Trong một nhiệm kỳ VII VFF, người ta thấy sự quay ngoắt trong việc lựa chọn mô hình nền bóng đá từ Nhật sang Hàn. Thời kỳ đầu là thời kỳ mặn nồng với nền bóng đá đến từ đất nước mặt trời mọc nhưng đến giai đoạn cuối lại là cái bắt tay với xứ sở kim chi.
Tưởng như ngẫu nhiên khi gần như cùng một thời điểm bóng đá Việt Nam xuất hiện hai ông thầy Hàn Quốc. Đó là HLV Park Hang Seo ở Đội tuyển Việt Nam và HLV Chung Hae Seong của Hoàng Anh Gia Lai. Cả hai ông thầy Hàn đều là trợ lý đắc lực của HLV Hiddink, cùng đến Việt Nam sau chuyến xuất ngoại sang xứ Hàn của Bầu Đức. Nhưng nó khiến không ít người băn khoăn về mục đích thuê thầy cũng như cái bắt tay học hỏi bóng đá Hàn của cả nền bóng đá Việt khi mà bài học từ bắt tay với người Nhật vẫn còn hiện hữu.
HLV Park Hang-seo (trái) và HLV Chung Hea-seong (phải) từng là trợ lý của HLV Guus Hiddink.
Từ làn sóng Nhật hóa
Ngay từ khi bắt đầu chức chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã không ít lần hồ hởi muốn nâng tầm bóng đá Việt bằng cách bắt tay, hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật. Hiện thực hóa cho việc đó chính bằng việc VFF ký hợp đồng với HLV Miura. Theo quan điểm của lãnh đạo VFF hồi đầu nhiệm kỳ VII, Nhật Bản và Việt Nam cùng ở Châu Á, có nền văn hoá khá giống nhau nên có thể hoà nhập. Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã không ít lần cho rằng sự ưu việt và sức mạnh của người Nhật là ở tính kỷ luật, hệ thống, thận trọng nhưng chắc chắn, họ không tiến hành vội vàng nhưng đến một lúc nào đó, lượng sẽ đổi thành chất trên một nền tảng rất vững chắc. Ngoài HLV Miura, hàng loạt những người Nhật khác cũng được đón chào đến với bóng đá Việt. Những người như HLV Norimatsu Takashi giữ vai trò HLV trưởng tuyển nữ. Chuyên gia Tanaka Koji cũng sang làm Trưởng BTC V.League 2014. Đó là thời điểm mà người Nhật đến Việt Nam và xâm nhập vào đời sống bóng đá khiến cho những người quan sát có cảm tưởng rằng chúng ta đang Nhật hoá thật. Thế nhưng, khoảng thời gian “êm ấm” đó không kéo dài và tất cả những chuyên gia đến từ Nhật Bản đều lặng lẽ rời công việc của mình theo những cách khác nhau.
Dưới thời HLV Toshiya Miura, dù đem lại những thành tích khả quan hơn so với những thất bại chìm sâu trước đó ở các cấp độ đội tuyển nhưng cuối cùng ông cũng phải rời ghế thuyền trưởng bóng đá Việt. Nguyên nhân chính khiến ông không còn được trọng dụng được chỉ ra chính là vì đã không coi trọng, sử dụng lứa cầu thủ trẻ đến từ CLB HAGL của bầu Đức.
Với tư tưởng cầm quân kiểu Đức đầy thực dụng, ông Miura không ưa mẫu cầu thủ kĩ thuật, mà chỉ ưa mẫu cầu thủ sức mạnh và thế là những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... chỉ là những chọn lựa thứ yếu của ông. Thất bại của những người Nhật ở Việt Nam không chỉ đơn thuần nằm ở khía cạnh chuyên môn mà còn là sự va vấp về văn hoá. HLV Miura là một bài học nhắc nhở cho phong cách làm việc và hoà nhập của VFF. Một người Nhật với phong cách Đức đến từ nền văn hoá có tính kỷ luật cao, nền nếp đã không thể hoà nhập được với nền văn hoá vốn quen với chủ nghĩa “tình cảm” và có thể nói là cả sự ngẫu hứng.
Chiến lược hợp tác với Nhật Bản dần vỡ cùng đồng thời với việc Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng rút lui vào hậu trường vì lý do sức khoẻ. VFF lúc này chủ yếu do cấp phó điều hành và từ đây người ta cũng dần thấy rõ hơn vai trò chuyển hướng. Sau khi đưa HLV Hữu Thắng lên thay Miura, Ban Chấp hành VFF cũng đã định hướng cho VFF tính hướng nội nhiều hơn chứ không có con đường rõ rệt cụ thể. Tuy nhiên, dù trọng dụng lứa cầu thủ của HAGL nhưng ông thầy nội cũng phải ngậm ngùi rời ghế nóng đội tuyển khi không đạt được những thành tích như kỳ vọng.
Đến kỳ vọng từ xứ Kim chi
Bây giờ, VFF lựa chọn HLV Park Hang-seo làm HLV trưởng ĐTQG trong bối cảnh Đại hội nhiệm kỳ VIII đang chuẩn bị diễn ra. Gần như ngay sau đó, một ông thầy người Hàn cũng được bầu Đức mời về nắm chức GĐKT cho HAGL.
Thực tế, việc chọn một HLV người Hàn Quốc không khiến dư luận bất ngờ. Bởi lẽ, sau giai đoạn thoái trào trong kế hoạch hợp tác với bóng đá Nhật Bản, bóng đá Việt Nam lại có sự chuyển hướng dần dần sang bắt tay với người Hàn Quốc. Chuyến “du học” Hàn Quốc để tham quan, học tập mô hình của K.League (giải nhà nghề Hàn Quốc) đã được tổ chức. Đó là chuyến đi được đặt nhiều câu hỏi cho định hướng liên kết với Hàn Quốc trong việc phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai.
VFF cũng đã mở cửa bắt tay với bóng đá Hàn Quốc thông qua các sự kiện quốc tế. Bằng “cái duyên” trong quan hệ quốc tế của mình, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đã có những mối quan hệ rất tốt với Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc. Chính điều đó đã tạo ra những sự hợp tác quan trọng. Trong các chuyến tập huấn của ĐT U.22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 29 tại Hàn Quốc cũng được đài thọ. Hay như chiến dịch dự VCK U.20 Thế giới của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cũng nhận được sự giúp đỡ tích cực.
Đến lúc này, VFF đã tiến hành ký hợp đồng HLV trưởng các ĐTQG với ông Park Hang-seo, người Hàn Quốc. Đến từ nền bóng đá phát triển bậc nhất châu Á, ông Park, năm nay 58 tuổi, được chờ đợi sẽ giúp bóng đá Việt Nam được “nâng tầm”, với đích ngắm cụ thể là VCK Asian Cup 2019 và Olympic Tokyo 2020. Khi danh tính HLV Park Hang-seo được công bố sẽ dẫn dắt ĐT Việt Nam, có thông tin bên lề cho rằng, chính Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc đã giới thiệu cho VFF. Đây là điều không có gì ngạc nhiên với mối quan hệ giữa hai bên hiện nay. Và lý lịch trích ngang của HLV Park Hang-seo đến thời điểm này phần nào cũng đã khiến giới chuyên môn tạm hài lòng. Hợp đồng của ông Park với bóng đá Việt Nam kéo dài 2 năm 2 tháng, nghĩa là đúng vào khi AFF Cup và SEA Games kết thúc. Và như thế, cũng sẽ giống Toshiya Miura, nếu không thể đoạt được mục tiêu chung kết ở ít nhất một trong hai giải đấu này, ông Park khó có thể giữ yên vị trí của mình. Bởi vậy, nhìn từ HLV Miura, liệu ông Park Hang-seo và VFF có rút ra được bài học gì? Chắc chắn một người Hàn Quốc đến Việt Nam cũng sẽ mang theo những triết lý bóng đá và cả thứ văn hoá kỷ cương vốn có của đất nước mình. Và điều sẽ quyết định sự thành bại của mối “lương duyên” này chính là sự hoà nhập với môi trường bóng đá Việt Nam và ngược lại.
Cùng với ông Park Hang-seo thì một trợ lý khác của HLV Hiddink là Chung Hae Seong cũng lập tức sang Việt Nam làm GĐKT cho HAGL. Ông Chung Hae Seong tới HA Gia Lai với vai trò của một GĐKT nhưng thực chất là người chịu trách nhiệm toàn bộ về chuyên môn cũng như chiến lược của đội bóng phố núi. Là bạn thân của nhau và cũng có nhiều thành tích nổi bật trong quá khứ và hiện tại, dĩ nhiên 2 ông thầy người Hàn Quốc này đang rất được kỳ vọng.
Điều đáng lưu ý, cả hai ông thầy người Hàn đến với bóng đá Việt đều được chọn lựa bởi một người: Phó chủ tịch tài chính VFF (đã xin từ chức nhưng chưa được tập thể thông qua), Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức. Chính bởi vậy, nhiều người đang chờ xem việc là bạn thân của nhau sẽ khiến 2 ông thày đến từ Hàn Quốc sẽ làm gì để phát huy những tài năng của lò bầu Đức? Câu chuyện bóng đá Việt quay phắt từ hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật sang việc lựa chọn thầy Hàn đang và sẽ là chủ đề mà chắc chắn sẽ khiến tốn nhiều tranh cãi trong thời gian tới.
Riêng với những người am hiểu bóng đá Việt Nam thì việc thầy Hàn hay bất cứ ai khác gắn bó với VFF cũng để lại nhiều dấu hỏi. Đã qua 9 đời thầy ngoại từ Tavares (Brazil), Weigang (Đức), Murphy (Anh), Riedl (Áo), Calisto (Bồ Đào Nha), Dido (Brazil), Letard (Pháp), Goetz (Đức), Miura (Nhật), chưa có nhà chuyên môn nào của VFF xác định rõ lối chơi nào là phù hợp với cầu thủ; kiểu chơi nào thích hợp với bóng đá Việt và năng lực của HLV có bảo đảm thay đổi sự yếu kém của cả một nền bóng đá? Trải qua cả chục đời HLV ngoại với đủ các trường phái từ Brazil, Châu Âu tới châu Á nhưng bóng đá Việt Nam hiện vẫn loay hoay với những mục tiêu nơi “vùng trũng” Đông Nam Á và tỏ rõ sự bất lực với những mục tiêu vươn tầm châu lục.
Chỉ tìm cách thay đổi ở thầy ngoại liên tục đã khiến nhiều người cho rằng những người làm bóng đá Việt Nam lại tiếp tục sa đà vào việc chạy theo phần ngọn, chạy theo thành tích mà quên mất phải giải quyết phần gốc triệt để. VFF đã đặt mọi chuyện đã rồi với canh bạc thầy “Seo” cùng sự giúp sức của người đồng hương Chung Hae Seong tại HAGL với sứ mệnh giải cứu bóng đá Việt. Nếu họ vực lại được đội bóng phố Núi và thay đổi hình ảnh đội tuyển quốc gia, cũng có thể được xem là những cuộc cách mạng của hai ông thầy người Hàn Quốc. Tuy nhiên, giấc mơ Hàn của bóng đá Việt có thành công hay không? vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Hy vọng, bóng đá Việt sẽ không phải nhận thêm những bi kịch.