Nam trong công tác phòng chống dịch SXH cũng như dịch Covid-19.
Trước thực tế một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc và dịch truyền, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp cùng Cục Quản lý dược khẩn trương giải quyết việc mua thuốc và dịch truyền để cung cấp cho các tỉnh, thành phố. Đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh tăng cường đào tạo về công tác điều trị SXH thông qua các bệnh viện trung ương, Sở Y tế tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn.
Báo cáo của các địa phương cho thấy đến hết ngày 12/6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc SXH, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Hiện bệnh SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các chuyên gia dự báo, bước vào những tháng cao điểm dịch bệnh mùa hè, cộng với diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn sẽ làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Dự báo, dịch SXH có thể bùng phát mạnh trong tháng 7/2022.