Bóng đá Việt Nam đang vui mừng khi các trận đấu được tiếp tục thì mới đây lại phải tạm hoãn các giải đấu bởi dịch Covid-19.
Với những diễn biến mới từ dịch Covid-19, hôm qua 2/8, VFF quyết định toàn bộ các hoạt động bóng đá ở Việt Nam (bao gồm cả chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp) đều sẽ bị tạm hoãn. Theo đó, từ ngày 2/8, mọi hoạt động bóng đá cấp quốc gia ở Việt Nam sẽ tạm dừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
VFF đã ra thông báo về việc sẽ tạm dừng 3 giải bóng đá gồm hạng Nhì Quốc gia, vòng loại lượt về giải U15 Quốc gia và giải U16 nữ quốc gia. VFF cho biết, kế hoạch tổ chức trở lại sẽ được thông báo sau.
Ở cấp độ tuyển, với khả năng hoãn AFF Cup 2020 lẫn vòng loại World Cup 2022, kế hoạch của đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ phải thay đổi. Từ đầu năm đến nay, đội tuyển Việt Nam chưa có cuộc tập trung nào.
Theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 8 này, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ có đợt tập trung đầu tiên nhưng do dịch bệnh Covid-19 đã lan ra những thành phố lớn, nên nhiều khả năng kế hoạch tập trung của đội tuyển Việt Nam trong tháng 8 tới sẽ không thể thực hiện được.
Trước đó, nhằm giúp HLV Park Hang Seo có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự cho 3 trận đấu còn lại ở vòng loại bảng G khu vực châu Á – World Cup 2022, VFF dự tính sẽ cho đội tuyển Việt Nam tập trung.
Điều này đã được Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ trong buổi gặp gỡ truyền thông vừa qua và ông cũng tiết lộ ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam sẽ có đợt tập trung từ ngày 10 đến 16/8. Tuy nhiên, trước những diến biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những ngày qua, VFF đang cân nhắc sẽ huỷ đợt tập trung.
“HLV Park Hang Seo muốn tranh thủ lúc V.League tạm nghỉ để tập trung đội tuyển từ ngày 10 đến 16/8. Tuy nhiên, phương án này nhiều khả năng bị huỷ vì sự bùng phát của dịch Covid-19”- một lãnh đạo VFF chia sẻ.
Khó khăn từ thời điểm này sẽ càng chồng chất với nỗi lo tương tự lần trước khi nhiều CLB không hoạt động vẫn phải trả lương cho cầu thủ, đặc biệt là mức chi phí cho ngoại binh rất cao.
Ngoài những đội bóng có ông chủ lớn, giàu tiềm lực như Hà Nội, HAGL, TP HCM hay Sài Gòn cho dù không thi đấu vẫn có thể trả lương hoặc giảm lương theo thỏa thuận với cầu thủ thì phần đông các CLB khác sẽ lập tức gặp khó khăn do có nguồn ngân sách hạn hẹp và sống nhờ vào sự hào phóng của các doanh nghiệp…