Nền kinh tế đang thiếu vốn, nhưng giải ngân đầu tư công 11 tháng chỉ ước đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý: Nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực của Nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông. Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, làm tốt đầu tư xây dựng cơ bản sẽ là giải pháp hiệu quả để cung tiền cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp một cách hài hòa.
PV:Thời gian qua, đặc biệt là tháng 10 và 11 xảy ra tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
Ông Trần Văn Lâm: Vừa qua việc huy động vốn từ thị trường trái phiếu được kiểm soát chặt chẽ hơn nên trái phiếu khó huy động. Thị trường bất động sản đóng băng, không thanh khoản được. Luồng tiền vào bất động sản khó khăn trong khi các doanh nghiệp (DN) vẫn phải trả lãi ngân hàng. Các luồng tiền lưu thông của ngân hàng đang “chảy”, giờ bị “ngắt” ở thị trường bất động sản gây nên tình trạng tắc nghẽn dòng tiền.
Thứ hai theo quy định, room tín dụng cả năm không vượt quá 14%, tức là tổng lượng tiền cung của ngân hàng cho nền kinh tế không được tăng vượt quá 14% so với năm trước. Nên một số ngân hàng hết room, không thể cho vay được nữa, hạn chế luồng tiền mà DN muốn vay mới. Mục tiêu của room tín dụng là để kiểm soát lạm phát, khi cung tiền ra ngoài thị trường quá nhiều, tiền nhiều hơn hàng thì dẫn đến lạm phát. Cho nên muốn kiểm soát lạm phát trước tiên phải kiểm soát tiền trong lưu thông. Và room tín dụng là công cụ để kiểm soát lượng tiền lưu thông để lạm phát ở mức cho phép. Hiện lạm phát trên thế giới đang tăng cao, nếu chúng ta không có biện pháp để ngăn chặn thì việc “nhập khẩu lạm phát” qua giá cả vật tư đầu vào sẽ đẩy giá trong nước lên. Đó chính là những nguyên nhân khiến lượng tiền trong lưu thông ít đi và DN khó tiếp cận vốn hơn.
Nhưng khi DN thiếu vốn sẽ khó khăn trong sản xuất và có thể dẫn đến phá sản, thưa ông?
- Khi siết chặt tín dụng, lập tức các DN sẽ khó khăn trong tiếp cận vốn. Các DN khoẻ sẽ vượt qua được, còn DN yếu phụ thuộc phần lớn vào vốn tín dụng đi vay thì sẽ rất khó khăn. Đây cũng là sự sàng lọc tự nhiên. Nhà nước có những chính sách để hỗ trợ nhưng hỗ trợ chỉ ở phạm vi cho phép, chứ không thể nới tín dụng quá rộng. Lúc đó nền kinh tế sẽ có nguy cơ lâm vào lạm phát không kiểm soát được, thiệt hại sẽ rất lớn.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 1156 về cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu phải tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là biện pháp để gỡ khó cho DN?
-Đây là hành động để tăng lượng tiền cho phép được vay lên nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Mục đích là hỗ trợ được đến đâu thì hỗ trợ tối đa, giúp cho một bộ phận DN đỡ khó khăn nhưng mặt khác cũng khiến khó khăn hơn trong việc kiểm soát lạm phát. Cho nên, Chính phủ điều tiết căn cứ vào mục tiêu lạm phát với thực trạng lạm phát hiện nay. Nếu còn dư địa cho phép thì có thể thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
DN thiếu vốn nhưng giải ngân đầu tư công 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ông đánh giá ra sao về nghịch lý này?
-Đây là bất cập, hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tiến độ thực hiện các công trình xây dựng chậm, không đáp ứng yêu cầu nên không giải ngân được. Không giải ngân được thì luồng tiền ra thị trường bị hạn chế, và đó cũng là cái khó khăn về luồng tiền cho DN, làm hạn chế lượng tiền lưu thông. Rõ ràng đầu tư xây dựng cơ bản khó khăn, không giải ngân được là yếu kém trong quản lý và điều này cần phải khắc phục.
Thưa ông, để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh có lẽ cần tính đến sự liên thông giữa tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản?
- Nếu đầu tư xây dựng cơ bản làm tốt khâu đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thì Nhà nước sẽ bơm tiền ra để thanh toán cho khối lượng công việc đã hoàn thành. Đó chính là tiền quay về DN. Lúc đó DN luân chuyển giữa các chuỗi cung ứng và tạo ra luồng tiền cho DN hoạt động. Đó là giải pháp hiệu quả để cung tiền cho nền kinh tế, cho DN một cách hài hòa, vững chắc, không làm vỡ room tín dụng, làm xấu đi các chỉ số kinh tế vĩ mô. Tiền ra qua khâu này tương đối an toàn, lúc đó tiền và hàng luôn cân đối. Bởi Nhà nước chỉ thanh toán khối lượng đã thực hiện được và lượng tiền ra tương ứng với nó. Đó chính là cân đối tiền - hàng rất hiệu quả trong “bơm” tiền vào nền kinh tế. Vì thế các gói kích thích kinh tế trong Nghị quyết 43 của Quốc hội chủ yếu tập trung vào đầu tư xây dựng cơ bản để khối lượng công việc tăng lên thì giá trị tiền cũng ra tương ứng là như vậy. Lúc đó nền kinh tế sẽ đảm bảo cân đối tiền - hàng đi vào ổn định.
Thực tế thì vốn cho DN, cho nền kinh tế không chỉ nằm trong các tổ chức tín dụng mà còn nằm ở trái phiếu DN, thị trường chứng khoán. Nếu làm lành mạnh hóa các thị trường này sẽ là kênh tạo nguồn tiền cho nền kinh tế, thưa ông?
- Đúng vậy, lượng vốn cung cho nền kinh tế nằm ở tín dụng ngân hàng chủ yếu là cung tiền trong cho vay ngắn hạn. Còn nguồn vốn dài hạn phải thông qua thị trường chứng khoán, đó là kênh để huy động ổn định nhất. Cho vay phải có tài sản thế chấp nhưng nhiều khi đánh giá quá cao nên lượng tiền ra không tương xứng với lượng tài sản thế chấp. Nếu làm lành mạnh thị trường chứng khoán, trái phiếu DN thì vốn sẽ đổ vào thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, có lãi thì họ sẽ mua chứng khoán. Lúc đó DN sẽ huy động vốn qua đó, và đây nguồn vốn lâu dài, ổn định chứ không phải ngắn hạn là vay ngân hàng và DN luôn phải lo đáo hạn, lo trả nợ.
Trân trọng cảm ơn ông!