Bồi lấp cửa biển, ngư dân khốn khó

Tấn Thành - Chí Đại 01/12/2015 07:05

Biển Cửa Đại là nơi dòng sông Phú Thọ, TP Quảng Ngãi đổ ra biển, cũng là con đường để gần 2.500 tàu thuyền các loại của hơn 1.000 ngư dân ở các xã Nghĩa An và Nghĩa Phú… ra biển để khai thác hải sản mưu sinh. Thế nhưng, hiện nay nhiều đoạn ở cửa biển này đang bị bồi nặng nề.

Bồi lấp cửa biển, ngư dân khốn khó

Bồi lấp ở đầu Cửa Đại hình thành nhiều cồn cát nhô lên gây cản trợ tàu cá qua lại.

Đa số tàu thuyền công suất lớn của ngư dân khó ra vào cửa biển, họ đành neo đậu ở nơi khác. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản xa khơi mà cả hậu cần nghề cá cũng đứng bánh.

Ngư dân Võ Văn Vang, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An cho biết: “Không phải đến bây giờ Cửa Đại và luồng lạch sông Phú Thọ mới bị bồi lấp mà liên tiếp những năm qua nơi này thường xuyên bị cát bồi lấp. Việc này đã làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông tàu thuyền của ngư dân. Nhiều tàu lớn đã không có đường về, tàu ngư dân trong bờ ra khơi luôn bị mắc cạn, khiến việc sản xuất của ngư dân gặp nhiều khó khăn”.

Cũng theo ông Vang, tình trạng bồi lấp biển Cửa Đại đã làm cho các tàu công suất lớn khi ra biển phải thuê tàu kéo mới ra được, chi phí mỗi lần kéo một đôi tàu ra khỏi biển Cửa Đại giá 50 triệu đồng. Do đó, sau khi tàu có công suất lớn ra khỏi Cửa Đại thì không vào nữa, họ tìm nơi khác neo tàu.

Còn ngư dân Võ Văn Vương (39 tuổi), chủ tàu cá QNg 01240 TS, trú thôn Tân An, xã Nghĩa An than phiền nói: “Đừng nói chi tàu có công suất lớn, như tàu của tôi có công suất 80 CV là loại tàu cá nhỏ, nhưng muốn ra khơi phải chờ cho nước thủy triều dâng cao và cho chạy theo hướng vòng cung mới ra được. Chính vì những lý do đó, vài năm trở lại đây, số lượng tàu cá ở xã Nghĩa An và Nghĩa Phú một ngày thưa thớt dần, chủ yếu chỉ mấy chiếc ghe nhỏ hoạt động qua lại cửa biển này”.

Bồi lấp cửa biển, ngư dân khốn khó - 1

Nhiều ngư dân cho rằng, việc tàu lớn, tàu nhỏ ra khơi khó khăn, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy hải sản ngoài khơi và nó còn làm cho hậu cần nghề cá nơi đây điêu đứng. Trước đây buôn bán phát triển với cung ứng xăng, dầu, đá cây và các dịch vụ kèm theo như ăn uống, giải khát. Nhất là việc mua bán hải sản và các công việc phụ trợ như khuân, chuyển cá từ tàu lên bờ hay đến các nơi chế biến, hoặc lên tàu chuyển đi tiêu thụ các nơi,… diễn ra rầm rộ, đã giải quyết được nhiều công ăn cho người dân địa phương. Thế nhưng giờ nơi đây vắng vẻ.

Bà Nguyễn Thị Nơi (57 tuổi), ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An tâm sự nói: “Cửa Đại bị bồi lấp nặng làm hạn chế số lượng tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ vào cập bến tại cửa biển này, làm cho dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng thưa thớt, dẫn đến nhiều người thất nghiệp, không có công ăn việc làm.

Ngoài ra, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, lương thực, thực phẩm và nguyên liệu phục vụ cho các tàu cá không bán được hàng hóa, dẫn đến ế và thua lỗ nặng”. Còn bà Phạm Thị Ý chua chát rằng: “Ba năm trở lại đây, cửa sông bị bồi lấp nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến việc mưu sinh hàng ngày của bà con ở đây, vì bây giờ ghe nhỏ vào được chứ tàu lớn thì vào không được, họ cho tàu, ghe lớn đậu ở dưới Tịnh Kỳ hoặc nơi khác hết. Mà tàu lớn không về đây được thì dân đói thôi”.

Theo bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, với hơn 90% số dân địa phương sống bằng nghề biển. Những năm gần đây, tình trạng bồi lấp cửa sông Phú Thọ ngày càng nghiêm trọng khiến hàng trăm phương tiện không thể vào ra.

Qua quan sát của chúng tôi, thì nhiều đoạn biển Cửa Đại bị bồi lấp nhô lên thành các cồn cát ngay đầu cửa biển. Các tàu có công suất nhỏ muốn ra biển thì phải đi hướng vòng cung mới ra khơi đánh bắt hải sản được. Ngoài ra, biển Cửa Đại nhiều chỗ độ sâu chỉ 1 mét, nên các tàu, thuyền qua lại dễ mắc cạn. Chính những nguyên nhân này, khiến các tàu cá của ngư dân ở xã Nghĩa An, Nghĩa Phú không thể ra khơi và vào cửa biển này.

Về vấn đề trên, tại buổi đối thoại với người dân xã Nghĩa An vào tháng 10-2013 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cam kết, nạo vét thông luồng Cửa Đại, sông Phú Thọ để tàu thuyền ngư dân có thể ra vào. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa, UBND xã Nghĩa An phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc làm kè chống sạt lở và bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là những hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gần bờ, các hồ nuôi tôm trên cát bị sạt lở…

Theo đó, chính quyền đã cho nạo vét 2 lần với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Cửa Đại, sông Phú Thọ, xã Nghĩa An tạm thời thông luồng cho tàu thuyền ra khơi. Tuy nhiên, tình trạng bồi lấp cửa sông Phú Thọ nay đang tái diễn, tàu công suất hơn 150 CV không thể ra vào được...

Bởi đặc thù của Cửa Đại, sông Phú Thọ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận lũ hằng năm ở thượng nguồn đổ về, mà những năm gần đây, Quảng Ngãi liên tiếp hứng chịu những trận lũ lớn. Cùng với đó, triều cường liên tiếp tấn công, cửa biển và sông Phú Thọ luôn bị sạt lở dẫn đến tái diễn việc bồi lấp dòng sông.

Bà Võ Thị Lê Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: Từ đầu năm tới nay, hiện tượng bồi lấp diễn ra ngay càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng việc ra khơi đánh bắt hải sản. Chính quyền địa phương mong muốn cấp trên có phương án xây dựng kè chống sạt lở cho xã Nghĩa An.

Hỗ trợ khẩn 40 tỷ đồng để “cứu” bờ biển Cửa Đại

Chiều 30-11, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác kiểm tra thực tế tại khu vực Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và chỉ đạo biện pháp khắc phục sạt lở ở đây.

Sau khi nghe lãnh đạo thành phố Hội An báo cáo cũng như trực tiếp đi thị sát, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Hội An là Di sản văn hóa thế giới, do đó cần sớm có những giải pháp để bảo vệ di sản này. Trước mắt, Quảng Nam tiến hành các giải pháp khẩn cấp như làm kè mềm để không xói lở lâu dài. Để hỗ trợ địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét để hỗ trợ khẩn cấp cho Quảng Nam 40 tỷ đồng làm kè mềm, địa phương cần phối hợp nguồn lực của tỉnh cũng như các nhà đầu tư để triển khai trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp căn cơ như làm kè cứng, bù cát... để đưa ra phương án xử lý trong thời gian sớm nhất. Phó Thủ tướng yêu cầu huy động, kêu gọi các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA... để xử lý rốt ráo việc sạt lở bờ biển Cửa Đại, không những bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn cứu lấy Di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An.

T.T.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi lấp cửa biển, ngư dân khốn khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO