Thái Bình có nhiều món ẩm thực nổi tiếng như bánh gai Đại Đồng, ổi Bo, bún bung, canh cá Quỳnh Côi, gỏi nhệch, bánh nghệ, bánh cáy... Nhưng đặc biệt gây thương gây nhớ cho du khách khi ghé thăm Thái Bình chính là món bún bung.
Khác với bún dọc mùng, bún chả, bún Huế... bún bung đặc biệt hơn khi được hầm cùng hoa chuối. Chính vị chan chát của hoa chuối quện cùng thịt đã tạo nên hương vị riêng rất đặc trưng của bún bung và khó có thể tìm thấy ở bất cứ món ăn nào khác.
Tên gọi bún bung xuất phát từ “bún”, dùng để chỉ bún lá hoặc bún rối; còn “bung” để chỉ nước dùng cho bún. Ngoài ra, từ “bung” còn được người dân nơi đây giải thích là để gọi chiếc nồi đồng cỡ lớn. Bởi lẽ, khi chế biến cần đun, ninh lâu với nhiều nước trong nồi lớn nên gọi là bung.
Đến nay, bún bung đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành. Không khó để có thể tìm kiếm một quán bún bung tại Sài Gòn hay Hà Nội. Tuy nhiên, bún bung Thái Bình đặc biệt với các vùng khác, đó là nhất định phải được nấu cùng hoa chuối và viên chả thịt được quấn trong lá xương sông.
Để làm món bún bung chuẩn vị, người Thái Bình sử dụng phần xương ống lợn, móng giò và thịt chân giò, đem rửa sạch, trần qua nước sôi rồi ninh nhỏ lửa. Xương ống hầm càng kĩ, nước dùng càng ngọt, còn phần móng giò và thịt khi chín mềm thì vớt ra, có thể ngâm nước đá để giữ độ giòn và trắng.
Hoa chuối được thái mỏng, thái đến đâu ngâm ngay vào chậu nước vo gạo hoặc nước pha cốt chanh để hoa chuối bớt chát và không bị thâm, đảm bảo hương vị và tính thẩm mỹ cho món ăn.
Phần chả thịt xương sông được chế biến từ thịt xay tương tự như món chả lá lốt, đem trộn cùng một số gia vị như hạt nêm, tiêu, hành khô băm nhỏ rồi đem bọc trong lá xương sông. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ sao cho thịt được gói gọn gàng trong lá, không lộ ra ngoài. Có vậy, khi nấu, chả xương sông mới không bị vỡ.
Còn hoa chuối ngâm chừng 30 - 40 phút thì vớt ra rửa sạch lại lần nữa rồi để cho ráo nước. Phi chút hành thơm, xào hoa chuối cùng cà chua, nêm nếm gia vị cho đậm đà rồi đổ tất cả vào nồi nước dùng và ninh tiếp cho đến khi hoa chuối chín mềm.
Một tô bún bung hoàn chỉnh được dọn ra với những sợi bún tươi mềm, hòa cùng nước dùng thanh ngọt, đi kèm là chả xương sông, vài lát thịt chân giò cùng với sắc xanh mát của dọc mùng. Bên cạnh đó, bún còn được phục vụ với một đĩa rau thơm, hoa chuối thái nhỏ trộn giấm.
Sự kết hợp giữa vị ngọt từ thịt xương pha trộn cùng vị chát nhẹ của hoa chuối, chua chua the the đến từ dọc mùng tạo nên một tô bún đầy hấp dẫn với đủ cung bậc vị giác. Cùng với đó là mùi thơm từ lá xương sông và chút béo ngậy từ thịt chân giò, bún bung đem lại một trải nghiệm ẩm thực khó quên đến từ vùng đất Thái Bình, mà một khi đã dùng thử, du khách nhất định sẽ muốn quay lại để thưởng thức lần nữa.
Món ăn dân dã này có thể được tìm thấy ở nhiều nơi tại Thái Bình, từ các khu chợ quê đến các hàng quán dọc đường. Nếu có dịp đến nơi đây, đừng quên tự thưởng cho mình một tô bún bung để cảm nhận những nét tinh hoa trong ẩm thực Việt.