Khi chỉ còn chưa đầy 75 ngày là nước Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tờ Sunday Times của Anh hôm 19/8 đã đăng một bản báo cáo của Chính phủ bị rò rỉ tiết lộ về những hiệu ứng tiêu cực mà Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra cho nước Anh.
Ảnh minh họa.
Lộ tài liệu mật
Theo bản báo cáo mà Văn phòng nội các thực hiện có mật danh “Chiến dịch Yellowhammer”, Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men nếu rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp.
Tài liệu này còn dự báo về sự ra đời của đường biên giới cứng ở Ireland, hiện đang là vấn đề khúc mắc trong các vòng đàm phán Brexit, gây gián đoạn hoạt động tại các cảng của UK và tình trạng này có thể kéo dài tới 3 tháng. Các nguồn cung dược phẩm từ châu Âu sẽ “dễ bị gián đoạn”, trong khi sự sẵn có của các loại thực phẩm tươi sống sẽ giảm, đẩy giá cả lương thực lên cao - theo Sunday Times.
Tờ báo thêm rằng, người dân và doanh nghiệp Anh phần lớn là chưa chuẩn bị cho viễn cảnh Brexit không thỏa thuận và rằng “sự mệt mỏi” mà Brexit gây ra đã làm chậm quá trình hoạch định.
“Đây không phải “Dự án sợ hãi” - đây là những đánh giá thực tế về thứ mà người dân sẽ phải đối diện khi không đạt thỏa thuận” - một nguồn tin Chính phủ Anh nói với Sunday Times - “Về căn bản thì đây sẽ là viễn cảnh hợp lý - chứ không phải viễn cảnh tồi tệ nhất”.
Tuy nhiên, ông Michael Gove - Bộ trưởng phụ trách hoạch định cho trường hợp Brexit không thỏa thuận - viết trên Twitter rằng chiến dịch Yellowhammer thực chất là “viễn cảnh xấu nhất” và thêm rằng họ đang có “nhiều hành động trong suốt 3 tuần qua” để đẩy nhanh việc lên kế hoạch.
Một phát ngôn viên của Chính phủ Anh nói rằng: “Chúng tôi sẽ không bình luận về các tài liệu bị rò rỉ”.
Nhiều người tranh luận về độ chính xác của bài viết trên. Chính phủ Gibraltar - phần lãnh thổ của Anh nằm ở vùng bờ biển phía Nam của Tây Ban Nha - thì cho hay văn bản trên đã “cũ” và dựa trên kế hoạch của chính phủ Anh trong “trường hợp tồi tệ nhất”, và giờ đã “được giải quyết”.
Không có đường lui
Anh đáng lẽ ra đã rời khỏi EU từ ngày 29/3 năm nay. Nhưng sau đó Anh và EU đạt thỏa thuận kéo dài thời hạn chót đến ngày 31/10, sau khi kế hoạch Brexit không được Quốc hội Anh thông qua. Thế bế tắc ở Westminster cuối cùng đã khiến Thủ tướng Theresa May từ chức, dọn đường cho ông Boris Johnson lên nắm quyền. Ông Johnson tuyên bố sẽ rời khỏi EU vào đúng hạn chót ngày 31/10 tới - dù không có thỏa thuận.
Trong tuần này, ông Johnson sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh, tới Berlin và Paris, nơi mà giới chuyên gia cho rằng ông sẽ đề xuất đưa ra thỏa thuận Brexit mới để thay thế cho thỏa thuận mà bà May từng đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Ông Johnson sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay trước kỳ thượng đỉnh G7 tổ chức tại Biarritz, Pháp tuần tới. Tuy nhiên, đạt được bước đột phá về Brexit hiện nay là điều khó xảy ra. EU từng liên tiếp khẳng định rằng họ sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit.
Tài liệu bị rò rỉ xuất hiện giữa lúc mà chính phủ Anh hủy bỏ Đạo luật Brussels 1972 - chấm dứt áp dụng các quy định của EU ở UK. Việc hủy bỏ đạo luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 31/10, khi UK chính thức rời khỏi EU.
“Đây là một tín hiệu rõ ràng gửi đến người dân đất nước này rằng sẽ không còn đường lui - chúng ta đang rời khỏi EU như đã cam kết vào ngày 31/10, dù trong tình trạng như thế nào” - Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit Steve Barclay nói trong một tuyên bố.
* Nước Anh đáng lẽ ra đã rời khỏi EU từ ngày 29/3 năm nay. Nhưng sau đó Anh và EU đạt thỏa thuận kéo dài thời hạn chót đến ngày 31/10. Nhưng thế bế tắc cuối cùng đã khiến Thủ tướng Theresa May từ chức, dọn đường cho tân lãnh đạo Boris Johnson lên nắm quyền. Ông Johnson tuyên bố sẽ rời khỏi EU vào đúng hạn chót ngày 31/10 tới, dù không có thỏa thuận.