Tham dự những giải đấu tầm châu lục, thế giới là cơ hội để các vận động viên (VĐV) được học hỏi, cọ xát và tranh huy chương, tuy nhiên với môn bóng bàn lại là câu chuyện buồn khi không có kinh phí để tranh tài ở những sân chơi chất lượng như thế này.
Bỏ giải châu Á
Giải vô địch bóng bàn châu Á lần thứ 27 sẽ diễn ra tại Kazakhstan từ ngày 6 - 13/10, quy tụ gần như đầy đủ các quốc gia hàng đầu về bóng bàn ở châu lục. Giải đấu có đủ 7 nội dung thi đấu của môn bóng bàn, gồm đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam, đơn nam và đơn nữ. Một sân chơi rất đẳng cấp nhưng bóng bàn Việt Nam không cử VĐV tham dự.
“Đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ không tham dự giải vô địch bóng bàn châu Á 2024 vì không có đủ kinh phí” - ông Nguyễn Nam Hải - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nói về lý do vắng mặt của đội tuyển bóng bàn Việt Nam tại giải châu Á 2024. Cũng theo ông Hải, nếu cử 2 HLV và 6 VĐV sang Kazakhstan tham dự giải đấu thì chi phí cho cả đoàn lên tới 20.000 USD (hơn 500 triệu đồng). Đây là số tiền lớn chỉ có nhà tài trợ mới lo được, còn bộ môn không biết kiếm đâu ra khi mà ngân sách nhà nước duyệt chi cho các giải đấu đã được chốt từ đầu năm và không có kế hoạch cho giải đấu này.
Thông tin đội tuyển bóng bàn Việt Nam không tham dự giải vô địch châu Á 2024 xuất hiện từ lâu, nhưng người hâm mộ môn thể thao này vẫn cảm thấy đau xót bởi một giải đấu tầm cỡ của châu lục cũng không thể đến tranh tài, các VĐV mất đi cơ hội phát triển. Điều đáng nói, trong khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia tham dự giải đấu lần này, bao gồm cả những nước bóng bàn không phát triển như Philippines, Brunei, nhưng Việt Nam vắng mặt dù chúng ta có nhiều nhà vô địch SEA Games, vô địch khu vực.
Không tham dự giải châu Á, các VĐV sẽ thiệt đơn, thiệt kép bởi giải lần này cũng chính là vòng loại của giải vô địch bóng bàn thế giới 2025. Việc đội tuyển Việt Nam không tham dự giải đấu đồng nghĩa họ sẽ không có cơ hội tranh tài ở giải vô địch bóng bàn thế giới vào năm sau. Một HLV ở đội tuyển bóng bàn cho biết các VĐV rất khát khao được tham dự những giải đấu tầm châu lục, tuy nhiên vì khó khăn về kinh phí, suốt hơn 10 năm qua Việt Nam phải làm khán giả của giải vô địch châu Á chứ không chỉ có năm nay.
Loay hoay bài toán kinh phí
Việc thi đấu quốc tế sẽ giúp các tuyển thủ tích lũy thêm điểm trên bảng xếp hạng thế giới, qua đó thuận lợi hơn trong việc bốc thăm, chọn hạt giống ở nhiều giải mà họ tham dự. Trong bối cảnh đội tuyển bóng bàn Việt Nam không thể tham dự các giải đấu có kinh phí lớn, các VĐV buộc phải tự tìm đường để phát triển sự nghiệp thông qua các giải quốc tế có nhà tài trợ.
Đầu tháng 9/2024, tay vợt nam số 1 Việt Nam Nguyễn Anh Tú dự lượt giải WTT Contender 2024 ở Almaty (Kazakhstan) do một doanh nghiệp tư nhân tài trợ. Ngoài Nguyễn Anh Tú, một số tay vợt trẻ đang lên là Nguyễn Như Quỳnh, Đỗ Mạnh Lương cũng thi đấu 2 lượt giải chuyên nghiệp của WTT tại Thái Lan, Lào. Tuy nhiên, đây là một trong số ít giải đấu mà các VĐV được tham dự trong năm. Được biết, kinh phí cho các tay vợt tham dự các giải của WTT là do Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vận động xã hội hóa cũng như nguồn kinh phí từ đơn vị địa phương chủ quản.
Nhà quản lý và giới chuyên gia thể thao cho rằng, thi đấu quốc tế liên tục là giải pháp tốt nhất để nâng cao trình độ cho VĐV, muốn được như vậy thì phải có nguồn kinh phí để VĐV đi thi đấu quốc tế. Với thể thao Việt Nam, nguồn kinh phí ấy đến từ nhiều nguồn, như ngân sách được phân bổ cho Cục Thể dục thể thao, các đơn vị, ngành quản lý VĐV; các Liên đoàn thể thao quốc gia cũng như địa phương, các doanh nghiệp và chính gia đình VĐV.
Bóng bàn Việt Nam lâu nay chủ yếu trông vào nguồn ngân sách nhà nước và phần nào là các doanh nghiệp hỗ trợ VĐV đi thi đấu quốc tế. Nhưng, tất cả đều dừng ở mức tối thiểu, dẫn đến chuyện VĐV cả năm có khi chỉ thi đấu 1 - 2 giải quốc tế.
Tổ chức cho VĐV thi đấu quốc tế thường xuyên thực sự là bài toán khó giải với Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam các nhiệm kỳ trước, do gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa. Theo ông Nguyễn Nam Hải, dù khó nhưng vẫn phải giải bằng được bởi thực tế đã chứng minh, chỉ có tập huấn và thi đấu nước ngoài liên tục thì VĐV mới nhanh chóng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm một cách hiệu quả.
Việc tìm nguồn kinh phí cho VĐV đi thi đấu quốc tế mới chỉ là ở một số cá nhân VĐV, còn những chuyến tập huấn dài hạn, những giải đấu như vô địch châu Á cho đội tuyển, bóng bàn Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán “tiền đâu?”.