Tháng 4/2012, bản phục chế cao cấp của bức họa - thư Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ của họa gia Trần Giám Như, vẽ năm 1363, đời Nguyên, với nhân vật chính rất danh tiếng - Trúc Lâm sư tổ Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, được đấu giá thành công với mức giá “không tưởng” đã làm xôn xao dư luận những người quan tâm đến nghệ thuật, cổ vật, lịch sử, văn hóa.
Một trích đoạn bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ - Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi trên võng, vua Trần Anh Tông cùng quần thần đứng đón.
Họa phẩm nhiều chuân chuyên
Trong lịch sử hội họa Trung Quốc không có ghi chép gì về Trần Giám Như. Các sách Đồ hội bảo giám, Thạch cừ bảo cấp tục biên... chỉ cho biết ông là người ở Hàng Châu, là tay bút truyền thần đệ nhất thời Nguyên. Năm Chí Chính thứ 23 (1363), Trần Giám Như sáng tác quyển (cuộn) “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”. Bức tranh sau đó thuộc sở hữu của Hạng Nguyên Biện (1525-1590), người Triết Giang - là họa sĩ giỏi vẽ trúc mai lan, cũng là nhà sưu tập. Ông giàu có nên thu tàng nhiều tác phẩm thư pháp hội họa của các họa gia nổi tiếng, đứng đầu vùng Giang Nam. Các triện ấn của Hạng Nguyên Biện trên tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ xác nhận điều này. Đến đời Thanh, bức họa - thư này được sưu tập, bảo tồn trong hoàng cung. Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi tuy đã thoái vị nhưng vẫn ở trong Tử Cấm thành, dù chịu sự o ép của người Nhật vẫn tìm mọi cách “đánh tháo” cho hơn 1.300 bảo vật của Trung Hoa đang bị chiếm giữ. Bức họa - thư Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ nói trên ở trong số báu vật truân chuyên nhưng vẫn còn may mắn đó. Năm 1922, bức tranh được bí mật “tuồn” ra ngoài và lưu lạc trong cuộc chiến, đến năm 1949 mới trở về Bảo tàng Đông Bắc (nay là Bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc). Phiên bản của bức tranh đã được Bảo tàng Liêu Ninh thực hiện bằng kỹ thuật cao và đã được triển lãm từ năm 2006.
Giá khởi điểm của bức tranh khi đấu giá chỉ là 1.000 nhân dân tệ (khoảng 160 USD) nhưng qua nhiều vòng tranh giá, khi kết thúc đã cao hơn gấp một vạn lần - ở mức 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu USD), chưa kể tiền môi giới. Giá cuối cùng được thông báo là 11,5 triệu nhân dân tệ - một con số “không tưởng” (!). Chỉ một bản phục chế đã được mua với giá cao “ngất ngưởng” như vậy thì chắc chắn bản gốc là vô giá. Thông tin về người mua không được tiết lộ càng làm tăng thêm sự kỳ bí xung quanh họa phẩm này.
Kỹ thuật và nội dung khác biệt
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Nam, Đại học KHXH&NV TPHCM, trên Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm (số 2-1999): Sách Thạch cừ bảo cấp bí điện chân lâm tục biên (đời Minh) chép Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ được họa gia Trần Giám Như hoàn thành năm 1363 và miêu tả: “Tranh vẽ trên giấy hoa tiên, ngang 8 thốn 8 phân, dài 9 xích 6 thốn, vẽ rõ chuyện Quốc vương An nam Trần Khâm nhường ngôi”.
Đây là một bức “trường tranh” với kích thước kỳ lạ. Cùng với phần tranh (họa) còn có thêm nhiều lời bình, dẫn (thư) của các danh sĩ đời Minh, hầu hết được viết trong khoảng những năm 1420-1423. Tác phẩm có kích thước 961 cm x 28 cm, riêng phần tranh có kích thước 316 cm x 28cm, được vẽ trên giấy xuyến. Trên bức tranh có rất nhiều triện của các danh gia (những người viết các lời bình, dẫn), của các tàng gia (nhà sưu tập), của Nhà nước (các kho lưu trữ). Đặc biệt trên lạc khoản có chữ triện của Trần Đăng (1362-1428) là bậc “thượng thủ” viết triện đời Minh, đến nay còn để lại nhiều tác phẩm. Bức họa của Trần Giám Như cùng với thư pháp đặc sắc của những danh sĩ đã tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật họa - thư.
Tranh được vẽ theo lối “trực họa” với phong cách cổ điển thường thấy của các họa sĩ Trung Hoa. Bức tranh vẽ cảnh vua Trần Anh Tông cùng đoàn tùy tùng nghênh đón vua cha Trần Nhân Tông khi Trúc Lâm đại sĩ từ động Vũ Lâm (vùng Tràng An, Ninh Bình ngày nay), là nơi tu hành, trở về kinh sư. Bức tranh có tổng cộng tới 82 nhân vật, phía Trần Anh Tông ra đón có 61 người và đoàn Trần Nhân Tông trở về từ núi có 21 người. Ngoài ra còn nhiều chi tiết khác: tùng, lau, voi trắng chở kinh, hạc dẫn đường, ngựa, quang gánh, các đồ đạc tùy tòng... Mặc dù vẽ theo phong cách thủy mặc của Trung Quốc nhưng các chi tiết trong tranh không tượng trưng, ước lệ như tranh thủy mặc mà được vẽ rất thật. Con người, con vật (đặc biệt là voi), không gian, tỉ lệ trong tranh mang đậm màu sắc Việt.
Bài dẫn của Trần Quang Chỉ - ông xưng là “kẻ học đạo Phật ở sông Lô” - chắc hẳn là người Đại Việt (?), vì “nhân thấy được tranh cảm thuật đôi điều đại khái, viết ở bên trái bức họa để các bậc toàn tri xem, khiến cho công nghiệp, đức hạnh của đại sĩ không bị mai một” (bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam) đã viết rất tỉ mỉ về thân thế sự nghiệp của Trần Nhân Tông, những giai thoại, thậm chí còn chỉ dẫn “nguồn tư liệu” có thể tra cứu sự tích của Trúc Lâm đại sĩ là tác phẩm Truyền Đăng Lục. Lời bình của Dư Đỉnh, viết năm 1420, sau khi được Trần Quang Chỉ cho xem tranh và nhờ viết bài ký: “Bức tranh miêu tả Trúc lâm đại sĩ ngồi trên cáng. Các tùy tùng đều khoác áo tăng. Voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu, đó hẳn là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung nghênh trên đường chính là con của đại sĩ, người nối ngôi, thay cha trị nước...”. Những điều này cho thấy Trần Nhân Tông là nhân vật được quan tâm và được nhiều người biết, được ghi dấu trong thư tịch rất sớm. Đại Việt Sử ký toàn thư (trang 433 tập 2) cũng ghi Nhân Tông xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình) (viết: Ất Mùi, [Hưng Long] năm thứ 3 [1295]… Mùa hạ, tháng 6, Thượng hoàng trở về kinh sư. Vì [trước] đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về). Điều này phù hợp với nội dung trong tranh.
Nghiên mực đời Minh chép lại họa tiết của bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ.
Còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời
Họa phẩm Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ được sáng tác sau “thời đại” của Trần Nhân Tông không lâu - sau khi ông xuất gia (năm 1300) hơn 60 năm và sau khi ông viên tịch (năm 1308) chỉ hơn 50 năm. Đến nay bức họa đã 656 năm tuổi. Các lời bình, dẫn, tán tụng xuất hiện sau bức họa chừng 50-60 năm. Niên đại đó đủ cho thấy những tư liệu về Phật hoàng Trần Nhân Tông trong bức họa khá tươi mới. Chân dung Trần Nhân Tông dù được họa theo lối ước lệ thủy mặc thường thấy của hội họa Trung Hoa cổ nhưng mang giá trị cao hơn hẳn những tranh, tượng (cũng rất hiếm hoi) về ông sau này. Nhiều chi tiết được mô tả trên tranh cho đến nay vẫn gây nhiều tranh luận như: đạo sĩ Lâm Thời Vũ (?) cưỡi bò, các tăng sĩ Ấn Độ đi theo Trần Nhân Tông, kiểu mũ khác lạ, trang phục áo chẽn, tay áo ngắn, cầm gậy cắm lông chim của những người đi theo Trần Anh Tông - có chức năng gì và là biểu tượng cho điều gì ?, v.v…
Sách Đồ hội bảo giám không gọi Trần Giám Như là Hàng Châu nhân (người Hàng Châu), mà chỉ viết là cư Hàng Châu (sống ở Hàng Châu), điều này làm cho nguồn gốc (quốc tịch) của Trần Giám Như cũng có nhiều nghi vấn. Dư Đỉnh trong bài bình (1420) lại viết: “Người Nam Giao vẽ lại sự kiện nhất thời, và hoan hỉ truyền xem”. Phải chăng Trần Giám Như là người Việt?
Cũng không rõ cảm hứng hay nguyên do nào đã khiến Trần Giám Như bậc “thượng thủ” vẽ truyền thần thời cuối Nguyên, đầu Minh, lại chọn Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông - ông vua rạng danh nhất triều Trần của Việt Nam, làm đề tài cho sáng tác của mình. Hoàn cảnh và nguyên nhân sáng tác của bức họa - thư là những vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu.
Không chỉ có giá trị và gây ngạc nhiên, xúc động cho người đương thời, Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ còn là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác khác trong các đời sau. Đến nay còn lưu lại một nghiên mực sáu mặt chạm khắc công phu dựa theo những chủ đề, cảnh tượng trong Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ của nghệ nhân trứ danh Trình Quân Phòng (thời Minh). Các nghệ nhân đời Thanh còn tiếp tục mô phỏng tuyệt tác của họ Trình để làm nghiên mực gốm sứ. Câu hỏi vì sao lại có hiện tượng này được giới nghiên cứu đặt ra và chưa có lời giải đáp...