Bức tranh kinh tế - những gam màu sáng

Duy Phương 09/02/2019 14:00

Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề quan trọng cho năm 2019 bứt phá.

Bức tranh kinh tế - những gam màu sáng

Gạo - mặt hàng xuất khẩu chiến lược đang thay đổi về chất.

Ấn tượng những con số

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/ 2018 tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016. Ngành xây dựng năm 2018 duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%...

Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn DN.

Những con số nói trên là minh chứng khá rõ nét cho thấy môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng.

Điểm sáng xuất khẩu

Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%). Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017.

Đáng chú ý, trong số những điểm nhấn của xuất khẩu, cần phải kể đến xuất khẩu rau củ quả. Năm 2018, xuất khẩu ngành này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng khi vượt qua xuất khẩu gạo và nhiều sản phẩm nông sản nổi trội khác của Việt Nam để vươn lên dẫn đầu trong top xuất khẩu tỷ USD.

Nhận định về kim ngạch xuất khẩu, GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, đây được coi là một thành quả vô cùng ấn tượng của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi trước đó không xa, chỉ khoảng vài năm về trước, xuất khẩu rau quả không có một ấn tượng gì trong bức tranh nông sản xuất khẩu, nếu không muốn nói là quá mờ nhạt, thì nay nhờ sự linh hoạt trong xoay trục tăng trưởng, chuyển ưu tiên từ lúa gạo sang trái cây, thủy sản, cộng với sự vào cuộc của các địa phương trong việc vận động nông dân sản xuất an toàn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã “vươn ra biển lớn” . Trong đó phải kể đến các loại trái cây như thanh long, xoài, chôm chôm, chanh leo, nhãn, vải… đã chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ…

Gạo xuất khẩu có sự thay đổi mạnh về cơ cấu, giá trị

Năm 2018, ngành gạo xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trở lại. Theo Bộ NNPTNT, cả năm 2018, gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.

Có thể thấy, sở dĩ bức tranh ngành lúa gạo có gam màu tươi sáng như vậy là do, thị trường gạo trong những tháng cuối năm 2018 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường Indonesia và Philippines. Trong phiên mở thầu nhập 500.000 tấn gạo loại 25% tấm (hồi cuối tháng 11/2018) của Philippines, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu với khối lượng 118.000 tấn.

Thị trường gạo xuất khẩu còn hé lộ một tin mừng, đó là khả năng Ai Cập sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong đầu năm 2019 này do giảm diện tích canh tác. Và ngay trong phiên thầu mua gạo quốc tế đầu tiên của Ai Cập năm 2018, có một mẫu gạo từ Việt Nam đã qua được vòng kiểm nghiệm. Điểm nhấn quan trọng của bức tranh xuất khẩu gạo nằm ở những chuyển biến tích cực trong cơ cấu xuất khẩu, đó là các DN tập trung vào những sản phẩm gạo phẩm cấp cao để xuất khẩu thay vì chạy theo sản lượng như trước đây mà thu gom cả các sản phẩm gạo phẩm cấp thấp. Chính từ sự chuyển biến này, giá trị hạt gạo xuất khẩu ngày càng gia tăng, góp phần định vị được hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Năng lực cạnh tranh và vị thế của ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Nhiều nông sản xuất khẩu đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa, ngay cả ở những thị trường khó tính; đóng góp xứng đáng vào kết quả hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam”. Theo Bộ trưởng, với mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam, 5 năm trước, giá gạo Việt Nam rất thấp, thì hiện nay giá gạo thậm chí đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ... Gạo xuất khẩu có sự đổi thay mạnh mẽ về cơ cấu, giá trị.

Từ những điểm sáng bức tranh kinh tế năm 2018, có thể khẳng định năm 2019 còn có sự bứt phá hơn nữa, khi mà những rào cản được dỡ bỏ và khát vọng vươn tới phồn vinh đã rất mạnh mẽ.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018 ước tính đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu nông sản sang 10 thị trường lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá ba sa, đứng thứ hai về cà phê, đứng thứ ba về gạo, tôm, đứng thứ năm về xuất khẩu lâm sản. Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét”- báo cáo của Tổng cục Thống kê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh kinh tế - những gam màu sáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO