Bóng mát nơi miền Tây xứ Thanh

Nguyễn Chung 19/07/2015 10:00

Miền Tây của xứ Thanh cao và xa! Ở nơi ấy có những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số đan xen sinh sống. Ở đó còn có những vị cao niên, uy tín trong cộng đồng, họ như những cây đại thụ giữa đại ngàn tỏa bóng, góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp giữ gìn an ninh, chủ quyền nơi miền biên ải của Tổ quốc.

Ông Lê Hồng Sơn - trưởng bản Khằm, bên bộ loa đài đã giúp ông tuyên truyền đến bà con dân bản đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong suốt 20 năm qua.

“Vì mình là trưởng bản!”

Tôi ngược ngàn tìm ông đúng buổi chính Hạ. Nắng như dát vàng tất thảy, từ lòng con sông Lò đến những đỉnh núi mờ xa. Ông là Lê Hồng Sơn ở bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Thật không may, buổi sáng hôm ấy ông đi vắng. Nghe có tiếng khách dưới chân cầu thang, bà Ngân vợ ông – một người phụ nữ Thái hiền lành, vừa lom khom đi xuống đe con chó nhỏ đang sủa nhắng nhít dưới sàn, vừa niềm nở mời khách lên nhà chơi, dẫu bà chưa biết chúng tôi là ai.

Hơn 20 năm ông nhà làm trưởng bản, có lẽ bà đã quá quen với điều này. Tôi đưa mắt quanh mấy gian nhà khá sạch sẽ, thanh đạm. Tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài bộ âm ly và mấy chiếc loa phóng thanh cỡ lớn được lau chùi và bảo quản khá cẩn thận. Trên vách, những giấy khen, bằng khen được ông treo ngay ngắn, trang trọng – thành tích của những năm ông làm trưởng bản.

Thời gian áng chừng chỉ uống xong chén chè xanh đã nghe tiếng ông về đầu ngõ. Thấy có khách lạ ngồi chờ, ông niềm nở bắt chặt tay từng người rồi nói như thanh minh: “Ồ sáng nay mình phải qua nhà mấy đứa cháu trong bản gặp khó khăn, động viên chúng nó vài điều!”.

Qua lời giải thích của anh công an xã, tôi mới hay, mấy “đứa cháu khó khăn” mà ông nói đều là các đối tượng nghiện hút, bằng sự nỗ lực của bản thân, cộng với sự quan tâm, động viên của ông đang dần đoạn tuyệt với ma túy. Mà cũng lạ, suốt câu chuyện với chúng tôi, chưa một lần ông gọi họ là con nghiện, là đối tượng, mà chỉ gọi trìu mến là “cháu”. Có lẽ với ông, họ đều đáng thương, đáng phải bảo ban như con, cháu trong gia đình. Việc họ trót sảy chân, lầm lạc có một phần lỗi ở ông, nên ông đau đáu cũng là điều dễ hiểu.

Bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa.

Hơn 20 năm ông được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản, là người đã chứng kiến bao dâu bể đổi thay mà cái bản chỉ “lớn hơn lòng bàn tay” này phải hứng chịu. Vừa chiêu ngụm nước, ông vừa hướng đôi mắt vào mông lung kể: Dạo được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản là lúc quê ông còn nghèo nhưng bình yên lắm! đám thanh niên lo chí thú làm ăn, mọi cuộc mưu sinh đều gắn liền với núi rừng và chìm nổi cùng những bè nứa, luồng xuôi sông Lò ngầu đỏ.

Thế rồi vào khoảng những năm đầu thế kỷ 21, “bão trắng” – cơn bão ma túy tàn khốc bắt đầu quét qua đây. Hầu hết số thanh niên là lao động trên sông đều dính vào “ả phù dung trắng”. Ma túy như những con quỷ vô hình, vắt rỗng kiệt sức của những anh thợ sơn chàng vạm vỡ nhất bản, làm xác xơ những mái nhà vốn dĩ đã tiêu điều vì nghèo khó. Có thời điểm, phân nửa số trai tráng trong bản nghiện ma túy. Điều gì đến rồi tất cũng phải đến, cứ khoảng 2 -3 ngày, ông và người dân trong bản lại phải chứng kiến một người chết vì ma túy, nạn trộm cắp trong bản đã bắt đầu xuất hiện… bản Khằm trở thành điểm nóng tội phạm về ma túy của huyện miền núi Quan Hóa.

“Đau lắm chứ! Chúng nó đang như những thân gỗ tốt giữa rừng bỗng nhiên phải gục chết vì sâu mọt. Có cái chết là hết, nhưng những cái chết của chúng còn để lại hậu quả không thể đếm đong. Ở đó là cái nghèo kiệt hiện hữu trong từng gia đình, là những đứa trẻ mất cha, những người vợ bị lây nhiễm HIV không còn hi vọng, niềm tin vào cuộc sống!” – dẫu cơn bão trắng đã đi qua gần một thập kỷ nhưng ông Sơn vẫn không dấu được nỗi đau đớn, xót xa của mình khi gợi lại chuyện xưa.

Việc phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã góp phần giữ gìn ANTT trên tuyến biên giới.

Trước tình hình ấy, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền và lực lượng công an huyện, ông bắt tay vào hành động. Đầu tiên, bằng uy tín, sự chân thành của mình, ông đã đến từng gia đình có người nghiện tuyên truyền về những tác hại của ma túy, vận động các dòng họ giáo dục thêm con em của mình, động viên, hỗ trợ người nghiện đi cai nghiện, tự cai nghiện.

Trong số những “đứa cháu khó khăn” mà ông nói đến, có lẽ Hà Văn Huy là người ở gần với ông nhất. Cái gần ở đây không chỉ là khoảng cách địa lý từ nhà ông Sơn đến nhà Huy có vài trăm mét, mà còn gần theo nghĩa tình người. Vốn thất học, Huy đã sớm lập gia đình và trở thành một lái bè trên sông Lò. Cuộc mưu sinh tuy đầy cực nhọc, hiểm nguy nhưng cũng đủ để Huy nuôi cô vợ tàn tật và đứa con dại.

Nếu cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua thì không có gì đáng để nói, điều khốn khổ nhất là Huy không thoát khỏi sự tàn phá của “cơn bão trắng”. Nghiện ngập đã đẩy tình cảnh của gia đình vốn đã khó khăn của Huy vào cơn túng quẫn, không lối thoát… Ngày Huy lên cơn vật vã vì đói thuốc, ông Sơn có mặt. Ông vỗ về, động viên, ông phân tích điều hay lẽ thiệt. Vợ con Huy không có cái ăn, ông vận động bà con trong bản góp gạo cứu trợ. Trong cơn đói thuốc Huy không dám hứa nhưng sâu trong đôi mắt bàng bạc đã ánh lên sự quyết tâm… cứ thế cho đến nay, Huy đã đoạn tuyệt được với ma túy.

“Trước những đối tượng là con nghiện đã bị nhiễm HIV, bác có sợ mình cũng sẽ bị lây nhiễm khi tiếp xúc, hoặc giả sẽ bị chửi bới, hành hung khi thường xuyên đến từng nhà để vận động họ cai nghiện?!” – tôi hỏi ông. “Sao lại phải sợ khi chúng nó như con, như cháu của mình! Thêm vào đấy, mình được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản mà, phải có trách nhiệm với dân bản chứ! Điều đầu tiên mình nghĩ, để chúng có thể cắt cơn, đoạn tuyệt với ma túy thì ngoài các biện pháp tác động bằng dược lý, điều tối quan trọng vẫn là sự động viên, sát sao của người thân và cộng đồng. Chúng chỉ đi lầm đường do không hiểu biết thôi mà, tại sao mình không giúp đỡ nó mà lại phải sợ, phải kỳ thị!” – ông Sơn chia sẻ.

“Đau lắm chứ! Chúng nó đang như những thân gỗ tốt giữa rừng bỗng nhiên phải gục chết vì sâu mọt. Có cái chết là hết, nhưng những cái chết của chúng còn để lại hậu quả không thể đếm đong” – Hơn 20 năm được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản ông Lê Hồng Sơn là người đã chứng kiến bao dâu bể đổi thay ở cái bản này. Rồi bằng uy tín, sự chân thành của mình ông đã giúp cảm hóa, hồi sinh cho rất nhiều người…

Để những cây đại thụ tỏa bóng

Nói về việc phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số, Thiếu tá Lê Viết Thuận - Trưởng công an huyện Quan Hóa cho biết: Thanh Hóa hiện có 1982 người được công nhận là người có úy tín và hưởng chính sách của Nhà nước. Trong đó, dân tộc Mường có 968 người, dân tộc Thái có 794 người, dân tộc Mông có 78 người, dân tộc Dao có 22 người, dân tộc Tày có 48 người, dân tộc Khơ Mú có 3 người, dân tộc Kinh có 69 người. Thành phần người uy tín đa dạng, nhiều lứa tuổi trình độ khác nhau, như: Cán bộ tri thức nghỉ hưu 257 người, chức sắc chức việc trong các tôn giáo 6 người, trưởng thôn (bản) già làng 366 người, thành phần xã hội khác là 1341 người.

Nhận thức đúng vai trò của người có uy tín, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ và chăm lo củng cố vị thế của họ trong vùng đồng bào dân tộc nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp xã hội trong công cuộc bảo vệ An ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó, việc phát huy vai trò người uy tín trong công tác đảm bảo ANTT trên tuyến biên giới Việt - Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo điều kiện cho việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.

Đồng thời, phát huy vai trò của người có uy tín trong việc hướng lái các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động “tài trợ, từ thiện” để kết hợp tuyên truyền, phát triển tôn giáo trái pháp luật, mê tín dị đoan; vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, bảo vệ cột mốc biên giới; hỗ trợ, vận động nhân dân tham gia các mô hình tự quản về TTXH trên địa bàn, cung cấp hàng nghìn thông tin có giá trị liên quan đến An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cho cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn kịp thời.

Trước khi chia tay chúng tôi, Thiếu tá Lê Viết Thuận còn ví von khá văn vẻ: “Chúng tôi quan niệm, người uy tín trong cộng đồng bà con dân bản như những cây đại thụ giữa đại ngàn tỏa bóng. Họ đã góp một phần không nhỏ công sức của mình vào sự nghiệp giữ gìn an ninh, chủ quyền nơi miền biên ải của Tổ quốc!”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng mát nơi miền Tây xứ Thanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO