Cụm từ “bóng đá” thường khiến người ta liên tưởng ngay đến bộ môn thể thao Vua có bắt nguồn từ nước Anh. Nhưng ở Mỹ, nếu nói đến bóng đá tức là nhắc đến bộ môn mà chúng ta thường gọi là bóng bầu dục, hoặc đơn giản là “bóng đá Mỹ”. Đó là một môn thể thao nguy hiểm mà người chơi dính chấn thương và nằm liệt trong vài tuần là chuyện thường tình.
Những pha húc người nguy hiểm luôn ẩn sau rủi ro chấn thương não. (Nguồn: NFL).
Có rất nhiều môn thể thao nguy hiểm trên thế giới, nhưng nói bóng bầu dục Mỹ là một trong những môn nguy hiểm bậc nhất là không ngoa chút nào. Bất kỳ một người chơi chuyên nghiệp nào đều phải chấp nhận rủi ro về sự nghiệp bởi các chấn thương mà môn này gây ra.
Cầu thủ bóng bầu dục thường xuyên phải chơi trong tình trạng một tay gãy treo lủng lẳng trên vai, gãy ngón tay ngón chân, trật mắt cá hay vai. Chỉ một chấn thương cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt phần đời còn lại, đôi lúc một chấn thương nằm sâu trong não mà đến 15-20 năm sau mới phát tác và khiến cầu thủ liệt toàn thân hoặc có thể bị chết yểu…Đó là bóng bầu dục!
Bóng bầu dục chơi thế nào?
Bóng bầu dục là một môn thể thao thi đấu đồng đội phổ biến và được ưa chuộng bậc nhất. Bóng bầu dục Mỹ có quan hệ gần gũi với bóng bầu dục Canada nhưng có một số khác biệt về luật chơi và nhiều đặc điểm khác. Tại Mỹ, một số dạng chính của bóng bầu dục là bóng bầu dục trung học, bóng bầu dục đại học và bóng bầu dục chuyên nghiệp, về cơ bản là giống nhau nhưng khác nhau ở vài điểm trong luật chơi.
Sân chơi của môn bóng bầu dục dài 100 yards (khoảng 91 m), chia làm 20 phần mỗi phần 5 yards (4,5 m), được đánh dấu bằng 19 vạch dài màu trắng theo chiều ngang của sân. Giữa những vạch dài là bốn hàng vạch ngắn, mỗi hàng 4 vạch cách nhau 1 yard (gần 1 m). Phần cuối cùng ở mỗi cuối sân được gọi là vùng cấm địa (end-zone), có chiều dài 10 yards (9,1 m), thường thì được sọc chéo màu đỏ và được ngăn cách bởi một vạch trắng dài gọi là đường cấm địa (goal line). Cuối vùng cấm địa là vạch cuối (end line), sau đó là cột gôn (goal posts).
Cột gôn được trồng chính giữa chiều ngang của sân, cao 10 feet, trên bắc một thanh ngang dài 18 feet 6 inches, hai đầu thanh ngang là hai thanh dọc cao 30 feet. Tổng cộng, toàn sân chơi của môn football dài 120 yards (109 m) và ngang là 53 1/3 yards (48 m). Kể từ đường cấm địa, cứ mỗi 10 yards, sân sẽ được đánh dấu bằng số 10, 20, 30, 40 cho tới giữa sân là 50. Sau mức này, sân được đánh dấu ngược lại 40, 30, 20 và 10 cho đến vùng cấm địa của bên kia.
Bóng bầu dục xuất phát từ các trường trung học và đại học ở Mỹ. Trận đấu đầu tiên của bộ môn này được cho là diễn ra vào ngày 6-11-1869, giữa hai đội đại học là Rutgers và Princeton, thi đấu theo luật bóng bầu dục sơ khai tức người chơi chỉ được ném bóng chứ không được mang bóng chạy.
Đến những năm 1870, các trường đại học bắt đầu chuyển sang áp dụng luật chơi của môn Rugby, trong đó cho phép người chơi mang bóng chạy. Đến năm 1880, Walter Camp - người được coi là cha đẻ của bóng đá Mỹ - đã viết nên bộ quy luật chuẩn của bóng bầu dục hiện đại ngày nay ở Mỹ, khiến cho môn này khác biệt hẳn so với các môn tương tự trên thế giới - như Rugby ở Anh.
Lối chơi độc đáo
Một đội bóng bầu dục Mỹ có thể lên đến 40-50 người, chia làm 3 đội nhỏ gồm đội tấn công, đội phòng ngự và đội hỗn hợp hay đội đặc biệt.
7 người hàng trên gồm có người giao bóng (center) đứng giữa, hai bên là hai chàng khổng lồ tiền vệ (guard), cạnh hai tiền vệ là hai gã đảm nhiệm tấn công kiểu húc (tackle) to lớn, và ngoài cùng là hai chàng bắt bóng (wide receiver).
Thủ quân (quarterback) sẽ đứng sau lưng người giao banh. Sau lưng thủ quân là trung vệ (halfback hay running back) hoặc hậu vệ (fullback).
Hai nút chặn (tight-end) sẽ đứng phía sau giữa người bắt bóng và người húc to lớn. Mặc dù họ có thể dùng những đội hình khác nhau tuỳ hoàn cảnh, nhưng số cầu thủ của hàng trên tối thiểu phải là 5 người.
Về luật chơi cơ bản, đội tấn công có 4 lần chơi, và tìm cách để đưa bóng đi tiến về phía phần sân đội bạn được 10 yards (mỗi yard = 0,91 m). Nếu sau 4 lần chơi mà không tiến được đủ 10 yard, thì phải nhường bóng lại cho đội bạn.
Và đội bạn sẽ thay toàn bộ cầu thủ phòng thủ ra, và thay 11 cầu thủ tấn công vào, còn đội bạn làm ngược lại, thay toàn bộ 11 cầu thủ tấn công bằng 11 cầu thủ phòng thủ.
Nếu trong 4 lần chơi đấy mà tiến được 10 yard trở lên, thì sẽ được thêm 4 lần chơi nữa. Cứ như vậy, nếu đội tấn công đưa bóng được đến vạch cuối sân của đối thủ thì được 6 điểm - gọi là một quả “Touch down”.
Sau mỗi lần ghi điểm, 7 điểm (Touch down) và 3 điểm (đá vào - Field goal) thì đều phải trả bóng cho đội bạn, bằng cách đá bóng từ giữa sân về phía sân đội bạn. Và đến lượt đội bạn tấn công, còn đội mình phòng thủ. Ở Mỹ có hai giải bóng bầu dục lớn, đó là giải chuyên nghiệp NFL (National Football League) và giải nghiệp dư (College Football) của các trường đại học thi đấu với nhau.
Cực kỳ nguy hiểm
Chính vì tính chất ganh đua đến nghẹt thở do phải tranh giành từng tấc đất trên sân đấu, nên bộ môn này là rất nguy hiểm. Những tay bóng được trang bị mũ bảo hiểm kín đầu cùng áo giáp, đồ phòng hộ đủ kiểu khiến họ trông chả khác gì những chiến binh ra trận.
Môn này nguy hiểm đến nỗi ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng tỏ ý e ngại về mức độ bạo lực của nó ngay trước khi mùa giải Super Bowl năm nay diễn ra. Ông từng nói rằng nếu có con trai, ông sẽ phải suy nghĩ “rất kỹ và lâu” trước khi cho phép tham gia bộ môn thể thao được ưa chuộng nhất nước này. Ông cũng nói rằng, môn thể thao này nên…bớt bạo lực hơn.
ĐH Boston của Mỹ từng đưa ra một nghiên cứu cho thấy độ nguy hiểm cực cao của những pha húc nhau, va chạm, nhào lộn…trong bóng bầu dục. Báo cáo cho thấy, cầu thủ chuyên nghiệp thường xuyên phải chịu chấn thương đầu và chúng có thể gây nên các tổn thương kéo dài nghiêm trọng cho não bộ, hay còn gọi là chấn thương não kinh niên. Báo cáo cũng cho biết, trong số 35 cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp về hưu, thì có đến 34 người có dấu hiệu tổn thương não.
Đến nay đã có khoảng 4.000 cầu thủ đã đâm đơn kiện đến NFL do phải tiếp nhận quá nhiều chấn thương từ các trận bóng bầu dục.