Có một bức tranh cổ động được treo cao phía trước mặt nhà thông tin số 93 Tràng Tiền (Hà Nội), nhưng ít ai biết tác giả của bức tranh còn mãi với thời gian đó là họa sĩ Trần Từ Thành. Đó là một tác phẩm mang cái tên giản dị “1976”, thể hiện bức thông điệp của hòa bình.
Một trong những bản vẽ phác thảo đầu tiên bức tranh cổ động mang tên “1976”
của họa sĩ Trần Từ Thành.
Chúng tôi đến tìm ông vào sáng mùa thu, khi ông đang cặm cụi với những bức tranh của mình. Đây là công việc hàng ngày của ông. Thấy có khách, ông ngừng tay, mời nước và bắt đầu câu chuyện về kí ức hội họa của mình.
Họa sĩ Trần Từ Thành sinh năm 1944, trong một gia đình đông anh em tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã sớm bộc lộ khả năng với hội họa và mơ ước trở thành họa sĩ. Cứ sau mỗi giờ tan học, cậu bé Thành lại ngồi trên khoảng sân gạch rộng nhà mình để vẽ hình những bông hoa, dòng sông, ngọn núi…
Hồi ấy, để có giấy vẽ, ông phải tận dụng những quyển vở đã viết kín đem ngâm nước vôi rồi đem phơi khô. Còn những chiếc bút chì ông phải thuyết phục mãi bố mẹ mới có được. Cứ miệt mài vẽ, năm 12 tuổi, ông đã có một gia tài nho nhỏ là 30 bức tranh cổ động. Nếu để tranh nằm một chỗ thì quá lãng phí, ông quyết định đem số tranh đó ra chợ Un thuộc xã Gia Phố, huyện Hương Khê bán. Tranh bày ra đến đâu đều bán hết đến đó. Từ đó, vẽ không chỉ trở thành một nghề mà còn là niềm đam mê của ông.
Năm 1958, ông ra Hà Nội dự thi vào trường Mĩ thuật Đông Dương với hành trang chỉ là một gánh cà pháo. Số tiền bán cà đủ để ông sống qua mấy ngày ăn ngủ. Kì thi kết thúc, ông đã lọt vào danh sách 66 thí sinh trúng tuyển. Ông tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được những ngày đầu tiên khi bỡ ngỡ đặt chân vào trường Mĩ thuật Đông Dương. Bây giờ, dù đã nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại, tôi cứ ngỡ đó chỉ là một giấc mơ”. Những buổi đầu đến trường, thiếu thốn đủ thứ nên nhiều ngày trời ông phải ngủ chung với bạn học.
Do có thành tích học tập xuất sắc, ông liên tiếp nhận được học bổng, số tiền đó ông dùng trang trải cuộc sống và mua đồ dùng cá nhân, giấy, bút để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1963, ông trở về quê hương tham gia cách mạng. Năm 1969, ông ra Hà Nội tiếp tục theo đuổi niềm đam mê hội họa. Nhớ lại ngày Bác mất, ông không kìm nổi xúc động: “Tôi vẫn nhớ như in những khoảnh khắc đau thương của toàn dân và quân trước sự ra đi đột ngột của Bác”.
Từ giây phút đó, ông đã hình thành ý tưởng phác họa chân dung Bác để thể hiện sự kính trọng và tình yêu đối với Người. Ông nói: “Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta nhưng lại rất đỗi giản dị. Vì thế, phải làm sao vẽ một bức tranh thật đơn giản nhưng vẫn làm nổi bật lên hình ảnh của Bác, thể hiện được khát vọng lớn nhất của Người là đất nước độc lập thống nhất. Trong lúc bế tắc thì bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu đã như một sự gợi ý quan trọng: “Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Và những hình ảnh đầu tiên về bức tranh thoáng hiện lên trong tâm trí ông. Năm 1975, không khí sục sôi của ngày toàn thắng đã tạo cho ông nguồn cảm hứng mãnh liệt và những nét phác họa đầu tiên về Bác đã được in trên giấy. Sau nhiều ngày miệt mài, ông đã hoàn thành bức tranh với hình tưởng nổi bật là Bác Hồ ôm hôn em bé, bên phải là hình chữ S – biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, là màu cờ Tổ quốc thân yêu.
Năm 1976, bức tranh của ông được trưng bày trong cuộc Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Kết thúc triển lãm, bức tranh cổ động “1976” đã đoạt giải nhì và được Bộ Văn hóa xuất bản, phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Hiện nay bức tranh cổ động này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số bảo tàng khác.
Đã nhiều năm trôi qua, bức tranh vẫn song hành trong đời sống của mảnh đất ngàn năm văn hiến, dòng người qua lại trên đoạn phố giao nhau giữa Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng vẫn được ngắm nhìn. Bức tranh “1976” mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần to lớn đối với người dân Thủ đô, là niềm tự hào trong cuộc đời sáng tạo tác phẩm của họa sĩ Trần Từ Thành…