Các chuyên gia cho rằng dù ngân sách thời điểm này không dư dả và vẫn còn khó khăn do số thu giảm nhưng vẫn cần phải cân nhắc việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
Bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đang thiếu vốn điều lệ trầm trọng. (Ảnh: CTV/Vietnam+).
Vấn đề tăng vốn cho nhóm các ngân hàng có phần lớn sở hữu của Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV (hay còn gọi là Big4) đã được nhắc từ khá lâu nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả.
Do không được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ trong nhiều năm, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của cả 4 ngân hàng suy giảm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân các tổ chức tín dụng trong nước, đặc biệt là VietinBank và Agribank.
Khó chồng khó
Từ đầu năm đến nay, 4 ngân hàng quốc doanh đã tiên phong cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm từ 1%-2,5%/năm để giúp doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ duy trì sản xuất kinh doanh, chờ cơ hội phục hồi khi đại dịch qua đi.
Thế nhưng, để chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, lợi nhuận của các ngân hàng cũng đang bị bào mòn. Với tổng số tiền mà các ngân hàng quốc doanh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng thì lợi nhuận ngân hàng cũng tỷ lệ thuận và giảm hàng ngàn tỷ đồng.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, lợi nhuận của các ngân hàng năm 2020 sẽ giảm ít nhất là khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20%-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu. Trong số đó, Vietcombank dự kiến sẽ giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận. VietinBank giảm từ 3.000-4.000 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận đăng ký ban đầu. Agribank dự kiến doanh thu năm nay của ngân hàng này giảm 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 20%.
Bên cạnh đó, hiện nay hệ số CAR của những ngân hàng này đang rất thấp so với mặt bằng chung của toàn hệ thống là 11,95%. Tính đến ngày 31/3, theo chuẩn mực vốn Basel II, hệ số CAR của Agribank chỉ đạt 6,9%, có nguy cơ rơi về 6,1% vào năm 2021 nếu không được tiếp vốn, cách xa so với yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định. Với VietinBank, hệ số CAR vào cuối năm 2019 tính theo Thông tư 36 chỉ ở mức 9,25%, nếu tính theo Thông tư 41, con số này sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Hệ số CAR của Vietcombank và BIDV cũng đều ở mức thấp. Vì thế, trong thời gian qua, cả hai đã nỗ lực tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư và phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 nhưng cũng chưa đạt như kỳ vọng.
Một trong những ngân hàng cấp thiết nhất hiện nay trong việc tăng vốn là Agribank, bởi đây là ngân hàng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.
Chính vì vậy, sáng 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trình bày Tờ trình về việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này trước Quốc hội.
Thống đốc nêu rõ: "Nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng, giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các tổ chức tín dụng và nguy cơ hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là hiện hữu."
Cũng theo Thống đốc, trường hợp được cấp bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng trong quý 3, dư nợ tín dụng của Agribank dự kiến có thể tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng, tương ứng với tổng tài sản tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng. Theo tính toán, doanh thu và lợi nhuận năm 2020 khả năng tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng thêm 500 tỷ đồng.
Với việc được tăng thêm vốn điều lệ, năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện phát hành bổ sung trái phiếu tăng vốn (50% vốn cấp 1 tăng thêm), tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay tương ứng, doanh thu tăng thêm từ 4.500 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng. Mặt khác, việc tăng vốn cũng tạo điều kiện để Agribank hoàn thành các mục tiêu theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tạo đà để tăng trưởng và phát triển, gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và gia tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa.
Giao dịch tại Agribank. (Ảnh: CTV/Vietnam+).
Bên cạnh đó, trong khi chờ đợi được cấp vốn từ nguồn ngân sách, ba ngân hàng còn lại là VietinBank, BIDV và Vietcombank cũng đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng vốn như cơ cấu lại danh mục tài sản, kiểm soát tốc độ gia tăng tài sản có rủi ro...
Trong năm 2019, BIDV và Vietcombank đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược (đối với BIDV) và phát hành riêng lẻ (đối với Vietcombank).
Riêng VietinBank, hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước đã dưới ngưỡng tối thiểu, do đó ngân hàng này không thể thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết tính từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của ngân hàng này không được bổ sung thêm.
“Căn cứ thực tế cấp tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và áp lực vốn để đảm bảo tuân thủ quy định của Basel II, yêu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp thiết. Khác với các ngân hàng thương mại khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn như tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65% và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%,” ông Thọ chia sẻ.
Không thể trì hoãn
Trước thực tế này, Tiến sỹ Võ Trí Thành, ghành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng dù ngân sách thời điểm này không dư dả và vẫn còn khó khăn do số thu giảm nhưng đã đến lúc cần phải cân nhắc việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
“Việc cấp thêm vốn cho các ngân hàng không nên trì hoãn vì để lại năm sau rất khó do lợi nhuận ngân hàng sẽ thấp hơn so với năm trước bởi kinh doanh khó khăn, nợ xấu tăng, chưa kể phải chia sẻ giảm mạnh lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng,” ông Thành lưu ý.
Còn Tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, nếu hết quý 2, dịch bệnh chưa thể kiểm soát, ngân hàng sẽ "ngấm" khủng hoảng. Do vậy, bổ sung vốn để gối đệm chống đỡ rủi ro của ngân hàng này dày dặn hơn tránh được các tổn thương là rất cần thiết. Nếu tình trạng mỏng vốn tiếp diễn, ngân hàng rất dễ bị tổn thương và không thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch.
Ông Hiếu kiến nghị nếu các ngân hàng muốn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài thì Nhà nước phải nới lỏng quy định Nhà nước nắm giữ 65% cổ phần mà nên để ở tỷ lệ thấp hơn còn khoảng 51%, tức là Nhà nước vẫn nắm quyền kiếm soát tỷ lệ khống chế lớn, 49% còn lại để cho các cổ đông trong và ngoài nước.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, ngoài việc mời gọi các cổ đông nước ngoài thì các ngân hàng phải dùng nội lực của các cổ đông ở trong nước như phát hành trái phiếu chuyển cho các nhà đầu tư ở bên ngoài. Trái phiếu chuyển đổi ở đây nghĩa là phát hành trái phiếu có hạn là 5 năm, sau 5 năm trái phiếu đó có thể chuyển đổi thành cổ phiếu.
"Nguồn trái phiếu này có lợi cho các nhà đầu tư, trong 5 năm đó họ quan sát hoạt động của ngân hàng diễn ra như thế nào. Nếu sau 5 năm, nhà đầu tư thấy đây là ngân hàng có lợi thì nhà đầu tư sẽ chọn phương án chuyển đổi thành cổ phiếu. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn có hình thức này," ông Hiếu nhấn mạnh.