Vấn đề tăng lương, phụ cấp của giáo viên trong khi vẫn chưa có nhiều thay đổi thì câu chuyện về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông tiếp tục nhận được sự quan tâm.
Mong muốn xét thăng hạng dựa trên những đóng góp thực chất
Cô giáo Trương Tuyết Hạnh (Hà Nội) cho biết, cô được tuyển dụng biên chế chính thức làm giáo viên mầm non từ ngày 1/8/2016. Mặc dù có bằng cao đẳng nhưng vẫn được xếp lương trung cấp theo quy định tại Thông tư 20-23/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo(GDĐT). Sau đó cô Hạnh đã học tiếp lên bậc đại học và tốt nghiệp vào thời điểm năm 2021. Tuy nhiên, đến nay cô Hạnh vẫn chưa thể chuyển xếp lương mới nên mức thu nhập thấp so với nhiều đồng nghiệp được tuyển mới sau thời điểm ngày 20/3/2021 (thời điểm chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ GDĐT có hiệu lực) dù cùng có bằng đại học như nhau.
Một thực tế khác đó là những bất cập nảy sinh khi chuyển hạng chức danh nghề nghiệp ở nhiều địa phương. Vừa qua, gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn bỏ việc phải dự thi mới được xét thăng hạng, tăng lương.
Bộ GDĐT sau đó đã có giải đáp về vấn đề này. Theo đó, việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Bộ GDĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng. Tuy nhiên, đại diện Bộ khẳng định “đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ”.
Hiện nhiều tỉnh, thành như Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở các trường THCS từ mấy năm trước đã được xét thăng hạng mà không phải thi.
Việc mỗi nơi áp dụng một cách khác nhau theo nhiều chuyên gia là chưa tạo sự công bằng, thống nhất, chưa tạo điều kiện để giáo viên yên tâm phấn đấu. Trong hơn 6.000 ý kiến gửi đến Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trong dịp gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên ngày 15/8 vừa qua, có gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc chuyển ngạch giáo viên thực hiện chậm, chưa cập nhật đầy đủ mã ngạch theo quy định, bất cập trong việc xếp lương sau khi hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo… Việc này gây thiệt thòi và ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên. Các ý kiến đều bày tỏ mong được quan tâm giải quyết để giáo viên yên tâm công tác.
Trả lương theo vị trí việc làm
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Như vậy, khi nghị định được thông qua, viên chức sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Đón nhận thông tin này, cô giáo Nguyễn Mỹ Lan (Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ niềm vui vì đối với giáo viên thế hệ đầu 7X như cô, việc thi để thăng hạng sẽ gây nhiều bất lợi do trình độ ngoại ngữ đã mai một nhiều do ít sử dụng. Trong khi đó, cô Lan nhiều năm là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp trường, là tổ trưởng tổ chuyên môn 8 năm nay, năng lực đã được khẳng định.
“Nếu phải ôn tập và dự thi sẽ mất không ít thời gian trong khi lại không có nhiều giá trị sát với chuyên môn giảng dạy, đổi mới mà ngành giáo dục đang triển khai những năm qua. Nếu bỏ thi chuyển sang xét tuyển, giáo viên sẽ có nhiều thời gian hơn, yên tâm hơn để bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chương trình mới, phục vụ cho việc dạy và học đạt hiệu quả tốt nhất” – cô Lan tâm tư.
Trước đó, tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu bỏ thi thăng hạng. Trước mắt là thực hiện xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, theo điều kiện để khắc phục các bất cập và hướng tới sẽ bỏ thi thăng hạng, xét thăng hạng mà thay vào đó là trả lương theo vị trí việc làm.
Thời điểm này, Bộ GDĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rà soát và thay đổi nhiều quy định bất cập được giáo viên và cả xã hội hoan nghênh như quy định mỗi giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ hình thức xét tuyển là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
“Giảm áp lực thi cử cho giáo viên nói riêng và viên chức nói chung là cần thiết nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, khách quan, minh bạc khi xét thăng hạng để tránh việc xét dựa trên cảm tính, thiếu công bằng. Thực tế cho thấy, kể cả khi có quy định rồi nhưng trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp để thực sự đúng người, đúng đối tượng” – GS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nêu quan điểm.