Bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận cơ sở (kỳ 19)

PV 24/06/2016 09:05

Nhằm giúp cho lực lượng cán bộ Mặt trận ở cấp cơ sở nắm chắc lý luận và nghiệp vụ cùng các quy định hiện hành của MTTQ Việt Nam, Đại Đoàn Kết online trân trọng đăng toàn văn bộ "Tài liệu chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận ở cơ sở" do NXB Chính trị Quốc gia phát hành năm 2011.

2. Hoạt động của ban công tác Mặt trận

Khoản 5 Điều 27 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII quy định: Ban công tác Mặt trận có chức năng phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; phối hợp với trưởng thôn (làng, ấp, bản…) để thực hiện nhiệm vụ:

a) Trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân; chương trình hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

b) Thu thập phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

c) Động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước.

d) Phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.

Căn cứ vào những nội dung nêu trên, ban công tác Mặt trận tham gia tuyên truyền, vận động bằng thông báo, phổ biến, giải thích đến từng người dân, đến từng hộ gia đình thông qua họp dân ở thôn, làng, ấp, bản hoặc theo tổ nhân dân tự quản, theo các nhóm nhỏ từ 5 - 10 hộ gia đình, theo sinh hoạt chi bộ, chi đoàn; thông qua các cá nhân có uy tín ở khu dân cư, các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận trực tiếp tuyên truyền, vận động từng người, từng nhà làm cho người dân hiểu biết ý nghĩa, mục đích, nội dung các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện, đóng góp.

Trong những năm tới ban công tác Mặt trận cần phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định, trước hết tập trung thực hiện có kết quả những công việc sau:

Một là, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo".

Hai là, tổ chức Ngày hội đoàn kết toàn dân hằng năm ở khu dân cư.

Ba là, phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư. Thực hiện hướng dẫn của ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã (phường, thị trấn).

Ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn trong các công việc sau đây:

a) Cung cấp kịp thời và công khai các thông tin cần thiết để nhân dân biết (gồm 14 công việc chính, bằng năm hình thức được quy định tại Điều 5 và 6 Chương II Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ).

b) Tham gia tổ chức do nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản thảo luận, bàn bạc và quyết định trực tiếp về:

+ Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng.

+ Xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa.

+ Các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Thành lập ban giám sát công trình xây dựng do dân đóng góp.

+ Tổ chức bảo vệ sản xuất kinh doanh. ..

Các công việc được thực hiện bằng hình thức họp dân, họp chủ hộ, biểu quyết công khai hoặc bằng phiếu kín. Nếu không tổ chức họp được thì phát phiếu xin ý kiến từng hộ gia đình.

c) Tham gia tổ chức để nhân dân bàn và tập hợp ý kiến của nhân dân phản ánh với Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định bao gồm các việc:

+ Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

+ Dự thảo phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, hằng năm.

+ Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương.

+ Phương án quy hoạch khu dân cư, đề án định canh, định cư, dự án huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.

+ Dự thảo đề án phân vạch địa chính địa giới, chia tách thôn, làng, ấp, bản.

+ Phương án đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở, tái định cư.

+ Kế hoạch triển khai các chương trình quốc gia trên địa bàn.

+ Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn xã.

+ Những việc khác mà chính quyền thấy cần thiết.

Phương thức tổ chức thực hiện là phổ biến các chủ trương, các dự thảo kế hoạch, dự án, đề án để nhân dân biết, bàn và góp ý kiến công khai thông qua họp dân, ý kiến từng hộ gia đình, họp các chi đoàn, chi hội, các tổ chức kinh tế, đặt hòm thư góp ý…

d) Đông viên nhân dân giám sát, kiểm tra các vấn đề:

+ Hoạt động của chính quyền xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức nghề nghiệp ở xã.

+ Kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định, chỉ đạo của ủy ban nhân dân.

+ Hoạt động và phẩm chất đạp đức của chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân, hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, của cán bộ Ủy ban nhân dân xã và cán bộ, công chức hoạt động tại địa phương.

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo của các công dân tại địa phương.

+ Dự toán và quyết toán ngân sách xã.

+ Quá trình tổ chức và thực hiện công trình, kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình do nhân dân đóng góp xây dựng và các chương trình dự án của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân đầu tư, tài trợ trực tiếp cho xã.

+ Các công trình của cấp trên triển khai trên địa bàn xã có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh trật tự, văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống nhân dân ở địa phương.

+ Quản lý và sử dụng đất đai ở xã.

+ Thu chi các loại quỹ, lệ phí theo quy định của Nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân.

+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực tham nhũng trên địa bàn xã.

+ Việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Việc giám sát, kiểm tra do nhân dân trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đại diện cho mình hoặc ban thanh tra nhân dân bằng các phương thức sau đây:

+ Tham gia trực tiếp (nếu được mời) hoặc thông qua các tổ chức đại diện cho mình trong các cuộc họp của chính quyền xã bàn về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của mình, góp ý kiến đánh giá báo cáo tổng kết 6 tháng và hằng năm của chính quyền xã, góp ý kiến vào bản kiểm điểm của chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, bỏ phiếu tín nhiệm và các chức vụ do Hội đồng nhân dân xã bầu, phát hiện những cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân và có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích việc thu chi ngân sách và các khoản đóng góp của dân để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền làm rõ, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết.

đ) Hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư:

+ Phối hợp với trưởng thôn triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, làng, ấp, bản 6 tháng một lần hoặc bất thường gồm toàn thể cử tri hoặc chủ hộ gia đình.

+ Thảo luận và quy định các công việc của cộng đồng dân cư về xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, những vấn đề văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với pháp luật của Nhà nước.

+ Bàn biện pháp thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, các quyết định của ủy ban nhân dân xã, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ cấp trên giao và các quy định của cộng đồng dân cư.

+ Thảo luận, góp ý kiến vào các báo cáo kết quả công tác và tự phê bình kiểm điểm của trưởng thôn, làng, ấp, bản, của chủ tịch Hội đồng nhân dân và chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

+ Bầu, miễn nhiệm trưởng thôn, làng, ấp, bản, xây dựng hương ước, quy ước, cử các ban, nhóm tự quản, ủy viên thanh tra nhân dân.

+ Phối hợp với trưởng thôn để thành lập và hướng dẫn hoạt động của các ban hòa giải, ban an ninh, bảo vệ sản xuất, ban kiến thiết (các tổ chức này do dân bầu).

+ Ban công tác Mặt trận tham gia vào việc xây dựng và thực hiện hương ước quy ước làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.

Trưởng ban công tác Mặt trận tham gia một số việc trọng tâm như:

+ Tham gia vào thành lập nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo hương ước, quy ước, trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, bí thư chi bộ thống nhất những nội dung cơ bản cần soạn thảo, thành lập nhóm soạn thảo.

Ban Công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, chỉ đạo nhóm soạn thảo xây dựng hương ước, quy ước.

+ Gửi dự thảo đến từng hộ gia đình hoặc tổ chức họp thảo luận ở đội sản xuất, tổ dân phố, ngõ xóm, nhóm các hộ gia đình lấy ý kiến góp ý vào dự thảo hương ước, quy ước.

+ Phối hợp với trưởng thôn chủ trì hội nghị cử tri hoặc hội nghị đại biểu hộ gia đình ở thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư thảo luận và thông qua hương ước, quy ước.

+ Xem lại văn bản, cùng với trưởng thôn, bí thư chi bộ ký vào hương ước, quy ước kèm theo biên bản thông qua tại hội nghị trình lên cấp trên phê duyệt.

+ Vận động các hộ dân thực hiện hương ước, quy ước. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện hương ước, quy ước, thu thập ý kiến, kiến nghị của các hộ gia đình, các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư để tổ chức hội nghị thông qua sửa đổi, bổ sung theo đúng trình tự đã quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận cơ sở (kỳ 19)