Các chuyên gia kinh tế dự đoán, thời gian tới nhu cầu tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư ở thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng tăng. Các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính, giàu kinh nghiệm thường hợp tác với DN trong nước vốn có quỹ đất sạch, hiểu rõ nhu cầu khách hàng…
Trong đó, nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc… đang dành sự quan tâm lớn đến thị trường bất động sản hàng trăm triệu USD.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhờ các chính sách phát triển, sự tăng trưởng của thị trường, môi trường đầu tư cải thiện… nên năm 2018 sẽ có nhiều dự án bất động sản được mua bán, sáp nhập (M&A).
Nhiều dự án nhà ở thu hút đầu tư nước ngoài.
Nổi trội doanh nghiệp ngoại
Ông Phan Xuân Cần – Chủ tịch HĐQT Sohovietnam (công ty chuyên về tư vấn mua bán, sáp nhập và chuyển nhượng dự án bất động sản) khẳng định, thị trường M&A bất động sản Việt Nam là mảnh đất hết sức “màu mỡ”.
Ông Cần cho biết tại Việt Nam, các thương vụ M&A trong ngành bất động sản đa phần là mua lại đất hoặc mua lại các dự án mới được cấp phép để phát triển, con số này chiếm tới 80 – 90% tổng lượng giao dịch trên thị trường.
Trong khi đó, tại những nước hoặc khu vực như Singapore hay Hong Kong thì tỷ lệ M&A thường chia đều 50 – 50 cho cả phân khúc tài sản bất động sản (hay còn gọi là những bất động sản đã hoàn thiện, đã được xây dựng xong) và những dự án bất động sản hoàn thiện trong tương lai.
Theo giới kinh doanh lĩnh vực bất động sản những giao dịch được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng.
Nhiều giao dịch mua bán dự án bất động sản diễn ra âm thầm, tỷ lệ những dự án được M&A trong ngành bất động sản được công bố ước tính chỉ đạt 20 – 30% so với tổng lượng giao dịch thực tế trên thị trường.
Trong năm này, hoạt động M&A trong ngành bất động sản tại Việt Nam nhìn chung vẫn rơi vào hai khu vực là Hà Nội và TP HCM, trong đó, TP HCM được đánh giá tốt hơn về các giao dịch M&A.
Điển hình, tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt, đại diện doanh nghiệp (DN) này thông báo về việc bán quỹ đất lớn mà DN này từng lập dự án The EverRich 3(quận 7). Ngay sau khi thông tin chào bán dự án này được công bố có khá nhiều DN muốn mua lại.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Johes Lang Lasalle Việt Nam (ILL), với cư dân đô thị và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2017, bất động sản đứng trong top 5 các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất và top các nước đầu tư vào Việt Nam lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.
Những quỹ đầu tư hoặc DN nước ngoài M&A dự án bất động sản có thể kể đến như Warburg Pincus, Mapletree, Keppel Land, Frasers Centrepoint, Hong Kong Land, Lotte E&C… với các thương vụ trị giá từ 20 triệu đô trở lên.
“Năm 2017 là năm bùng nổ về M&A bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, năm 2018 sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho giới kinh doanh lĩnh vực này”, ông Stephen Wyatt nhận định.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực khẳng định, nhờ các chính sách, sự tăng trưởng của thị trường,… nên dự báo, năm 2018 sẽ có nhiều dự án bất động sản được M&A.
Cộng hưởng thu hút vốn
Lý giải về điều kiện thuận lợi thực hiện M&A bất động sản, ông Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế trong và ngoài nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Vị này dẫn chứng, sản xuất – kinh doanh – thương mại thế giới năm 2017 tốt hơn. Năm 2017, Việt Nam nằm trong top 10 những nước có nhận lượng kiều hối cao nhất thế giới.
Kiều hồi tăng trưởng 16%, với 13,8 tỷ USD đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Bên cạnh lượng kiều hối, vốn đầu tư vào bất động sản cũng tăng cao, trong đó 2,5 tỷ USD của FDI đổ vào lĩnh vực này, với mức tăng 2,3 lần so với năm ngoái.
Cũng theo ông Lực, ngoài hai dòng tiền nêu trên Chỉ thị 03 phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ, tái cơ cấu kinh tế (DN nhà nước, tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu) thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, bằng chứng là chỉ số tăng hạng từ 82 lên 68 gây sự chú ý cho các nhà đầu tư.
Không ít chuyên gia dự đoán, thời gian tới nhu cầu tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư ở thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng tăng.
Các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính, giàu kinh nghiệm thường hợp tác với DN trong nước vốn có quỹ đất sạch, hiểu rõ nhu cầu khách hàng…
Trong đó, nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc… đang dành sự quan tâm lớn đến thị trường bất động sản hàng trăm triệu USD.
Ông Đặng Xuân Minh – Tổng Giám đốc AVM Việt Nam và Việt Nam M&A Forum thống kê, năm 2006 thị trường M&A Việt Nam đạt 500 triệu USD, nhưng đến 2016 đạt 5,6 tỷ USD và năm 2017 này kỳ vọng đạt 8 tỷ USD. Đặc biệt, bất động sản chính là lĩnh vực đạt giá trị cao nhất.