Sau ba lần trì hoãn đại hội vì những lý do khác nhau, LĐBĐ Việt Nam (VFF) tiếp tục vẫn chưa thể tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022), đã ký công văn gửi đến các tổ chức thành viên VFF, thông báo gia hạn thời gian giới thiệu và đề cử nhân sự mới ứng cử vị trí chủ chốt gồm chủ tịch và phó chủ tịch.
Chiếc ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới thực sự đang rất “nóng” sau khi nhiều khả năng ứng viên nặng ký nhất, sáng giá nhất là ông Trần Quốc Tuấn sẽ không được giới thiệu ra tranh cử vị trí chủ tịch VFF.
Đấu đá thượng tầng vẫn tiếp tục
Thông tin mới nhất cho biết Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn sẽ không tranh cử vị trí Chủ tịch VFF, và một ứng viên khác là nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh Lê Quý Phượng cũng rút lui. Theo danh sách đề cử, ứng củ lúc này thì vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 8 hiện chỉ còn lại 2 ứng viên là ông Nguyễn Công Khế và Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa.
Ông Tuấn “tổng” là ứng viên nặng ký nhất cho vị trí chủ tịch VFF khi ông nhận được tín nhiệm nhiều nhất từ các đơn vị thành viên VFF. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Tuấn trở thành đối tượng bị “tấn công” nhiều nhất trước thềm đại hội 8. Nhiều thông tin đã được xác định là thất thiệt, xuyên tạc hoặc bóp méo nhưng làn sóng tổng tấn công vào ông Tuấn cuối cùng cũng khiến ông sẽ phải lui bước. Theo đó, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan trung ương đã đến Chi bộ VFF để thông báo kết luận kiểm tra đối với Chi bộ VFF - theo đó, Đảng ủy khối chỉ rõ những vi phạm của Chi bộ VFF khóa 2015-2017 và 2017-2020 là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng trong Cơ quan VFF.
Với cương vị Bí thư Chi bộ, là người đứng đầu cấp ủy nên ông Trần Quốc Tuấn phải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của Chi ủy, Chi bộ VFF. Ông Tuấn sẽ phải chịu kỷ luật cao hơn hình thức kỷ luật của Chi ủy vì để xảy ra các vi phạm của Chi ủy, Chi bộ VFF trong thời gian qua. Cả tập thể Chi ủy, Chi bộ Cơ quan VFF không sinh hoạt Chi bộ nhiều lần trong trong năm và kéo dài trong nhiều năm liền, không nộp đảng phí đầy đủ... và đã có dấu hiệu bao che, thông đồng, buông lỏng quản lý… Theo những thông tin mới nhất thì “về nguyên tắc cán bộ”, Bộ sẽ không giới thiệu ông Trần Quốc Tuấn ra tranh cử vào BCH VFF khoá 8 khi phải nhận kỷ luật liên quan đến vi phạm công tác Đảng, cho dù được các thành viên giới thiệu.
Như vậy, với những người đang đứng đầu VFF thì đa số đã đều rút lui ở các vị trí trong nhiệm kỳ tới. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sẽ không tham gia tranh cử. Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức cũng xin từ chức khi hết nhiệm kỳ VII sau thất bại tại SEA Games 29. Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ cũng từ chức, không tham gia tranh cử sau sự việc không hay ho liên quan đến đời tư cá nhân và giờ là PCT Trần Quốc Tuấn. Và khi ông Tuấn rút thì VFF nhiều khả năng sẽ có một bộ máy nhân sự mới gần như 100% ở nhiệm kỳ tới. Đây là điều khiến nhiều người lo ngại về một nhiệm kỳ sẽ không có nhiều tính kế thừa, trong khi đó thách thức đặt cho những người mới lại không hề nhỏ. VFF bị đánh và tự đánh nhau khiến cả thượng tầng tan hoang.
Bây giờ, ông Trần Quốc Tuấn là người đương nhiệm sẽ không đua vào “ghế” Chủ tịch VFF khoá VIII và dù vẫn bỏ ngỏ cơ hội tranh cử vào vị trí Phó Chủ tịch nhưng, việc xuất hiện ở nhiệm kỳ mới với tâm thế nào mới là điều đáng nói. Và liệu ông Tuấn có muốn làm việc ở VFF chỉ với danh cấp phó? VFF đang đỏ mắt tìm người tài và sàng lọc các chức danh chủ chốt cho đại hội khóa VIII. Dù đã đưa ra nhiều tiêu chí mở sau lần bỏ tiêu chuẩn phải có bằng ĐH. Tuy nhiên, do nhận thấy sự phức tạp và khó khăn trong việc tranh cử, một số người tự cảm thấy mình không đủ sức hoặc chưa có điều kiện chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam đã xin rút. Rất nhiều gương mặt mà được nhận định nếu họ đồng ý thì chức chủ tịch VFF sẽ tìm được người xứng đáng nhưng họ đều sớm lắc đầu từ chối.
Đến những dấu hiệu bất thường ở V-League
Đại hội VFF khoá VIII bị trì hoãn nhiều lần vì không tìm được người xứng đáng với trọng trách đầu tàu và cả vì “đấu đá” lẫn bê bối của lãnh đạo. Trong khi đó, các giải chuyên nghiệp trong nước loạn ở khâu tổ chức, để xảy ra các sự cố và nghi vấn tiêu cực. Bóng đá Việt Nam đang rơi vào thời kỳ loạn theo cách rất đáng sợ mà chẳng ai có trách nhiệm. Khi ở thượng tầng đang tan hoang vì đấu đá thì bên dưới các giải bóng đá chuyên nghiệp cũng loạn chưa từng thấy. Ngay đầu giải, sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi một trọng tài bị đột quỵ rồi qua đời, xuất phát từ sự vô trách nhiệm khi VFF, VPF không tiến hành kiểm tra sức khỏe trước khi kiểm tra thể lực. Và rồi trong suốt 1 tháng diễn ra World Cup 2018, khi truyền thông ít quan tâm nhất thì cũng là lúc các giải đấu xuất hiện nhiều “biến” nhất.
Trong khi người hâm mộ cả nước đắm chìm trong những trận cầu mãn nhãn tại World Cup thì V-League vẫn song song đồng hành. Và trong quãng thời gian này rất nhiệu vụ việc đáng tiếc đã xảy ra và được giải quyết như cho xong. Có thể kể tới việc CĐV Nam Định làm loạn ở sân Thiên Trường tại vòng 18 V.League. Hình ảnh người đàn ông mình trần vượt rào an ninh chạy xuống sân như chỗ không người đuổi đánh trọng tài. Nếu như CĐV, BTC sân thiếu trách nhiệm 1 thì những người có trách nhiệm lại vô trách nhiệm gấp nhiều lần. Đầu tiên là cách xử lý sự cố của ông trưởng giải với phát ngôn một cách coi thường phóng viên. Cụ thể, ông dẫn lời từ lực lượng bảo vệ để thông tin với báo chí rằng một số anh em phóng viên trẻ, cách tác nghiệp gây kích động cho khán giả, tạo điều kiện cho một vài thành phần quá kích có cơ hội để kích động thêm.
Sau đó đến việc Ban kỷ luật ra phát phạt với BTC sân Nam Định nhưng bỏ qua vụ việc phóng viên bị hành hung, coi như không có chuyện đó xảy ra. Khi trả lời thắc mắc của báo chí, Trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường còn tuyên bố một cách vô trách nhiệm rằng báo cáo của VPF gửi lên Ban kỷ luật về sự cố trên SVĐ Thiên Trường chỉ đề cập một cách chung chung, không cụ thể đến việc 2 phóng viên bị đánh khi tác nghiệp tại hiện trường. Những sự vụ làm loạn trên sân vẫn chưa dừng lại khi một số cầu thủ của CLB Bà Rịa - Vũng Tàu đã đuổi đánh trọng tài sau khi kết thúc trận đấu mà họ phải nhận thất bại trước CLB Phố Hiến 1-4 và không thể lên hạng Nhất 2019. Đây là một hành vi phi thể thao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam.
Những hình ảnh được chia sẻ khiến nhiều người sửng sốt. Bởi trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang lên chuyên nghiệp vẫn tồn tại những cầu thủ vô văn hoá, phi thể thao như vậy. Còn trong trận đấu giữa TP HCM và SHB Đà Nẵng trên sân Thống Nhất, cả lãnh đạo và ban huấn luyện đội bóng sông Hàn đã nhảy vào sân chỉ mặt, cãi vã, phản đối trọng tài khiến trận đấu gián đoạn đến 10 phút. Nhiều người nói rằng, hành vi của những lãnh đạo và cầu thủ Đà Nẵng chỉ khác sự cố của Long An ở mùa giải 2017 một cú xoay lưng chổng môn của thủ môn, giống kiểu Minh Nhựt. Không chỉ có vậy, chứng kiến cú phi thẳng 2 chân vào ngực đối phương của Sầm Ngọc Đức không khỏi khiến NHM lắc đầu ngao ngán với thói bạo lực của cầu thủ Việt. Đây không phải lần đầu tiên Ngọc Đức phạm lỗi nặng bởi chẳng ai quên ở mùa giải trước Sầm Ngọc Đức đã có pha bóng bạo lực với Nguyễn Anh Hùng và bị treo giò 8 trận và phạt 30 triệu đồng. Từ đó đến nay, Ngọc Đức tiếp tục nổi như cồn với những pha xấu chơi và tiếp tục nhận án cấm 3 trận và phạt 15 triệu đồng hồi tháng 4 vừa qua. Với lỗi tái phạm nặng nề lần này, chắc chắn Sầm Ngọc Đức sẽ lãnh án phạt cực nặng từ ban kỷ luật.
Chưa dừng lại ở đó, trong suốt 1 tháng diễn ra World Cup, số bàn thắng của các trận tăng lên bất thường. Điển hình, có 38 bàn thắng được ghi ở vòng 18 V.League 2018, tức là trung bình hơn 5 bàn thắng/trận đấu. Số bàn thắng nhiều người ví von ở “giải làng hơn cả đẳng cấp” của World Cup 2018. Nhiều người có thể giải thích bóng đá có thể xảy ra bất ngờ nhưng mặt khác CĐV có quyền nghi ngờ về Hà Nội và những đội bóng anh em.
Bóng đá nước nhà vẫn đang lâng lâng, thăng hoa sau thành công của U23 tại giải châu Á hồi đầu năm. Tuy nhiên, tới lúc này có lẽ tất cả phải đối mặt với thực tế đầy màu xám.