Việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên nói riêng và nhiều ngành nghề khác nói chung lâu nay có ý kiến băn khoăn về hiệu quả do học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhất là một số chương trình hiện nay tổ chức bồi dưỡng trực tuyến thì liệu thực chất đến đâu?
TS Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình phát triển các trường Sư phạm ETEP (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Để triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một trong những giải pháp quan trọng đó là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Song trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tập huấn trực tiếp có những mô đun chuyển sang bồi dưỡng trực tuyến, giáo viên tự xem và học qua tài liệu. Nhiều ý kiến lo ngại việc học trực tuyến sẽ khó đạt hiệu quả bồi dưỡng, thưa bà?
TS Lê Thị Kim Anh: Trước hết phải nói rằng việc học “cưỡi ngựa xem hoa” xảy ra ở các cấp học, không chỉ khi bồi dưỡng giáo viên mà ngay cả đối với học sinh, sinh viên đại học cũng vậy. Điều này bộc lộ vấn đề là lâu nay chúng ta chú trọng đến việc đánh giá đầu ra ở giai đoạn cuối cùng và thường chỉ tập trung đến đó. Những bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết vẫn dừng lại ở chỗ học sinh có thể học cho xong, thiếu tập trung trong quá trình học… Với ý nghĩa đó, chúng tôi tổ chức tài liệu điện tử học trên mạng với thiết kế nội dung bài tập cuối cùng chỉ là một phần chiếm 20-30% đánh giá kết quả khóa bồi dưỡng. Kết quả học tập được đánh giá rải ra trong quá trình học.
Tài liệu điện tử này được thiết kế để giảm thiểu tối đa hiện tượng học tập qua quýt, bằng cách tài liệu được thiết kế thành những đơn vị nhỏ có những video để minh hoạ, có ví dụ thực tiễn và không thể bấm tua nhanh tài liệu, học trong vòng 2-3 tiếng là xong.
Quá trình học đòi hỏi phải có sự tương tác, nghĩa là xem khoảng 10 phút phải trả lời câu hỏi và buộc người học phải thực sự xem tài liệu và hiểu. Nếu chưa trả lời câu hỏi, sẽ dừng chương trình ở đó. Nếu trả lời sai, người học có quyền trả lời lại nhưng phải dành thời gian xem lại mới được trả lời chứ không phải cứ bấm chọn bừa cho xong. Khi mất thời gian xem đi xem lại, người học sẽ ít nhiều lĩnh hội được bài học hoặc hiểu ra việc chú tâm học tập trung sẽ đỡ mất thời gian hơn so với việc xem đi xem lại.
Nhìn chung tài liệu này tương đối dài, được thiết kế học trong vòng 5-7 ngày nên giáo viên đã học trong quá trình nghiên cứu tài liệu rồi, các bài tập hoàn thành cuối khóa học chỉ là một phần. Kết quả của khóa học không chỉ phụ thuộc vào bài tập cuối cùng mà là cả quá trình họ đã học được những gì.
Việc đánh giá hiện nay cũng đã thay đổi, chuyển từ đánh giá sau sang đánh giá quá trình, trong đó bắt buộc sự tham gia của người học là tích cực. Trong đó, các giảng viên sư phạm thiết kế ra các câu hỏi kiểm tra xem người học có học thật không.
Trong bối cảnh học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương đang học trực tuyến thì đây là một kinh nghiệm quý giá. Theo bà, các trường, các thầy cô nên áp dụng kinh nghiệm này khi triển khai dạy học cho học sinh, sinh viên ra sao?
- Kinh nghiệm này thực tế đã được triển khai ở các trường ĐH sư phạm và các trường khác. Đó là tăng cường các hoạt động của học sinh, sinh viên không chỉ là đọc sách mà trên nền tảng kiến thức mình tiếp thu được, họ phải thao tác, hoạt động trong nhóm, ra một sản phẩm. Chính quá trình đó sẽ giảm thiểu việc học không thực chất. Người học phải áp dụng những kiến thức đã học được để phát triển thành những hoạt động ra sản phẩm, sau đó trình bày sản phẩm này để cho thầy cô, bạn bè góp ý. Đó là cách để dạy học phát triển năng lực, bao gồm không chỉ năng lực về phẩm chất mà cả năng lực tư duy, hành động, làm việc theo nhóm, năng lực trình bày thuyết phục…
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo TS Lê Thị Kim Anh, quá trình học đòi hỏi phải có sự tương tác, nghĩa là xem khoảng 10 phút phải trả lời câu hỏi và buộc người học phải thực sự xem tài liệu và hiểu. Nếu chưa trả lời câu hỏi, sẽ dừng chương trình ở đó. Nếu trả lời sai, người học có quyền trả lời lại nhưng phải dành thời gian xem lại mới được trả lời chứ không phải cứ bấm chọn bừa cho xong.