Kê khai để bồi thường sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh đang được tiến hành khẩn trương. Các cơ sở thu mua, tạm trữ hải sản đông lạnh là 1 trong 7 nhóm đối tượng đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, với đối tượng này cũng đã nảy sinh bất cập cần tháo gỡ.
Cơ sở đông lạnh Thanh Sáng tồn đọng lượng cá lớn.
Tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), có 114 lao động là chủ cơ sở kinh doanh hàng hải sản; ngư lưới cụ; dịch vụ du lịch; sản xuất đá lạnh; sửa chữa máy nổ; sửa chữa tàu thuyền; lao động trực tiếp thu mua cá, mực từ các tàu, thuyền đi bán tại các chợ có đăng ký kiểm bán cố định, có đăng ký kinh doanh.
Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg, ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, những đối tượng này thuộc diện được đền bù do ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Tuy nhiên, do không có biểu mẫu kê khai mất việc làm, mất thu nhập đối với các đối tượng này nên khi thống kê bồi thường họ đã không được thống kê, áp giá theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Lan- chủ cơ sở đông lạnh Nam Lan (thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng), khi sự cố xảy ra, mặc dù hàng hóa không tiêu thụ được nhưng theo sự khuyến khích của tỉnh, của Chính phủ, cơ sở của chị đứng ra thu mua hàng chục tấn cá để “cứu” ngư dân, chấp nhận thu mua cá về bảo quản đông lạnh.
Gần 6 tháng qua, cá không bán được, trong khi mỗi ngày cơ sở chị Lan phải bỏ ra tiền triệu để trả tiền nhân công bảo quản hàng hóa trong kho đông lạnh, tiền điện và tiền vay lãi.
Nam Lan là cơ sở thu mua cá đông lạnh thuộc dạng lớn nhất ở xã Cẩm Nhượng. Trước khi sự cố xảy ra, bình quân mỗi ngày cơ sở này thu mua 5-6 tấn cá các loại, giải quyết việc làm cho 30 lao động (mỗi lao động từ 6-8 triệu đồng/tháng).
Nhưng từ tháng 4 đến nay, cơ sở của chị Lan không tiêu thụ được tấn cá nào, hiện tại đang tồn đọng 15 tấn hải sản, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.
Đến nay, cơ sở đông lạnh Nam Lan vẫn phải duy trì hoạt động, mỗi tháng phải bỏ ra 70 triệu đồng thuê nhân công bảo quản kho đông lạnh và trả tiền điện.
>> Giải quyết bồi thường thiệt hại sự cố môi trường ở Hà Tĩnh
Cơ sở đông lạnh Cường Huyền (thôn Chùa) cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo chị Nguyễn Thị Huyền- chủ cơ sở, trước khi sự cố xảy ra, bình quân mỗi ngày cơ sở này thu mua 4-5 tấn cá cho ngư dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 người và 30 người thời vụ; doanh thu bình quân 4-5 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, do ảnh hưởng của việc Formosa xả thải cơ sở Cường Huyền tồn đọng hơn 17,6 tấn cá chim, cá mú, cá thu, cá hồng... (hơn 1,5 tỷ đồng), mọi hoạt động kinh doanh gần như “đóng băng”.
“Cá trong kho khi mua thì giá cao nhưng giờ bán lỗ cũng không ai mua, đổ đi thì tiếc. Đền bù cũng chưa thấy đâu. Chúng tôi rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan”- chị Huyền nói.
Ngoài 2 hộ dân nói trên, ở Cẩm Nhượng còn 4 cơ sở đông lạnh khác thiệt hại hàng chục tỷ đồng do sự cố môi trường biển cũng chung số phận, không được đưa vào diện bồi thường, gồm các cơ sở Sang Liên, Thu Hùng, Thanh Sáng và Tâm Lương.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Huyền- Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho rằng: Các hộ dân này là những người trực tiếp lao động, sản xuất, buôn bán chuyên nghiệp, đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương và giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động trên địa bàn.
Các chủ cơ sở này giới thiệu, chứng nhận cho lao động của mình được bồi thường, hỗ trợ trong khi chính họ lại không được là điều vô lý.
“Đối với 114 cơ sở trên, nếu chiếu theo Quyết định 1880 thì họ là đối tượng được bồi thường nhưng trong hướng dẫn 7433/BNN-TCTS, ngày 1/9/2016 của Bộ NN-PTNT lại không có biểu kê khai mất việc làm, mất thu nhập để lập biểu, gây nên sự bất cập, thiếu công bằng. Chúng tôi đành phải lập danh sách riêng, gửi tờ trình lên Hội đồng bồi thường huyện và tỉnh để xin ý kiến”- ông Huyền cho biết.
Ngoài bất cập trong việc thiếu biểu mẫu kê khai, xã Cẩm Nhượng cũng đang có khoảng 100 lao động có kiến nghị xem xét được tính bồi thường mất thu nhập do sự cố môi trường.
Những lao động này đều được xác định mất việc làm trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-2016, nhưng thời gian mất việc làm lại dưới 3 tháng nên theo quy định họ không được bồi thường.
“Đối với xã Cẩm Nhượng thì khó nhất là xác định mất thu nhập, trong Quyết định của Chính phủ đối tượng mất việc làm tối đa là 6 tháng nhưng không có tối thiểu.
Trong khi đó, Hướng dẫn số 7433/BNN-TCTS, ngày 1/9/2016 của Bộ NNPTNT lại giải thích, người mất việc làm, mất thu nhập thường xuyên liên tục 3 tháng trở lên trong thời điểm xảy ra sự cố từ tháng 4/9/2016 mới được tính. Vậy lao động mất việc làm dưới 3 tháng chưa biết có được kê khai hay không.
Hơn 100 lao động này đều là những lao động thu nhập chính trên tàu cá bị mất việc làm do ảnh hưởng sự cố môi trường, cần được bồi thường”- ông Huyền nói.
PV Đại Đoàn Kết cũng nhận được phản ánh của 10 hộ nuôi cá lồng bè dưới Cầu Vịnh ở xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh). Đây là những hộ dân bị ảnh hưởng đầu tiên của sự cố môi trường biển.
Theo người dân, sau khi Chính phủ công bố môi trường nước biển đã an toàn, từ tháng 6/2016, các hộ nuôi cá lồng bè đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, đến nay cá đã đến kỳ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ được do tâm lý e ngại của người tiêu dùng.
Người dân kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ đầu ra cho hàng cá nuôi lồng bè đang bị “dồn ứ” hàng chục tấn.
Ông Lê Đức Nhân- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho biết: UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản về việc phối hợp khảo sát lên phương án xuất khẩu cá cho ngư dân Hà Tĩnh qua Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC). Theo dự kiến, sau khi khảo sát, từ 10/10 đến 20/10 AIC lên phương án cụ thể cho việc xuất khẩu cá đi nước ngoài, đồng thời ký hợp đồng thu mua hải sản với ngư dân theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đến ngày 30/10, AIC sẽ ký hợp đồng và xuất khẩu cá đi một số thị trường như Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan và EU. |