Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, cơ quan giải quyết bồi thường theo mô hình phân tán như hiện nay không chỉ khiến người dân lúng túng không biết tìm đến cơ quan nào để yêu cầu bồi thường mà còn tạo tâm lý không thoải mái. Chính vì vậy, việc bồi thường oan sai chỉ nên đi theo mô hình một đầu mối.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc.
PV: Nhìn lại chặng đường sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Thứ trưởng đánh giá thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010.
Sau 6 năm triển khai thi hành cho thấy, chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế đặc thù để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra; các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ có sự chuyển biến.
Theo quy định, người thi hành công vụ gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách nhà nước khoản tiền mà Nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên trong 6 năm, số tiền hoàn trả của công chức làm sai chỉ được 676 triệu đồng. Thứ trưởng bình luận gì về con số này?
- Đây là con số khá khiêm tốn so với số tiền 111 tỷ đồng mà ngân sách nhà nước phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Thực ra quy định hiện nay của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm dẫn đến việc Nhà nước phải bồi thường đã có nhưng chưa đầy đủ và cũng chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu mà luật đề ra là nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ.
Tuy nhiên, theo tôi trách nhiệm hoàn trả chỉ là một yếu tố không phải là giải pháp mang lại hiệu quả cao. Bởi nếu ta áp dụng mức hoàn trả cao sẽ khiến cán bộ công vụ không dám đưa ra những kết luận đúng.
Thưa Thứ trưởng, nhiều người dân tỏ ra khá mệt mỏi chờ kinh phí chi trả tiền bồi thường, việc chậm bồi thường ách tắc do thủ tục hay do đâu?
- Đây cũng là bài toán được đặt ra khi tổng kết 6 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.Theo quy định hiện hành thì thời hạn lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường của các cơ quan có thẩm quyền có thời hạn tối đa là 40 ngày. Tuy nhiên, thực tế việc chi trả tiền bồi thường kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chậm so với quy định. Nguyên nhân do tiền bồi thường lấy từ ngân sách nên quy trình chạy rất dài, qua nhiều cấp duyệt mới có được.
Từ thực trạng trên một trong những giải pháp mà khi sửa đổi luật chúng tôi tính đến là nên chăng có dòng ngân sách hay dự toán nào đó để sẵn sàng quyết toán cho người bị oan khi có yêu cầu.
Thái độ của cơ quan giải quyết bồi thường cũng là một trong bức xúc của người dân hiện nay. Vậy theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng này?
- Bộ Tư pháp cũng nhận ra tình trạng này, nhưng hiện nay luật đang đi theo mô hình phân tán nhưng không thành lập bộ phận, bố trí biên chế để thực hiện nhiệm vụ giải quyết bồi thường, đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự. Việc giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan, có trách nhiệm giải quyết bồi thường, dẫn đến hiện tượng né tránh, đùn đẩy.
Chúng tôi cũng cảm nhận được, nếu đặt giải quyết bồi thường theo mô hình phân tán như hiện nay, người dân cứ phải đến cơ quan làm sai, bỏ tù mình thì tâm lý rất không thoải mái. Do đó một trong những kiến nghị được Bộ Tư pháp đề xuất là chuyển mô hình giải quyết bồi thường từ phân tán sang mô hình cơ quan giải quyết bồi thường tập trung.