Mùa biển lạnh. Nhưng đối với người dân ven biển Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu… đây là mùa kiếm thêm thu nhập, bằng việc ra biển bới cát tìm ngao, cáy.
Mưu sinh… trên bãi cát
Tranh thủ lúc thủy triều vừa rút, từng tốp người vùng bãi ngang ven biển xứ Nghệ, bất chấp thời tiết giá rét của mùa đông, họ tranh thủ cầm vợt, cuốc ra bãi biển, nơi thủy triều vừa rút để cào ngao kiếm thêm thu nhập. Dù không phải mùa ngao nhưng vào thời điểm này, dọc con đường sát bãi biển từ: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai đến Nghi Lộc, Diễn Châu… từng tốp người khom lưng bới cát tìm ngao. Các ngư dân làm việc miệt mài mặc cho những cơn gió biển mang theo hơi lạnh như tiêm thấu vào tận xương với mong muốn trong ngày họ sẽ mang về nguồn lợi phẩm, cho thu nhập kha khá.
Mùa này, ngao nhỏ được bán với giá 30.000 đồng, ngao lớn bán 50.000-70.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, một người có thể kiếm được 150.000-200.000 đồng từ việc cào ngao.
Tôi rong ruổi trên bãi cát với ngư dân làng biển Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu mới thấu hiểu và thực sự chia sẻ với nghề bới cát tìm ngao của người dân nơi đây. Mùa hè còn đỡ, còn mùa đông với cái lạnh dưới 15 độ C, đôi tay ngâm cả giờ dưới nước thực sự là kinh khủng. Do vậy, để hạn chế cái lạnh mà vẫn có thu nhập, người dân tự chế vật dụng dùng để cào ngao. Trong đó, phải kể đến là chiếc “vợt” được làm từ một đoạn tre dài, lưỡi cào làm bằng thép sắt mỏng gắn vào đoạn tre. Khi cào ngao, người dân phải cúi khom người, hai tay nắm chắc dây và thanh tre, dùng lực ấn mạnh lưỡi nạo xuống cát, sâu khoảng 10cm và đi giật lùi. Khi phát hiện có ngao, người dân sẽ dừng lại dùng tay bới lớp cát để nhặt. Tuy nhiên, nhiều người chuyển sang dùng cuốc dàn hàng ngang để tìm ngao, tránh bỏ sót trên một bãi biển rộng lớn. Bằng cách này, sau hơn một tiếng đồng hồ cần mẫn đào, người dân có thể nhặt được 1,5-2kg ngao.
Vừa bới cát, bà Hồ Thị Nga (61 tuổi) trú tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, thực ra đây là mùa tranh thủ để kiếm thu nhập, nhất là sau những ngày nông nhàn. Bởi nghề chính của người dân nơi đây là trồng rau màu, phục vụ trong và ngoài tỉnh. Đến gần cuối năm, khi nhiều trận mưa trút xuống đã làm cho rau bị hư hại mất mùa, bà con chuyển sang đào ngao ở biển để kiếm thêm ít tiền tết. “Tranh thủ ngày vài ba tiếng đồng hồ ra đây vừa cuốc, cào kiếm thêm mấy đồng. Số ngao cào được mang rửa sạch, phân loại, con nhỏ thì mang về nhà nấu canh, con lớn đưa bán cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Chịu khó bới cát, góp lại chắc cũng có tiền tiêu tết", bà Nga cho biết thêm.
Nghề của phụ nữ vùng biển
Theo người dân địa phương, mùa ngao thường chỉ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, sau thời gian trên thì giá ngao khá đắt. Thời điểm này thời tiết lạnh, ngao ít nên giá cả vì vậy cũng tăng lên gấp đôi. “Mùa này, ngao hiếm nhưng chúng tôi cũng tranh thủ những lúc rảnh rỗi ra biển cào ngao, mong kiếm thêm thu nhập. Đi giữa trưa, thủy triều rút, thời tiết cũng ấm hơn, lúc này chúng tôi men theo các dòng nước để bắt ngao, cáy. Sau khi đứng bóng, những con ngao chưa kịp theo ra biển sẽ ẩn mình trong cát. Cào dưới nước sẽ được nhiều con to nhưng mùa này lạnh lắm. Cào trên bãi dù không năng suất bằng nhưng ấm hơn, an toàn, lại đảm bảo sức khỏe. Bình quân mỗi người cào được khoảng 3-4kg, kiếm được một vài trăm nghìn đồng", bà Hồ Thị Ngân (52 tuổi), trú xóm Chí Thành, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu tâm sự.
Cách đó không xa, người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cũng đổ xô ra bãi biển đào ngao. Từ bao đời nay, bất kể mùa hè nắng cháy hay ngày đông giá lạnh, nhiều thế hệ phụ nữ vùng ven biển xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) vẫn mưu sinh bằng nghề cào ngao. Mỗi khi con nước ròng, họ lại kéo nhau ra biển cào ngao, với mong muốn tăng thêm thu nhập, nhất là khi cái tết cận kề. Đặc thù của người dân Sơn Hải là không có ruộng, không có nghề phụ nên phụ nữ Sơn Hải quanh năm vẫn phải bám nghề cào ngao để mưu sinh, họ xem đây là một nghề chính để phục vụ kinh tế gia đình. “Biết là lạnh, vất vả nhưng vẫn phải gắng sức, mong có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Loan (67 tuổi) nói.
Một người dân cho biết, vào mùa này, ngao nhỏ được bán với giá 30.000 đồng, ngao lớn bán 50.000-70.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, một người có thể kiếm được 150.000-200.000 đồng từ việc cào ngao. Bà Nguyễn Thị Thúy (60 tuổi, trú tại xã Quỳnh Bảng) cho biết, đa số người dân tại địa phương sống bằng nghề trồng rau màu. Trông chờ khoản thu nhập từ những luống rau vào dịp Tết không còn, họ tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng việc cào ngao.
Cái nghèo vẫn đeo bám
Ở các làng biển như Quỳnh Bảng, Sơn Hải, Quỳnh Phương… hầu như tất cả người dân đều làm nghề liên quan đến biển, xay đá, buôn hải sản, đóng tàu… Những gia đình khấm khá hơn thì đóng tàu lớn vươn khơi, hoặc xin làm thuyền viên những tàu lớn làm nghề. Còn những gia đình khó khăn hơn thì “bám” bãi biển cào ngao. Và cái nghề này, dù là tranh thủ thì cũng đã gắn với người dân nơi đây hàng chục năm. Bởi, dẫu sao nó cũng mang về một phần thu nhập khi thời gian nông nhàn.
Dù đông hay hè, sau khi thủy triều rút, họ lại mang các dụng cụ ra biển tìm ngao. Theo họ, dù công việc có nặng nhọc, ngâm mình trong nước biển nhiều giờ liền nhưng thu nhập cũng khoảng 300.000 đồng/ngày. “Nhiều lúc, chúng tôi đi dọc bãi biển từ Quỳnh Bảng, đến Quỳnh Liên rồi xuống Quỳnh Phương. Mỗi lần đi cào ngào như thế phải mất 4 tiếng hồ. Công việc dù vất vả nhưng cũng kiếm được tiền cho các con ăn học, bà Hồ Thị Hà, xã Quỳnh Bảng tâm sự.
Tuy nhiên, “đội ngũ” bới cát đào ngao, lại thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh, nên công việc cào ngao chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu, do đó cái nghèo vẫn bám lấy nhiều cư dân vùng biển. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Trong 2 đợt mưa vừa qua, Quỳnh Bảng bị thiệt hại rất lớn về rau màu. Do gần cuối năm, nên việc sản xuất vụ rau dài ngày không thể thực hiện được, do đó người dân cũng khá khó khăn khi bị hạn chế về thu nhập. Bởi vậy, tranh thủ thời gian nông nhàn, người dân ra biển cào ngao, nhưng công việc này cũng thực sự bấp bênh.