Trời se lạnh, sương bảng lảng như vô tình gieo vào lòng người nỗi buồn man mác, vu vơ. Chỉ một chút nữa thôi, khi chạng vạng tối, ánh mặt trời tắt hẳn, sương phủ dày hơn, cái lạnh chỉ khẽ chạm vào da thịt cũng đủ đánh thức nỗi da diết nhớ quê hương, nhớ bữa cơm chiều... của người con xa xứ.
Đón tôi ở đầu ngõ, mẹ vẫn làm cho tôi có cảm giác bé lại mỗi lần trở về. Mái tóc mẹ đã bạc, thưa, bờ vai gầy, lưng hơi chùng, bàn tay nhăn nheo, có nhiều vết đồi mồi, bước chân chậm chạp nhưng ánh mắt còn tinh anh, giọng nói nhỏ, nhẹ mà ấm áp đến lạ.
Bỏ chiếc ba lô vào nhà, tôi ra ngoài chái, nghe mùi thức ăn mẹ nấu mà thấy thân thương, thấy mình như đang được trở về với tuổi thơ, ngày còn bé “chạm vai gầy áo mẹ”. Trời tối nhẹm. Rặng tre đầu ngõ chỉ còn nghe tiếng rì rào. Một vài cánh chim kiếm ăn muộn mải miết bay về tổ. Đom đóm lập lòe trong tán lá...
Mẹ tôi vẫn vậy, không “chịu” thay hàng rào quanh nhà bằng tường gạch mà giữ nguyên dậu râm bụt, rặng ruối cổ được cắt tỉa gọn gàng, chiếc bể chứa nước mưa có mái vòm cong cong từ thời ông bà nội để lại.
Nấu ăn, mẹ tôi vẫn dùng rơm rạ, lá cây, cành khô gom từ vườn nhà... Dù anh em tôi đã “trang bị” cho bố mẹ bếp từ, nồi cơm điện... nhưng mẹ tôi bảo “Hình như mẹ lạc hậu, không quen với cuộc sống hiện đại”.
Trên nhà, bố tôi vừa nhâm nhi chén trà, vừa nghe hát chèo qua một chiếc radio cũ. Trong bếp, mẹ tôi lụi cụi với củi, lửa... Mùi khói bếp thơm nồng, là là trên mái rạ, quẩn quanh trên ngọn cây mít. Mùi cơm gạo mới thoang thoảng. Tôi đứng giữa cái sân gạch rộng, vừa hít hà mùi của hương hoa đồng nội, nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả, vừa hồi tưởng đến những ngày cùng cả nhà trục lúa dưới đêm trăng. Không gian trong trẻo, mộc mạc đong đầy kỷ niệm.
Tôi trải chiếu ra trước hiên nhà. Chiếc chiếu cũ nhuốm màu thời gian có in hình đôi chim bồ câu - biểu tượng của hạnh phúc. Bố tôi cầm chén rượu thuốc nhỏ, cười hiền từ “xem nay bà đãi con gái bà món gì”. Hơn 40 tuổi, được ngồi khoanh chân bên gia đình vào bữa cơm chiều khiến lòng tôi chộn rộn.
Chiếc lồng bàn mở ra. Chao ôi là kỷ niệm. Bát canh cua đồng mẹ nấu rau tập tàng nóng hổi, đĩa cá diếc kho tương kèm khế chua dân dã, đậm đà, dậy mùi thơm nức, vài quả cà pháo muối xổi... cũng đủ gây thương nhớ, làm ngẩn ngơ nỗi lòng của những đứa con xa nhà.
Mẹ tôi mở nồi cơm, hớt phần cơm bên trên dính ít tro bếp, lấy miếng đầu cá dằm cho mèo. Chú mèo mướp già dễ cũng gần 10 tuổi, đang nằm ấm trong bếp, nghe tiếng mẹ tôi thì chạy lại dụi đầu vào chân mẹ làm nũng.
Mẹ gắp cho tôi con cá đầy trứng, giục tôi ăn nhiều. Bố tôi vừa nhấp ngụm rượu, vừa gật gù khen cơm mẹ nấu. Bố nguyên là giáo viên dạy văn ở trường chuyên của huyện, ngày trẻ công tác cách xa nhà gần trăm cây số, tháng chỉ đôi ba lần ăn cơm nhà rồi lại đi. Mọi lo toan, bộn bề cuộc sống dường như đều nhờ vào đôi bàn tay chu toàn của mẹ.
Có lẽ mà vì thế, tôi chưa một lần thấy bố to tiếng hay phàn nàn về mẹ. Bố góp ý tế nhị, dí dỏm với mẹ khi nấu cơm nhão vì “hôm nay mẹ thương bố đau răng” hay khi canh mặn vì “mẹ mải cho gà ăn, quên cho hai lần muối”...
Tôi bỗng thấy mình nhỏ bé và thơ dại bên bố mẹ, nhớ về tuổi thơ lấm lem bùn đất nhưng lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương của bố mẹ. Bữa cơm chiều tưởng chừng rất giản dị, mộc mạc diễn ra thường nhật trong mỗi gia đình nhưng lại rất đỗi thiêng liêng, đầm ấm và vô cùng quý giá.
Tôi nhớ có lần khi còn bé, sau khi học xong, tôi cùng đám bạn trong lớp ra sân kho của hợp tác xã chơi chuyền, chơi chắt, mải mê đến tối muộn mới về. Mẹ đứng chờ tôi ở đầu ngõ, tay cầm cái roi mây dài, thấy tôi khép nép, sợ sệt đi về, mẹ giơ roi lên cao rồi vụt thật mạnh vào... bụi tre bên cạnh. Tôi chạy tót vào nhà. Trên hiên nhà, bố và anh chị tôi đã chờ sẵn bên mâm cơm...
Mẹ tôi ngồi đó, lưng cơm đã nguội nhưng vẫn giục bố con tôi ăn nhanh cho nóng. Bàn tay mẹ, ánh mắt mẹ, giọng nói của mẹ, nụ cười của mẹ, cuộc đời mẹ... lam lũ, tảo tần, gồng gánh lo cho bố con tôi. Mẹ là chốn tin cậy, bình yên, chở che, là bữa cơm chiều sum vầy, no ấm mà anh em tôi luôn tìm về.