Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu của xã vùng biên Yên Thắng, huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) luôn phải sống trong tâm trạng bất an, lo sợ, bởi trên đầu họ là con đập chứa bùn thải của mỏ quặng sắt. Bờ ngăn mong manh khiến cả con đập chứa hàng triệu khối bùn đỏ như một quả bom bùn khổng lồ tiềm ẩn nguy cơ đe dọa cuộc sống của người dân.
Nước, bùn thải như quả bom nổ chậm treo trên đầu người dân Yên Thắng.
Sự sống bị đe doạ bởi đập chứa bùn thải
Con đường tỉnh lộ 530 chỉ dài chừng hơn 20km, nhưng để có thể lên được đến địa phận xã miền núi khó khăn Yên Thắng của huyện Lang Chánh, chúng tôi đã phải đánh vật đến gần 2 giờ đồng hồ mới có thể vượt qua. Đường gần như bị các loại xe quá tải “băm nát”. Đặc biệt đoạn tuyến gần trung tâm xã Yên Thắng- nơi có mỏ quặng hoạt động nhiều năm qua, gần như các phương tiện giao thông của người dân không thể qua lại vì các ổ trâu, ổ voi... như thiên la địa võng khắp mặt đường.
Chủ tịch UBND xã Yên Thắng Lương Văn Hải trực tiếp xắn quần, dẫn chúng tôi “mục sở thị” những đập chứa bùn thải, nước thải của mỏ quặng đóng trên đỉnh núi Pu Tên- nơi chứa đựng nỗi lo của người dân cả xã trong suốt nhiều năm qua. Đi vòng về phía Tây khu mỏ, đập vào mắt chúng tôi là những đập chứa nước thải, bùn thải rộng lớn, chứa đầy ăm ắp hàng triệu khối nước thải, bùn thải sền sệt, quánh đặc. Ngay dưới chân con đập này là con suối Ngàm, đồng lúa và hàng chục hộ dân sinh sống. Vị trí ngăn cách giữa các đập chứa bùn thải với khu dân cư chỉ là thân đập mong manh, được chủ mỏ đắp đất quặng và hầu như không có một biện pháp gia cố nào đảm bảo cho bờ đập. Nhiều vị trí tại thân và chân đập, nước bùn thải bị rò rỉ gây sạt nứt.
Ông Vi Văn Tiếu, một người dân sinh sống tại bản Vần Trong, lo lắng cho biết: Mùa hè năm nay, người dân vùng Yên Thắng đã phải chịu cơn hạn kéo dài, cây cối không thể mọc nổi, bà con rất mong mưa nhưng mong rồi lại lo… “Các anh trông đấy thì biết, không mưa mà các hồ chứa bùn thải của mỏ quặng đã đầy ắp, chứ mưa xuống nữa thì nước tràn xuống suối Ngàm, chảy vào nhà dân, vào ao chuôm, đồng ruộng. Nguy hiểm hơn, nếu xảy ra mưa lớn, cả triệu tấn bùn này vỡ òa, đổ lên đầu chúng tôi thì chỉ có đường chết”- ông Tiếu nói.
Tìm hiểu thêm từ phía người dân, chúng tôi được biết: Những hậu quả nghiêm trọng do tràn bùn từ các bể chứa này ùa vào làng đã nhiều lần xảy ra. Bùn ngập nhà cửa, ruộng vườn, ao chuôm, dù phía Cty khai khoáng đã tiến hành đền bù, hỗ trợ cho người dân nhưng việc đó là không thường xuyên và cũng không thấm tháp vào đâu so với những gì Cty đã gây ra. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị UBND xã Yên Thắng yêu cầu doanh nghiệp gia cố thân đập để yên tâm sinh sống. Đến nay, cả hai đập đều được mở rộng, nhưng thân đập vẫn không đảm bảo. Trong khi đó, nhiều thời điểm bùn thải tràn vào nhà, ruộng, dù đã được Cty hỗ trợ, đền bù nhưng năng suất đến nay vẫn giảm khoảng 40% so với trước”- ông Vi Văn Chính, Trưởng bản Vần Trong lo lắng cho biết.
Rời khu đỉnh phía Tây, ông Hải dẫn chúng tôi đến khu khai thác phía Đông của mỏ quặng. Từ phía dưới lòng đường nhìn ngược lên là hàng chục công nhân, máy múc đang hoạt động cật lực trước cái nắng nóng như thiêu như đốt. Phía dưới là các máng tuyển quặng cũng đang làm việc hết công suất, bùn, nước thải được chảy thẳng ra 2 đập chứa bên cạnh. Thân đập phía Đông này cũng được chủ mỏ đắp bằng đất sơ sài, chiều rộng đỉnh đập chỉ chừng vài ba mét, bùn thải mấp mé mép miệng trực chờ tràn ra ngoài. Để tránh trường hợp bị vỡ thân đập, chủ mỏ đã mở một miệng thoát nước, hễ nước dâng đến miệng thì tự động tràn xuống. Phía dưới chân đập, nước rò rỉ khiến bùn đỏ tràn chảy ra suối Vần.
Không thể… hứa cho vui
Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền xã Yên Thắng, được biết: Mỏ khai thác này do Cty CP Thương mại Tây Đô (Cty Tây Đô) đứng tên, hoạt động từ nhiều năm nay. Việc Công ty này “chơi liều” trong việc tích nước tại các đập chứa mà không gia cố, kiên cố hoá các đập chứa vừa là để phục vụ khai thác, tuyển quặng, vừa tránh đổ trực tiếp ra sông suối khi chưa xử lý đã vô hình trung tạo ra những quả bom bùn thải trên đầu dân. Nguy cơ vỡ đập chứa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hậu quả hẳn nhiên là không thể đo đếm.
Ông Lương Văn Hải- Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: Sau khi gia hạn thì thời gian khai thác mỏ tại núi Pu Tên được nâng lên 20 năm, quy mô mỏ không tăng, nhưng đập chứa bùn nước thải thì được nới rộng. Hiện vùng hạ lưu của 2 đập chứa bùn thải phía Đông này có gần 30 hộ dân sinh sống, trong đó có 9 hộ thường bị đất đá tràn vào nhà khi trời mưa. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là bà con dân bản lo lắng, xã thì phải gồng mình với các phương án cắt cử nhân lực ra canh chừng sự cố để ứng phó trong trường hợp vỡ đập.
Vết tích đợt tràn bùn trước còn in trên cột nhà dân.
Không những lo ngại vỡ đập chứa bùn thải, từ nhiều năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động, các xe chở quặng của Cty Tây Đô đã gần như “bằm nát” tuyến đường trục chính của xã. Để “an dân”, phía Cty Tây Đô đã hứa sẽ hoàn trả con đường mới cho bà con nhưng lời hứa này sau nhiều năm vẫn chỉ là “hứa cho vui” khiến dân bản bức xúc, kiến nghị nhiều lần vào các năm 2014, 2015… Gần đây nhất, người dân thôn Vần Trong tiếp tục kiến nghị UBND xã Yên Thắng tìm cách tác động với phía Cty Tây Đô làm tuyến đường giao thông từ ngã ba Tỉnh lộ 530 và đường lên mỏ dài 700m đã xuống cấp nghiêm trọng để người dân đi lại. Đồng thời, bà con thôn Vần Ngoài cũng đề nghị xem xét việc Cty Tây Đô xả nước xuống suối làm ảnh hưởng đến đồng ruộng dọc suối Pà Cải…
Được biết, trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cùng các ban ngành chức năng của tỉnh này đã nhiều lần lên kiểm tra độ an toàn các đập chứa bùn thải của Cty Tây Đô. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, mọi việc vẫn y nguyên, chỉ có “quả bom” nổ chậm bùn thải là ngày một phình to, giống như nỗi lo của hàng trăm hộ dân đang sinh sống dưới chân những “quả bom” này.