Bolivia tươi đẹp

LÃ THẾ TUẤN (Tổng hợp) 01/11/2015 17:45

Nằm ở trung tâm Nam Mỹ, nơi rặng Andes chạy qua với đỉnh cao nhất là Saiama lên tới 6542 m, Bolivia như được chia làm đôi, với những vùng đất trũng, những thung lũng hai bên sườn núi. Nơi đây còn có hồ nước Titicaca vô cùng nổi tiếng, với diện tích 8.300 km2. Đây cũng là hồ cao nhất thế giới. 

Một con phố cổ của Thủ đô La Paz

Đến Bolivia, người ta còn ngơ ngẩn với những cánh rừng mưa nhiệt đới, những đồng cỏ chạy dài ngút mắt. Với diện tích 1.098.580 km², Bolivia rộng thứ 28 thế giới, tuy nhiên núi cao, vực sâu đã chiếm khá nhiều diện tích. Do đó, dân cư phân bố rất không đều, không ít nơi hầu như vắng bóng người, chỉ có những chú đại bàng núi dũng mãnh bay lượn.
Đây cũng là đất nước đa dân tộc, với những nền văn hóa bản địa khá khác nhau. Người ta nói rằng, không một dân tộc nào ở Bolivia lại không có có bản sắc, cho dù vẫn có điểm chung tương đồng. Dân tộc nào cũng có những tập tục vă hóa đặc sắc, và dân tộc nào cũng có “những điệu nhảy ma quỷ” trong ngày hội hóa trang…
Hóa trang chính là điểm nổi bật trong những ngày hội trên khắp đất nước Bolivia. Ai cũng tìm cho mình những chiếc mặt nạ độc đáo, những bộ trang phục “không giống ai”. Khi hòa vào đám đông, không ai nhận ra ai, do đó người ta vui chơi thỏa thích, hết mình. Bolivia có nhiều ngày nghỉ trong năm, bởi lẽ lễ hội diễn ra liên miên.

Đến Bolivia, không ai không thích thú khi diện kiến cánh đồng muối khổng lồ, lớn nhất thế giới, được ví như “kỳ quan lạ” của thiên nhiên. Đó là cánh đồng muối Salar de Uyuni nằm ở Tây Nam đất nước này.
Cánh đồng muối như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu nền trời khiến người ta có cảm giác như đang bước đi cùng mây trắng. Do sự vận động của vỏ trái đất, hồ muối cạn này được hình thành, với diện tích 10.582km2. Cánh đồng muối này nằm gần dãy Andes, trên độ cao 3650m so với mực nước biển. Người ta tính răng, cánh đồng muối Salar de Uyuni có thể có tới 5 tỷ tấn muối. Vì thế, dù mỗi năm khai thác tới 25.000 tấn thì con số đó cũng không thấm vào đâu.
Người dân trong vùng không chỉ sống bằng nghề khai thác muối, mà còn làm du lịch. Chính “nghề phụ” du lịch đã làm cho họ khá giả lên. Người ta tự hào về vẻ đẹp của cánh đồng muối Salar de Uyuni, đẹp đến độ không nơi nào có được. Mùa đông, nó khô ráo và chắc, xe cộ có thể phóng vù vù trên mặt muối. Còn mùa hè, nó lại ngập nước, biến thành tấm gương khổng lồ soi bóng cả bầu trờ mênh mông. Người ta bảo, đó là những ngày siêu thực ở Bolivia.

Cánh đồng muối Salar de Uyuni

Tại đây, người ta còn được thấy những những đàn lạc đà không bướu thong dong dạo bước. Còn những đám xương rồng khổng lồ khiến người ta như lạc vào thế giới khác. Chưa hết, vào tháng 11 hàng năm, Salar de Uyuni trở thành nơi cư trú của nhiều loài hồng hạc. Lúc này, khi chiều buông, đàn hồng hạc bay về nhuộm đỏ cả một góc trời.
Một thắng cảnh thiên nhiên khác cũng vô cùng nổi bật, đó chính là hồ Titicaca. Con hồ này được xem là một địa điểm thiêng liêng và là vị trí trung tâm của các nhân vật huyền thoại Inca. Con hồ này đã tạo ra những huyền thoại bí ẩn, khi nó năm ở độ cao 3.810m so với mực nước biển, là hồ nước cao nhất thế giới, và cũng là hồ nước ngọt lớn nhất ở Nam Mỹ. Trong lòng hồ có 41 hòn đảo, hầu hết là đảo không người ở. Duy có đảo Taquile lại đang dần biến thành thị trấn, vì số người sinh sống khá đông. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn duy trì lối sống truyền thống. Trên đảo không có ô tô, không có khách sạn và cũng không có điện. Những người đàn ông ở đây đã đưa nghệ thuật dệt trở thành “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại “ khi được UNESCO công nhận. Lên 8 tuổi, mỗi cậu bé Taquile đã buộc phải cầm kim học thêu. Vì thế, đến khi trưởng thành, chúng cũng “tốt nghiệp” luôn, và tự thêu thổ cẩm để nuôi sống bản thân. Người dân nơi đây tuân thủ nguyên tắc “Không ăn cắp, không nói dối và không được lười biếng”.

Một gia đình người Guarani ở Bolivia

Cũng ở vùng hồ Titicaca, người Uru lại tạo nên phong cách riêng khi họ dựng nhà trong những đám lau sậy. Những ngôi nhà này có thể di dộng trong lòng hồ.
Với người Bolivia, hồ Titicaca là nơi cư ngụ của vị thần sáng tạo Viracocha- vị thần quan trọng bậc nhất trong huyền thoại Inca, là người trị vì mặt trời, mặt trăng và ngôi sao, cũng như thời gian và con người. Quan niệm xưa cho rằng, khi chết đi, hồn của con người sẽ hòa vào nước hồ Titicaca để có một cuộc sống vĩnh hằng.
Cuối cùng, có thể kể đến “con đường chết chóc” tại Bolivia.

Một ngôi nhà làm bằng cây sậy của người Taquile

Bắt đầu từ Thủ đô La Paz kéo dài tới thị trấn đỉnh đồi Coroico, đường North Yungas được mệnh danh là “cung đường của tử thần”. Nó được xây dựng trong thập niên 30 của thế kỉ XX, kéo dài 70 km trên độ cao 3.660m so với mực nước biển. Mặt đường chỉ rộng khoảng 3m, bám theo triền núi mà không hề có sự che chắn, bảo vệ nào. Đã thế, nó lại gập ghềnh, đôi khi người ta buộc phải vượt qua những đường dốc thẳng đứng vô cùng đáng sợ với chiều cao lên tới 600m.
Chính vì thế, tai nạn giao thông ở đây không có gì là lạ. Mỗi năm có từ 200-300 người thiệt mạng, cho dù họ đã đi với tốc độ “rùa bò”. Hai bên đường có khá nhiều thập tự giá- nhắc nhở con người tai nạn chết người luôn rình rập.
Tuy nhiên, con đường lại có sức cuốn hút kì lạ với những người ưa mạo hiểm. Các tay đua xe đạp rất thích thử sức trên “con đường tử thần” và trong vòng 5 năm qua, ít nhất đã có 18 tay đua xe đạp bỏ mạng tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bolivia tươi đẹp