Sau thời gian bị kiềm tỏa bởi đại dịch Covid-19, những ngày qua, đời sống văn nghệ có nhiều khởi sắc. Trong đó, đáng chú ý có nhiều triển lãm mỹ thuật “khủng”.
1. Dùng từ “bùng nổ” để chỉ sự xuất hiện nhiều triển lãm mỹ thuật trong những ngày này, có thể, nhiều người nghĩ… hơi quá. Nhưng quả thực, xem những triển lãm vừa khai mạc tuần qua, người xem sẽ nhận ra một sự “bùng nổ” của những cái - tôi - nghệ - sĩ sau một thời gian ở nhà tránh dịch.
Đó là họa sĩ Phan Cẩm Thượng với triển lãm tranh đặc biệt, mở cửa tới ngày 9/5, tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội). Những bức tranh trong triển lãm này mang cảm hứng từ những nhân vật trong thế kỷ thứ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Chất liệu họa sĩ Phan Cẩm Thượng dùng để vẽ những bức tranh này là giấy dó và màu tự nhiên. Điều đặc biệt nữa: triển lãm bán vé cho ai muốn vào thưởng lãm (giá vé 100.000 đồng/người); và hạn chế số lượng người vào xem cùng lúc (không quá 10 người/lượt).
Đó là họa sĩ Lê Thiết Cương với triển lãm những bức tranh Kiều vừa khai mạc tại Gallery Thăng Long (41 Hàng Gai, Hà Nội). Lâu nay, “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã mê đắm nhiều họa sĩ, nhiều người đã để lại dấu ấn sáng tạo và sự tài hoa qua những bức tranh họa Kiều. Đến bây giờ, nói như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Lê Thiết Cương đã “nhiễm” Kiều thời gian dài, đã “phát bệnh” vẽ Kiều theo bút pháp tối giản của mình. “Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương - 24 tranh” giới thiệu 24 tranh và cuốn sách cùng tên của họa sĩ Lê Thiết Cương, trong đó mỗi bức tranh có kèm theo 1 câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác từ câu thơ Kiều.
Đó là họa sĩ 8X Mai Đại Lưu với triển lãm “Trong rừng sâu” (từ ngày 14/4 đến 21/4) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 2 của họa sĩ Mai Đại Lưu với một cách tiếp cận đặc biệt: “vô cùng không gian và buông bỏ hình thể”. Triển lãm giới thiệu 11 tác phẩm được họa sĩ Mai Đại Lưu thực hiện trong 2 năm dịch dã vừa qua. Nhiều bức tranh có kích thước “khủng”: dài 8 mét, như “Trong rừng sâu” và “Ngắm nhìn hoa nở” được sắp đặt san sát nhau thành một dải dày đặc, liên tiếp, dần dần trung hòa không gian theo tỷ lệ 1:1 đến khi tiếp nhận vật lý của ta hòa làm một với môi trường trong tranh…
2. Ba họa sĩ đương đại, mỗi người lựa chọn một con đường trong hội họa giá vẽ, nhưng đã hiển lộ cá tính. Đúng như giám tuyển Vân Vi nhận xét, mỗi họa sĩ đều có một cội nguồn văn hóa. Cái gốc văn hóa ấy quyết định cách nhìn trong nghệ thuật của họ như một phẩm chất tự nhiên. Với ông Thượng thì đó là văn hóa cổ. Tranh họa sĩ Phan Cẩm Thượng đa số là một khổ giấy dó 60x120 cm, từ những tờ giấy dó đã để 20 năm nọ độ ẩm khiến những nét bút mềm và màu quyện vào giấy. Những bức tranh trong triển lãm này mang cảm hứng từ những nhân vật trong thế kỷ thứ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Bố cục tranh hầu hết là vô hướng, và “ngẫu hứng trong có lý”. Đôi khi là những tà áo bay ngược xuôi, những chân tay mọc ra từ trong tà áo ở những chỗ bất thường, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều là những sự tính toán về cân bằng thị giác. Ông Thượng dùng hệ màu tự nhiên trên giấy dó, các hòa sắc ưa thích là màu của củ nâu, màu hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, đâu đó là xanh thái thanh lam, xanh ngọc phỉ thúy…trong một bản hòa sắc mang tính thẩm mỹ dân tộc, làm hiển hiện lên trong mắt ta điều gì đó thân quen nhưng lại đã từ lâu không thấy, thành thử nó có vẻ ấm áp và dịu dàng. Điểm cuối cùng không thể không đề cập, tuy là nội dung có tính chất văn hóa cổ, sử dụng hệ màu tự nhiên, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới - chứ không hề cũ.
Cũng khởi từ cái mạch truyền thống, họa sĩ Lê Thiết Cương chọn giấy dó, vải màn và bột màu để làm chất liệu quan trọng khi sáng tác những bức tranh về Kiều. Là người theo dõi quá trình sáng tạo này của Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha mô tả: Ngày nào tôi cũng tận mắt chứng kiến Cương chuẩn bị cho cái sự vẽ Kiều, bằng việc tạo ra loại toan vẽ đặc biệt cho riêng mình. Đầu tiên là ngâm giấy dó vào nước cho giãn đều. Khi giấy dó vớt ra gần ráo nước, họa sĩ bôi keo vào bốn mép giấy dán lên một bản gỗ dày. Dán xong để khô, họa sĩ vẽ phác thảo bằng chì. Xong xuôi mới bắt đầu công đoạn bồi tấm vải màn lên mặt giấy dó. Cương bảo, công đoạn này có gì đó tương tự như nghệ nhân sơn mài bọc vải màn vào tấm gỗ để làm vóc, nhưng lại được gọi bằng một cái tên rất hay là “đánh vải”.
Trong khi đó, với họa sĩ Mai Đại Lưu, 2 năm vừa rồi dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý của mọi người. “Sâu trong tâm hồn tôi muốn đi vào nơi thoát ra khỏi sự ồn ào đấy. Tôi nghĩ đến “trong rừng sâu”. Tôi muốn đưa mọi người quay trở lại nơi khởi thủy của loài người, nơi nguyên thủy nhất, suy nghĩ về những điều đã xảy ra”, họa sĩ chia sẻ và thêm rằng, thông qua triển lãm, anh mong muốn mọi người sẽ yêu thiên nhiên hơn, tôn trọng thiên nhiên, môi trường sống của chúng ta, đời sống xã hội và quan tâm đến nhau hơn.
“Miền không” của Trần Nhật Thăng
Các triển lãm mỹ thuật cũng đang góp phần làm phong phú đời sống nghệ thuật ở TP HCM. Trong đó, đáng chú ý triển lãm “Miền không” của họa sĩ Trần Nhật Thăng trưng bày 30 tác phẩm acrylic trên toan khổ lớn, diễn ra từ ngày 14/4-30/4 tại 38 Trần Cao Vân, Q.3, TP HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 13 của Trần Nhật Thăng và là lần đầu tiên anh triển lãm ở TP HCM, cũng là đánh dấu chặng đường mỹ thuật 28 năm của anh, kể từ năm 1994.
Chia sẻ về triển lãm “Miền không”, họa sĩ Trần Nhật Thăng nói: “Tôi có một xưởng vẽ “Lưng đèo” là nơi an trú do duyên mà thành. Ở đó có núi, rừng, có suối, có ruộng lúa, bản làng và những tấm lòng... Chúng tôi thức dậy giữa tiếng cười của hàng xóm. Sống nơi đó, bạn sẽ quay ngược thời gian vào 50 năm trước, khi mà sự hồn hậu trong mỗi con người vẫn vẹn nguyên. Thiên nhiên là một phần, nhưng tinh thần con người còn quan trọng hơn. Ở đây, tôi được yêu quý vô điều kiện từ người dân. Các tác phẩm của “Miền không” ra đời trong tinh thần như thế”.
Đánh giá về các tác phẩm lần này của Trần Nhật Thăng, họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ: “Sự tối giản của Trần Nhật Thăng lần này là một bảng màu đơn sắc, chủ yếu là trắng đen với những biến thể sang ghi xám, trắng ngà. Thi thoảng nhấn nhá một màu gì đó, ví dụ một vệt đỏ, một miếng vàng thổ có tính chất điểm xuyết. Hoặc có những bức chỉ một tông xanh - trắng kiểu gốm Chu Đậu, gốm ký kiểu bleu de Hue...Vài ba bức Trần Nhật Thăng thếp vàng quỳ lên mặt tranh, mấy lá thôi. Vàng bạc quỳ của sơn mài truyền thống trong tranh Trần Nhật Thăng như tiếng thì thầm của thời gian vọng về, xưa cũ mà vẫn mới”.
140 tác phẩm tham gia Hanoi Art Connecting lần 5
Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) cùng Asia Art Link (AAL) và Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu chương trình Workshop & Triển lãm nghệ thuật quốc tế Hanoi Art Connect-ing lần 5. Chương trình bao gồm chuỗi hoạt động sáng tác, trưng bày hơn 140 tác phẩm thuộc các lĩnh vực: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt, của các nghệ sĩ đến từ Việt Nam và 24 quốc gia trên thế giới.
Workshop & Triển lãm nghệ thuật quốc tế lần 5 đánh dấu sự quay trở lại sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch. Chương trình lần này chú trọng vào việc phát hiện, thúc đẩy các nhân tố nghệ thuật trẻ, giàu sáng tạo; Đồng thời kết nối thế hệ mới và lớp nghệ sĩ gạo cội đi trước, cũng là giao thoa giữa sự biến thiên của tương lai và tinh hoa của quá khứ.
Với sự tham gia của Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Hội Mỹ thuật Việt Nam và 100 nghệ sĩ trong nước cùng các nghệ sĩ đến từ Australia, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Indo-nesia, Ireland, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Sri Lanka, Tây Ban Nha, Thái Lan, Trung Quốc... chương trình được kì vọng sẽ tạo ra một môi trường tích cực để giao lưu văn hoá, trao đổi kiến thức giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, giữa nghệ sĩ và những khán giả yêu nghệ thuật. Triển lãm mở cửa tự do tới hết ngày 9/5.